Kiến thức quản trị Hướng đi cho hàng Việt

Hướng đi cho hàng Việt

13
Dự án bản đồ phân phối hàng Việt đang nhận được nhiều quan tâm của doanh nghiệp.
Với họ, bản đồ chính là công cụ giúp họ trả lời được các câu hỏi: Bán ở đâu, bán được bao nhiêu và bán như thế nào? Ông Nguyễn Duy Thuận – Giám đốc Công ty Tư vấn bất động sản, chuyên gia cố vấn dự án – nói:
– Mạng lưới phân phối của nhiều doanh nghiệp VN hiện nay như một miếng vải với nhiều lỗ thủng. Hay nếu ví quá trình đưa hàng từ nhà máy đến tiệm bán là một chuỗi dây xích thì một số khâu trong chuỗi dây này đang bị đứt đoạn. Thực tế, khảo sát cho thấy chưa có doanh nghiệp VN nào bao phủ được 30% thị trường.
Con số đó nói lên điều gì? Khi chúng tôi hỏi doanh nghiệp, người nào cũng khẳng định hàng hóa của mình có khắp nơi, nhưng họ chỉ có thể nói định tính chứ định lượng bao nhiêu thì không doanh nghiệp nào trả lời được. Ví dụ tại Cần Thơ có đến 18.000 điểm bán, nhưng DN chỉ có khoảng 4.000-5.000 điểm bán. Họ đã chưa biết cách phủ kín thị trường.

* Nhiều ý kiến đưa ra trong quá trình thực hiện là hàng Việt khá lép vế, đặc biệt là vùng sâu vùng xa, trong khi hàng của các công ty đa quốc gia, hàng Trung Quốc nhan nhản khắp nơi?
– Đúng như vậy. Không chỉ phủ không kín, một lỗ hổng khác của hàng Việt là hàng về không đều. Câu trả lời thường xuyên mà chúng tôi gặp khi tiếp xúc với các điểm bán lẻ, nhà phân phối là “hàng này tốt nhưng hàng về không đều, hoặc hay đứt hàng”.

Triển khai ở 6 địa phương

Được thực hiện từ tháng 10-2010, đến nay Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) đã hoàn tất công tác vẽ bản đồ phân phối cho sáu địa phương, bao gồm: Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Long An, Tiền Giang và Trà Vinh. Hiện nay, BSA cũng đang tiến hành chuyển giao bản đồ phân phối cho một số địa phương để làm công cụ quản lý cũng như hoạch định kế hoạch phát triển, đồng thời chuyển giao bản đồ cho các doanh nghiệp (cả sản xuất và phân phối).
Bản đồ phân phối hàng Việt là một bức tranh phản ánh từ tổng quan đến chi tiết thực trạng và quy mô thị trường hàng tiêu dùng tại địa phương. Trong đó bao gồm khảo sát thực trạng mạng lưới phân phối trên toàn địa bàn trong tỉnh, quy luật vận hành – dòng chảy hàng hóa, hệ thống hậu cần, các đầu mối (nhà phân phối lớn) và hệ thống đại lý, cửa hàng, các điểm bán lẻ.
Nghĩa là bao nhiêu công sức doanh nghiệp bỏ ra để thuyết phục người tiêu dùng mua sản phẩm thì cũng bấy nhiêu công sức bị lãng phí khi khách quen sản phẩm rồi, cần hàng để sử dụng tiếp lại không có. Ngay cả khi có mặt ở một điểm bán nhưng không đều sẽ dẫn đến thị phần của doanh nghiệp bị đánh cắp. Thị phần của doanh nghiệp phải được tính bằng số điểm bán nhân với số ngày bán.
Ngay khi công bố các bản đồ, điều doanh nghiệp ngạc nhiên nhất là tại sao có quá nhiều điểm bán như vậy. Phần lớn doanh nghiệp chưa hình dung được số điểm bán ở thị trường một tỉnh thành. Họ không hề hay biết và gần như hài lòng với dòng chảy tự nhiên của hàng hóa, dẫn đến tình trạng thừa hàng tại kho nhưng lại thiếu hàng ở cửa hàng.

* Vẽ bản đồ phân phối không mới, vậy điểm khác biệt của bản đồ phân phối lần này so với các bản đồ khác như thế nào?
– Bản đồ ghi nhận khảo sát 80 ngành hàng, nó không chỉ phục vụ cho một công ty, ngành hàng nào đó mà những doanh nghiệp quan tâm đều có thể sử dụng. Một điểm khác nữa, bản đồ được số hóa và đưa lên mạng nên những nơi có Internet đều có thể kiểm tra được.
Dựa vào bản đồ, nhà quản lý cũng tính toán được khối lượng vận chuyển vào thị trường bao nhiêu, hệ thống kho, tổng kho phân bố thế nào cho hợp lý nhất với từng ngành hàng. Từ đó đưa ra quy hoạch hệ thống kho nằm trong hệ thống cung ứng.

* Ông có cho rằng bản đồ phân phối này sẽ giải quyết phần nào sức cạnh tranh cho hàng Việt?
– Cái chính làm nên sức cạnh tranh của VN là mạng lưới phân phối. Sản phẩm VN so với hàng đa quốc gia không khác biệt nhau về chất lượng. Khi chúng ta đặt hai gói bột giặt cạnh nhau, vấn đề không phải là gói bột giặt nào tốt hơn mà là ai nhanh chân mang bột giặt cho nhà bán lẻ có hàng để bán. Bản đồ chính là hình ảnh tổng thể thị trường để thúc doanh nghiệp phải giao hàng đều hơn và chỉ ra địa chỉ cụ thể cho doanh nghiệp.
Rất nhiều doanh nghiệp khi tiếp cận được bản đồ phân phối thấy rằng việc tăng doanh số lên gấp 2 hay 3 lần trong thời gian ngắn hoàn toàn khả thi nếu họ phủ kín tốt thị trường. Chẳng hạn với thị trường TP.HCM, 70% dân số sống trong hẻm, cũng có nghĩa 70% lượng hàng hóa đang được tiêu thụ trong hẻm. Tất nhiên, chiến lược phân phối bán hàng trong hẻm khác với mặt tiền từ chiết khấu, hàng hóa đến giá cả… Nếu không có bản đồ sẽ không thể hình dung được dòng chảy hàng hóa đến đâu.

Theo Như Bình