Chiến lược Chiến lược cạnh tranh trong suy thoái

Chiến lược cạnh tranh trong suy thoái

107
Trong ngắn hạn của cơn suy thoái, việc tìm ra các lợi thế và lựa chọn chiến lược khác biệt để có sức cạnh tranh là điều tối quan trọng.
Chẳng hạn, trong xu hướng chung cắt giảm chi tiêu, việc sản xuất các mặt hàng chất lượng cao, giá cả hợp lý sẽ có thị trường cả trong và ngoài nước.
Thậm chí, người ta cứ tưởng “tiêu xài như Mỹ”, nhưng thực ra giới tiêu thụ của nước này cũng rất đa dạng, tiết kiệm và do đó, trong suy thoái, xuất khẩu Việt nam vẫn có thể len vào các thị trường bên ngoài, kể cả Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Tây Âu, nếu chọn ra được các hàng hoá và dịch vụ hợp với nhu cầu sự dụng của nhiều tầng lớp cư dân, nhất là giới trung lưu đang chiếm số đông nhất. 
Tính trong quý 4 của năm ngoái, doanh số của Walmart tăng 6% tại thị trường Mỹ. Lượng hàng dệt may nhập khẩu của Mỹ giảm, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng đến các nước xuất hàng dệt may vào Mỹ là không giống nhau. Trong số 25 nước xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ, chỉ những nước xuất hàng giá rẻ như Bangladesh, Trung Quốc và Việt Nam có lợi thế hơn cả. Điều này cho thấy khi khủng hoảng tài chính tăng cao, người ta có xu thế tìm đến hàng giá rẻ ngày một nhiều hơn. 
Nhưng với riêng Việt Nam trong hành trình tạo ra sự khác biệt lại phải chịu ảnh hưởng cạnh tranh gay gắt từ những người “cùng hội, cùng thuyền” làm hàng giá rẻ. Bộ Công thương nhận định rằng ảnh hưởng của khủng hoảng toàn cầu khiến thị trường tiêu thụ của hàng dệt may bị thu hẹp, đồng thời cạnh tranh với các nhà xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Ấn độ, Bangladesh, Indonesia sẽ gay gắt hơn. Đơn hàng xuất khẩu của dệt may trong quý 1 đã giảm tới 30 – 50%, đồng thời giá bán sản phẩm giảm 20% – 30%. Mức tiêu dùng hàng dệt may cao cấp suy giảm mạnh nhất và đây lại chính là phân khúc thị trường có tỷ trọng cao, nhiều ưu thế cạnh tranh của dệt may Việt Nam. Đến nay, mới chỉ có một số thương hiệu lớn ký kết được hợp đồng như May 10, Việt Tiến, Nhà Bè do có khách hàng lớn truyền thống. Nguyên nhân là các thị trường chủ lực như Mỹ, EU sụt giảm mạnh, đặc biệt, thị trường Mỹ sẽ giảm nhập khẩu hàng dệt may trên 15%. 
Việc mở rộng và xúc tiến xuất khẩu vào các thị trường mới, nhất là thị trường Nga đòi hỏi phải có sự tháo gỡ chính sách vĩ mô giữa 2 nước, đặc biệt là chính sách thuế (hiện thuế suất nhập khẩu vào Nga rất cao, 20 USD/kg hàng hóa). Châu Phi và Trung Đông cũng đang là thị trường rộng mở cơ hội cho hàng dệt may Việt Nam nhưng Châu Phi là thị trường cấp thấp nên khó có thể cạnh tranh về giá cả với hàng dệt may Trung Quốc. 
Với thị trường trong nước rất đa dạng. Tư duy sính hàng ngoại lúc này có thể bị lùi bước nếu các doanh nghiệp linh hoạt, về thời gian bán hàng, các “chiêu” (lành mạnh) về hậu mãi, khuyến mãi, sự linh hoạt trong tuyển dụng lao động, trong giờ giấc làm việc. 
Cùng với chính sách kích cầu, việc hỗ trợ kinh phí xúc tiến xuất khẩu, tìm khách hàng, thị trường mới; giãn giảm thuế… đã và sẽ được thực hiện giúp doanh nghiệp thoát khó khăn, tăng sức cạnh tranh. Nhưng mong đợi hàng hóa Việt tạo ra được ngay sự “khác biệt” là chưa thể. Hiện nay, phương án sản xuất hàng nội địa của hầu hết các doanh nghiệp dệt may lớn cũng chịu sự cạnh tranh của các cơ sở tư nhân do may công nghiệp chi phí sẽ cao hơn so với may đơn lẻ. Hơn nữa, thị phần của thị trường đã bị một số công ty nước ngoài, nhất là Trung Quốc chiếm lĩnh. Da giày cũng chịu chung cảnh này. Lượng tiêu thụ giầy dép trong nước giảm khoảng 30 – 40% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do các công ty tại Trung Quốc không xuất khẩu được nên đẩy mạnh bán hàng sang thị trường Việt Nam.
Như Giáo sư M.Porter, cha đẻ của chiến lược cạnh tranh, đã nói cách đây một năm ở Việt nam: cần tìm ra sự khác biệt để nâng cao sức cạnh tranh. Tìm kiếm một chiến lược kinh doanh có hiệu quả, tạo ra sự khác biệt trong cạnh tranh nhưng GS Nguyễn Quang Thái cũng cần nhấn mạnh rằng, trong khi đi tìm sự “khác biệt”, luôn phải chú ý đến chất lượng cao của sản phẩm và dịch vụ. Việt Nam trong phạm vi cả nước, từng vùng, từng địa phương, ngành, doanh nghiệp đều có thể tự đánh giá và mời các chuyên gia đánh giá khả năng vươn lên tìm kiến sự khác biệt mang tính chất lượng. Đây là bài toán dài hạn, cần liên tục được xem xét, hoàn thiện, ngay cả khi kinh tế còn có quy mô khiêm tốn.
Kinh tế thế giới hy vọng sẽ ra khỏi khủng hoảng trong 1-2 năm tới, chứ không phải sớm hơn. Do đó, cần có những chuẩn bị để các tác động xấu kéo dài thường thấy sẽ có những giải pháp “cắt cơn” nhanh và vực dậy theo xu thế phát triển mới, với chất lượng mới. Đôi khi các doanh nghiệp và toàn bộ nền kinh tế cũng có thể chọn ra một số sản phẩm, dịch vụ “sớm vươn dậy”, vượt qua khủng hoảng. Theo kinh nghiệm nhiều năm, nông nghiệp và nông thôn chính là một bảo đảm cho sự phát triển ổn định của quốc gia. Trong khi kinh tế gặp khó khăn, nhưng nông sản đang tăng nhanh về số lượng và chất lượng cũng là những lợi thế và cách thức bảo đảm sự an toàn của quốc gia.

Theo Hoidoanhnhan