Kiến thức quản trị Nhà bán lẻ thiếu “ông tơ, bà nguyệt”

Nhà bán lẻ thiếu “ông tơ, bà nguyệt”

8
Không những phải đối mặt với khó khăn về vốn để duy trì sản xuất, vấn đề lớn nhất với DN nhỏ và vừa hiện nay là sản xuất ra rồi bán cho ai.

Đại diện một số DN nói rằng, sẽ rất khó khăn cho DN khi họ vừa lo sản xuất lại vừa lo cách đưa hàng vào siêu thị hay các kênh phân phối hiện đại. Thực tế này đang đặt ra vấn đề là phải có một hệ thống nhà phân phối trung gian làm “mai mối” giữa DN và các nhà bán lẻ.

Thực tế tại các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang có tình trạng hàng loạt DN nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất nhỏ gặp khó khăn, đối diện nguy cơ phá sản vì không tìm được đầu ra cho sản phẩm. Ông Huỳnh Thanh Phương, chủ DN sản xuất đồ khô tại tỉnh Đồng Tháp cho biết, chất lượng sản phẩm của công ty này được khẳng định qua các danh hiệu hàng tiêu dùng chất lượng cao, song lại đang gặp khó về thị trường tiêu thụ, vì chưa tìm được các nhà phân phối. Trong khi đó, chủ một cơ sở sản xuất chiếu và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ tại An Giang cũng đang lo hàng chục lao động mất việc làm vì đầu ra sản phẩm đang ngưng trệ, dù khách hàng khi có dịp tiếp xúc đều rất hài lòng về chất lượng.

Thậm chí, ngay cả những DN đã có mặt trên thị trường vài chục năm nay như CTCP Thủy sản 584 Nha Trang cũng đang gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm. Đại diện công ty này cho biết, Sở Công thương Khánh Hòa, các siêu thị đã hỗ trợ đưa hàng hóa của DN vào thị trường, nhưng sức mua rất kém vì sản phẩm không được quảng cáo trên các phương tiện truyền thông nên người tiêu dùng không biết, dù thương hiệu nước mắm 584 đã có mặt trên thị trường 30 năm nay.

“Yếu kém lớn nhất của DN không phải là chất lượng, giá cả, mà là truyền thông. Kinh phí quảng cáo quá lớn, công ty nhỏ không chịu được. DN rất cần được hỗ trợ vấn đề này”, vị này nói.

Ở chiều ngược lại, ông Vũ Văn Trình, Tổng giám đốc Công ty TNHH ViTal cho biết, công ty này đang có 9 siêu thị, doanh thu trung bình 250 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, do những siêu thị của DN vừa mới chuyển đổi công năng từ kinh doanh sách và văn phòng phẩm sang kinh doanh siêu thị gia dụng, nên vị chủ DN này phải đích thân đi tìm nhà cung cấp. Tuy nhiên, các nhà cung cấp lớn đều từ chối, không chịu tham gia đưa hàng vào bán tại siêu thị mới.

Thực tế trên cho thấy, giữa nhà cung cấp và nhà bán lẻ vẫn chưa gặp được nhau. Một DN cỡ vừa tại An Giang cho biết, việc chắp nối sản phẩm công nghiệp nông thôn với kênh phân phối hiện đại đang thiếu đơn vị trung gian. Theo vị này, DN sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận cho các nhà phân phối nhỏ lẻ có quan hệ tốt với siêu thị, để họ đưa hàng hóa của DN vào kênh bán hàng này. Vì thực tế, DN không thể vừa sản xuất lại vừa lo đi tìm mối đưa hàng vào siêu thị.

Trước thực tế này, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) cho biết, BSA đã làm việc với hệ thống Co.opMart và Big C để sang năm 2013 chọn ra một số DN nhỏ và vừa đưa sản phẩm đặc sản làng nghề vào siêu thị. Cũng theo bà Hạnh, chương trình hành động của BSA năm 2013 sẽ tập trung vào 2 vấn đề chính: tư vấn, huấn luyện DN nhỏ và vừa đưa hàng hóa vào siêu thị và ký kết với 24 chợ truyền thống ở các địa phương để đưa hàng Việt vào “bám rễ” ổn định ở đây.

Theo đại diện Hội Nông dân Việt Nam, tổ chức này đang thực hiện “Sàn giao dịch kết nối cung cầu”, làm cầu nối đưa sản phẩm nông nghiệp vào hệ thống siêu thị. Hiện chương trình đang được triển khai thí điểm tại Hà Nội và Bắc Ninh. Vừa qua, sàn này đã kết nối thành công cho một số đơn vị, trong đó mới nhất là kết nối tiêu thụ sản phẩm 50 héc-ta chuối ngự ở Nam Định. Qua thực tế, “Sàn giao dịch kết nối cung cầu” là một nhu cầu có thực, do đó Hội Nông dân đang đề nghị Bộ Công thương hỗ trợ, triển khai chương trình này ra cả nước. Được biết, các cơ quan xúc tiến thương mại cũng đang có nhiều kế hoạch, chương trình nhằm hỗ trợ DN đẩy mạnh phát triển hàng hóa ra các kênh phân phối truyền thống lẫn hiện đại để vực dậy nền sản xuất.

Theo dddn