Chiến lược Phí ngân hàng tròng cổ khách

Phí ngân hàng tròng cổ khách

7
Ra sức khuyến mãi, chào mời khách hàng sử dụng thẻ, song, họ lại tìm đủ chiêu tận thu của người dùng. Cái khôn của các ngân hàng là chia rất nhỏ số tiền, mỗi loại phí thu một lần, thu cách nhau vài ngày nên ít ai để ý”.

Ảnh minh họa

Lạc giữa ma trận phí
Phí nhiều và không thể nhớ nổi – lời phàn nàn của rất nhiều khách hàng về tình trạng thu phí của các nhà băng gần đây. Trên thực tế, hệ thống phí của các ngân hàng giờ như một… ma trận.

Mỗi ngân hàng một kiểu thu, với những tên gọi khác nhau, song về bản chất cũng chỉ là một dạng dịch vụ liên quan đến tài khoản tiền gửi, hay còn gọi là tài khoản thanh toán. Ăn theo là hàng trăm dịch vụ bổ sung, như phát hành thẻ ghi nợ (thẻ ATM rút tiền, thanh toán), dịch vụ internet banking, dịch vụ báo SMS khi số dư tài khoản thay đổi, rồi gửi rút tiền… Đương nhiên, động vào đâu cũng bị thu phí.
“Cái khôn của các ngân hàng là chia rất nhỏ số tiền, mỗi loại phí thu một lần, thu cách nhau vài ngày nên ít người để ý. Chưa kể, thi thoảng lại nhận được tin nhắn truy thu phí các loại từ mấy tháng, thậm chí còn truy thu từ mấy năm trước nên không biết đâu mà lần” – chị Thu Trang (Hà Nội), phản ánh.
Chị Trang liệt kê một loạt phí đang tròng vào cái thẻ mà mình sử dụng: 13.200 đồng phí dịch vụ SMS banking (gửi tin nhắn khi có thay đổi số dư tài khoản), 11.000 đồng duy trì dịch vụ internet banking, 5.500 đồng phí thường niên,… tổng cộng mỗi tháng chị phải trả gần 30.000 đồng; chưa tính số tiền chị mất khi rút tiền mặt, chuyển khoản…
Cùng tâm trạng, anh Anh Tuấn (Long Biên, Hà Nội) cho biết đang sử dụng dịch vụ tài khoản của một ngân hàng, cứ đến cuối tháng lại nhận được tin nhắn trừ phí các loại, từ phí quản lý tài khoản, phí thường niên thẻ, phí sms banking, internet banking… đến rút tiền trên ATM của chính ngân hàng đó cũng bị trừ phí 2.200 đồng/lần. “Nhiều khi mình chỉ rút có 100.000 đồng, nhưng hệ thống báo là rút 102.200 đồng, mãi sau mới hiểu là phí rút tiền mặt tại ATM”.
“Vì quá nhiều lần thu phí trong một tháng, mỗi lần số tiền nhỏ, chưa kể mình sử dụng dịch vụ của 2 ngân hàng nên nhiều khi cũng rối, chẳng biết hết được các loại phí. Mà có để ý cũng không để làm gì. Đến ngày đến tháng, ngân hàng thu tự động trên tài khoản, mình có phản đối được đâu. Phản đối, chuyển sang sử dụng dịch vụ của ngân hàng khác cũng thế, đành phải chấp nhận thôi”, anh Quang Tân (Gia Lâm, Hà Nội), than thở.

Tránh “đè” khách ra tận thu
Thực tế, sử dụng dịch vụ thì phải trả tiền. Đây là nguyên lý. “Chúng ta đang khuyến khích dân cư sử dụng dịch vụ tài khoản để thanh toán thì bản thân phải có chính sách phát triển. Một số ngân hàng đang duy trì phí quản lý tài khoản cho mọi đối tượng là khá vô lý. Tài khoản anh mở ra, anh có hệ thống công nghệ hiện đại rồi, việc theo dõi trở nên đơn giản hơn thì không có lý do gì để anh đè người sử dụng ra thu phí.
Còn phí quản lý dành cho các loại tài khoản ít giao dịch thực ra là để các ngân hàng thu nốt số dư tối thiểu, mà thường các chủ tài khoản phải nộp khi mở. Các dịch vụ khác thì đồng ý là dịch vụ gia tăng thì cần thu, nhưng các ngân hàng cũng nên cân nhắc mức phí” – một chuyên gia chia sẻ.
Tất nhiên, các ngân hàng đều có lý lẽ bảo vệ quan điểm thu phí của mình. Giải thích cho việc thu phí lẻ tẻ, nhiều lần, Giám đốc tài chính một ngân hàng cho rằng: “Mỗi loại phí là một đầu tài khoản, cần phải được hạch toán riêng lẻ để vừa tiện cho công tác báo cáo tài chính, kế toán thuế làm nghĩa vụ với nhà nước; vừa để thống kê dịch vụ, theo dõi chất lượng nội bộ. Chúng tôi thu từng loại cũng là một cách để minh bạch với khách hàng, không phải cứ thu một cục rồi bảo thu phí”.
Rồi “việc thu phí là không thể tránh khỏi. Mọi phí ngân hàng thu đều dựa trên thực tế cân đối phát sinh do việc cung cấp dịch vụ, như việc nộp rút tiền mặt thì phải có đội ngũ kiểm ngân, kiểm đếm; dịch vụ ATM thì bao nhiêu loại chi phí liên quan” – lãnh đạo Trung tâm Thẻ – Khối Khách hàng Cá nhân một ngân hàng biện bạch.
Liệu các loại phí này có ảnh hưởng đến túi tiền của các đối tượng khó khăn như công nhân, lao động, viên chức… , theo vị này, để đạt được thỏa thuận trả lương qua tài khoản, các ngân hàng đều nhượng bộ chủ doanh nghiệp như miễn phí phát hành thẻ, miễn phí thường niên hoặc miễn phí rút tiền ATM… nên sẽ không ảnh hưởng lớn”.
Như vậy, rõ ràng các loại phí dịch vụ ngân hàng chủ yếu “nhắm” vào đối tượng nhỏ, lẻ, vãng lãi. Tuy nhiên, số lượng này có ít? Câu chuyện quản lý nhà nước về cạnh tranh, chống độc quyền, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực dịch vụ ngân hàng, vì thế cũng cần được lưu tâm, quản lý chặt hơn khi đang hình thành các liên minh thẻ liên ngân hàng.
Vấn đề ở đây là ngân hàng cần minh bạch: thu bao nhiêu, thu thế nào để người dân hiểu rõ, tránh cảm giác “lúc nào cũng bị thu phí”. Đồng thời, cân bằng lợi ích giữa các bên khi thu phí thẻ, tránh trường hợp người dân “né” phí lại quay về dùng tiền mặt.

Theo VEF