Đào tạo 5 nguyên nhân gây tiêu cực công sở

5 nguyên nhân gây tiêu cực công sở

78
Một nghiên cứu mới đây do Towers Perrin – công ty tư vấn dịch vụ tài chính và nguồn nhân lực hàng đầu ở Mỹ và Gang & Gang – tổ chức chuyên nghiên cứu hành vi của người tiêu dùng và nhân viên bằng cách sử dụng công nghệ cộng hưởng – phối hợp thực hiện đã giúp các doanh nghiệp đi tìm câu trả lời.
Nghiên cứu này đã được thực hiện thông qua khảo sát 1.100 nhân viên và 300 giám đốc nhân sự cấp cao được chọn ra một cách ngẫu nhiên từ các doanh nghiệp cỡ trung và lớn ở Mỹ và Canada.
Những người tham gia khảo sát được yêu cầu mô tả cảm giác của họ về trải nghiệm trong môi trường làm việc hiện tại. Họ cũng được yêu cầu “vẽ” ra một môi trường làm việc lý tưởng.
Theo tờ Employee Benefit News, nghiên cứu nói trên đã sử dụng một kỹ thuật độc đáo dựa trên cảm xúc được gọi là công nghệ cộng hưởng. Theo đó, những phản ứng cảm xúc tự phát của những người tham gia khảo sát đối với toàn bộ những trải nghiệm của họ về môi trường làm việc được “chụp” lại.
Nghiên cứu đã xác định các nguyên nhân gây ra biểu hiện tiêu cực của nhân viên ở nơi làm việc, trong đó năm nguyên nhân hàng đầu là:
1. Công việc quá tải;
2. Lo lắng về khả năng của chính các nhà lãnh đạo doanh nghiệp;
3. Lo lắng về tương lai, nhất là đối với những công việc dài hạn, thu nhập và vấn đề an sinh, phúc lợi khi về hưu;
4. Công việc thiếu sự thử thách, nhàm chán nhưng vẫn thấy nặng nề;
5. Không được công nhận thích đáng về mức độ đóng góp và những nỗ lực đã bỏ ra, lo lắng rằng mức lương không tương thích với hiệu quả và thành tích làm việc của mình.
Theo Susan M. Heathfield, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực quản trị nguồn nhân lực, giải quyết những biểu hiện tiêu cực ở công sở là một thách thức lớn đối với các giám đốc điều hành. Tuy nhiên, nếu nhận thức được các nguyên nhân như nghiên cứu nói trên đã nêu ra, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tìm ra một số giải pháp hữu hiệu.
Cụ thể, Heathfield đưa ra một số ví dụ sau đây:
* Nếu giám đốc một bộ phận mất đi một nhân viên và quyết định chia sẻ công việc của người đã ra đi cho các nhân viên còn lại thì người phải nhận sẽ dễ có biểu hiện tiêu cực. Để tránh tình trạng này, các sếp cần phải chủ động việc tìm người thay thế và thông báo cho các nhân viên biết ngày bắt đầu công việc của nhân viên mới.
* Ở những công ty đang trải qua giai đoạn xuống dốc thường xuất hiện các biểu hiện tiêu cực của nhân viên. Các nhân viên rất lo lắng về khả năng của các nhà quản trị cũng như tiền đồ của doanh nghiệp.
Khi làm việc trong một môi trường bất an như vậy, chắc chắn suy nghĩ bi quan và tiêu cực sẽ nảy sinh trong suy nghĩ của họ. Lúc nào họ cũng có thể hình dung đến những tình huống tồi tệ nhất xảy ra với công ty của mình. Trong những giai đoạn như vậy, các nhà quản trị cần phải nỗ lực để giành lại niềm tin của nhân viên.
* Một nhân viên đã tỏ ra rất cố gắng nhưng nếu không được đề bạt sẽ trở nên bất mãn và có suy nghĩ, hành động tiêu cực. Giải pháp là doanh nghiệp phải tạo ra một cơ chế thăng tiến công bằng và minh bạch, đảm bảo cho tất cả các nhân viên đều hiểu rõ mình cần phải làm gì để có được vị trí cao hơn.
* Các nhân viên thường thích được ngợi khen về những gì họ đã làm, muốn được tăng lương sau một thời gian cống hiến. Một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến nhân viên có biểu hiện tiêu cực là khi họ cho rằng có những nhân viên chẳng đóng góp được bao nhiêu lại được tăng lương, còn họ thì có thành tích cụ thể mà không được cấp trên xem xét.

Theo DNSG