Marketing Nhà đầu tư ngoại phả hơi nóng trong kinh doanh dịch vụ...

Nhà đầu tư ngoại phả hơi nóng trong kinh doanh dịch vụ ẩm thực

2
Nhà đầu tư nước ngoài đang săn lùng mặt bằng tốt để chuẩn bị đổ vốn vào lĩnh vực kinh doanh ẩm thực nhiều tiềm năng

Săn lùng mặt bằng cho thuê
Thời gian gần đây, giá cho thuê mặt bằng kinh doanh lĩnh vực dịch vụ cung cấp thức ăn và đồ uống lên cao, nhất là các vị trí trung tâm, đắc địa như xung quanh chợ Bến Thành, đường Lê Thánh Tôn, (quận 1) Trương Định, Cao Thắng…(quận 3), quận Bình Tân… Nhiều đơn hàng đặt thuê tìm kiếm vị trí mặt bằng với giá khá cao, nhằm sở hữu những mặt bằng đang kinh doanh hiệu quả để cho nhà đầu tư nước ngoài thuê lại.
Ông Quốc Dũng, Giám đốc Công ty Proland cho biết, nhiều nhà đầu tư sẵn sàng trả phí môi giới từ 1 đến 2 tháng tiền thuê mặt bằng, nhưng cũng khó kiếm được những vị trí kinh doanh tốt. Vì trên thực tế, nhà đầu tư thường yêu cầu vị trí đắc địa, khu vực đông ngươì qua lại để tiện kinh doanh.
Theo cam kết với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), sau 8 năm kể từ ngày Việt Nam gia nhập WTO, nhà đầu tư nước ngoài được thuê mặt bằng để kinh doanh lĩnh vực dịch vụ cung cấp thức ăn và đồ uống. Những diễn biến trên cho thấy, dù còn vài năm nữa mới đến thời điểm cam kết có hiệu lực, nhưng không ít nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, bằng nhiều hình thức khác nhau đã và đang thăm dò thị trường, từng bước triển khai đầu tư.

Đón đầu cơ hội
Ông Takayuki Hisano, Giám đốc một chuỗi kinh doanh nhà hàng tại Nhật Bản cho biết, ông đang tìm hiểu và xúc tiến đầu tư kinh doanh thực phẩm, đồ uống tại Việt Nam.
Đánh giá cao sức hấp dẫn của lĩnh vực này, ông quyết định dành 1,5 triệu USD để mở các nhà hàng ăn uống theo phong cách Nhật Bản tại khu vực trung tâm TP.HCM như quận 1, 3, 4, Phú Nhuận và Bình Thạnh.
Theo đánh giá của ông Takayuki Hisano, mặc dù kinh tế khó khăn, nhưng kinh doanh dịch vụ cung cấp thức ăn, đồ uống không hề giảm, thậm chí còn tăng trưởng nhanh chóng.
Lý giải cho quyết định đầu tư đón đầu của mình, ông Hisano chia sẻ, khả năng nhà đầu tư nước ngoài ồ ạt đổ vốn vào lĩnh vực thực phẩm, đồ uống khi hạn chế được gỡ bỏ theo cam kết WTO là hoàn toàn có thể. Vì thế, họ phải có sự chuẩn bị trước, đặc biệt là “giữ” được mặt bằng tốt, bởi cùng với thương hiệu, thì vị trí kinh doanh là rất quan trọng.
Hơn nữa, người “tiên phong” có thể hứng chịu rủi ro, nhưng rủi ro càng cao thì lợi nhuận cũng càng lớn. Mặt khác, khi có nhiều điểm kinh doanh thì rủi ro có thể chia ra, tránh tình trạng rủi ro trên cả hệ thống nhà hàng.
Chia sẻ quan điểm này, ông Lim Hong Boon, nhà đầu tư Singapore cho rằng, việc thuê mặt bằng kinh doanh có lợi thế là có thể linh động mở rộng hoặc thu hẹp quy mô đầu tư. Do đó, doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, đồ uống rất coi trọng việc lựa chọn mặt bằng theo chiến lược phát triển của mình. Nếu vị trí mặt bằng kinh doanh hiệu quả, ông sẵn sàng trả giá cao để mua lại, hay thuê lại, chờ khi “cờ đến tay”.
Nhận định về động thái đón đầu của các nhà đầu tư ngoại, các chuyên gia cho rằng, cạnh tranh là tất yếu trong quá trình hội nhập, vấn đề là doanh nghiệp Việt Nam phải tự khẳng định được mình ngay trên sân nhà.
Ông Võ Ngọc Quang, Tổng giám đốc Thảo Mộc Corp (sở hữu chuỗi nhà hàng Thảo Mộc) nhận định, sớm muộn gì nhà đầu tư nước ngoài cũng bước vào kinh doanh lĩnh vực này. Quan trọng là các doanh nghiệp nội “chào đón” họ trong tư thế nào, chủ động cạnh tranh hay bị động trong đối phó.
“Để phát triển, buộc các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, đồ uống trong nước phải chọn cho mình một lối đi riêng, hiện đại nhưng phù hợp với truyền thống văn hóa ẩm thực của dân tộc. Đây chính là điểm khác biệt để tạo nên giá trị độc đáo, tạo sức cạnh tranh với các thương hiệu ngoại”, ông Quang chia sẻ.

Theo Marketingchienluoc