Con người Sếp nghiện “đỏ đen”

Sếp nghiện “đỏ đen”

4
Khác với vẻ đạo mạo, chỉn chu khi làm việc, sếp Tuấn văng tục chửi thề khi ngồi “xòe quạt” với nhân viên hoặc bạn bè.
Trong công việc cũng như cư xử hàng ngày, Tuấn, lãnh đạo một công ty trong ngành xây dựng là người rất nhã nhặn, dễ chịu và lịch sự. Thế nhưng, những người ngồi “xòe quạt” (đánh bài) với ông này thì đều đã từng chứng kiến cảnh chửi bậy ầm ĩ, cùng những cử chỉ rất khó chịu mỗi khi liên tục thua bạc. Dù đã chơi 5-6 lần liền, và những người khác đều muốn đứng dậy sếp này vẫn đòi đánh tiếp.
Một người từng ngồi đánh bài với ông này cho biết: “Không phải anh ấy tiếc tiền vì nó cũng chẳng bao nhiêu mà đơn giản chỉ là cay cú nên muốn chơi thêm để có cảm giác thắng cuộc”. Anh này cho biết, với những người quen thì không sao nhưng với khách lạ thì việc cứ đòi chơi tiếp sẽ gây ra những phiền phức không nhỏ. Chính vì thế, người trợ lý của sếp Tuấn có một nhiệm vụ ngoài chuyên môn là tìm cách tránh cho sếp các cuộc “xòe quạt” với những đối tác cũng “yêu thần bài” nhưng cần phải chăm sóc kỹ.
Còn với sếp Lực – giám đốc một công ty lớn tại Hà Nội, thì cứ rảnh việc một chút là bốc alo gọi mấy ông bạn sang “họp kín”. Ban đầu thì nhân viên còn tưởng các sếp bàn chuyện làm ăn, sau thấy các sếp “họp” nhiều mà chẳng thấy có hợp đồng, hợp tác gì nên ai cũng hiểu là “bàn chuyện khác”.
Tại một công ty nhà nước có trụ sở chính tại Hà Nội, người ta thường kháo nhau về việc anh trợ lý của sếp tổng không có chuyên môn nghiệp vụ gì, bằng trung cấp nhưng được hưởng lương và phụ cấp tương đương phó phòng. Tại công ty, việc của anh này chủ yếu là bố trí các buổi tiếp khách và “kết cạ” với sếp khi đánh tá lả.
Nhân viên tại công ty này cho biết, ông giám đốc rất mê đánh bài mà anh trợ lý thì rành món này và biết tạo các nhóm chơi sao cho sếp mình luôn cảm thấy vui vẻ. Mê đánh bài cộng thêm có anh trợ lý biết hỗ trợ tối đa, không ít lần vị giám đốc biến phòng làm việc của mình thành sòng bạc thu nhỏ với người chơi là giám đốc, trợ lý, nhân viên hoặc các đối tác làm ăn.
Khi bị dị nghị nhiều về sở thích của mình, vị giám đốc này từng bào chữa trong một cuộc họp là để ngoại giao và chiều lòng các đối tác quan trọng. Trên thực tế, các buổi “ngoại giao” này được tiến hành rất đều đặn và nhiều buổi thông từ lúc hết giờ làm việc đến tận đêm khuya.
Một bạn hàng của công ty này cho biết: “Thực ra mình cũng chẳng thích đánh bạc. Nhưng nếu người mình cần hợp tác thích thì cũng có thể làm vài ván với họ cho vui mà lại được việc sau đó. Đây là lý do khiến không chỉ mình mà nhiều người khác đến giao dịch với anh ấy đều chơi bài vui vẻ với nhau”.
Còn anh Long, giám đốc một doanh nghiệp tư nhân tại Hải Phòng thì có đam mê đánh bạc tại casino nước ngoài. Anh này tâm sự, trong năm 2009, toàn bộ số tiền kiếm được anh đều bị “nướng” vào sòng bài tại Macau. “Vẫn biết đánh bạc ở sòng bài thì khả năng thua nhiều hơn thắng nhưng mà không hiểu sao tôi vẫn cứ thích chơi. Tuy nhiên, đôi khi cũng thấy thú chơi này tốn kém quá bởi nó làm cho tôi cạn cả vốn kinh doanh vào cuối năm 2009”, anh Long tâm sự.
Giám đốc một doanh nghiệp ở Hà Nội thì nói về thú cờ bạc của mình: “Chơi bài là thú vui. Đốt tiền đấy nhưng đôi khi để tránh xa những căng thẳng của công việc thường lệ”.
Trong khi rất nhiều sếp vẫn tiếp tục với đam mê đỏ đen thì không ít sếp đã “dính chưởng” vì thú vui này. Bùi Tiến Dũng – Tổng giám đốc PMU18, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Phó tổng giám đốc của Handinco…. là những ví dụ điển hình của việc sếp gặp họa lớn vì đam mê cờ bạc.
“Pháp luật Việt Nam đã cấm đánh bạc. Thế nhưng, nói thật là nhiều ông giám đốc công ty nhà nước lẫn tư nhân vẫn thích cái món này dù biết rằng nó nguy hiểm”, Phó tổng giám đốc một công ty trong ngành xây dựng tâm sự.

Theo Vnexpress