Đào tạo Làm không lương để… chờ thời

Làm không lương để… chờ thời

1
Doanh nghiệp nợ lương, tìm việc ổn định khác là rất khó trong tình hình hiện nay khiến nhiều lao động phải chật vật xoay xở, thậm chí tìm cách được nghỉ hưu sớm để có lương.

Họ đang hy vọng “ngày mai sẽ tươi sáng hơn”, nhưng niềm tin đó rất mong manh trong tình hình kinh tế ảm đạm.
Chưa hẹn ngày trả
Anh Nguyễn Văn Tiến, hiện đang làm việc cho một công ty chuyên sản xuất cửa nhựa lớn có trụ sở chính ở Hà Nội, băn khoăn về việc có nên xin nghỉ việc hay không. Từ đầu năm tới nay doanh thu của công ty anh giảm thê thảm, tới 60% so với trước đây. Hàng sản xuất ra tồn kho, nợ cũ khó đòi, lãi suất thì vẫn phải trả ngân hàng. Công ty nơi anh Tiến làm gần như đã “cạn”tiền. Thời gian 1 – 2 tháng đầu tiên khi gặp khó khăn, công ty trả chậm lương, sau đó giảm lương và đến nay hai tháng rồi anh Tiến chưa nhận được đồng lương nào.
Đứng trước tình trạng khó khăn đó, lãnh đạo công ty kêu gọi nhân viên chia sẻ và nhiều người đồng tình, vẫn làm việc như bình thường. “Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài thì có lẽ tôi sẽ nghỉ. Lương không có trong khi vẫn phải chi tiêu, xăng xe điện thoại cũng tốn kém”, anh Tiến nói. Anh cũng chưa biết sau khi nghỉ sẽ làm gì.
Đã sáu tháng nay chị Hà Thị Thuỷ, nhân viên trong một công ty ngành giao thông ở Hà Nội đi làm bình thường nhưng không nhận được đồng lương nào. Công ty nợ lương lao động triền miên, chưa biết đến ngày nào mới có tiền để trả lương cho chị. Chị Thuỷ sinh năm 1962, tính ra thời gian công tác đủ để nghỉ hưu nhưng theo tuổi thì đến năm 2017 mới được nghỉ. Sáu tháng làm việc không lương khiến chị Thuỷ nghĩ ra một cách: xin về hưu sớm để có được lương hưu hàng tháng.
Tuy nhiên, xin về hưu cũng không dễ, bởi công ty nơi chị làm việc đã nợ bảo hiểm của người lao động gần hai năm nay. Nếu giải quyết cho chị Thuỷ về hưu, để chị đảm bảo các điều kiện được nhận lương hưu công ty phải trả hết tiền nợ bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội. Điều đó là không thể trong tình cảnh hiện tại của công ty. Bởi thế, chị Thuỷ đành phải tự bỏ tiền túi ra hơn 16 triệu đồng đóng nốt tiền bảo hiểm xã hội của cá nhân, sau đó chốt sổ bảo hiểm và xin về hưu sớm do không đủ sức khoẻ với mong muốn được nhận mức lương hưu 3,1 triệu đồng/tháng.
Riêng một ngành đã có 7.000 người thiếu việc làm
Theo báo cáo chưa đầy đủ từ công đoàn bộ Giao thông vận tải, hiện có 68 doanh nghiệp thuộc quản lý của bộ này khó khăn, trong đó có tám doanh nghiệp tạm dừng hoạt động và hai đang làm thủ tục phá sản. Tổng số lao động thiếu việc làm toàn ngành lên tới trên 7.000 người, chiếm gần 8% tổng số lao động toàn ngành. Nợ lương người lao động tám tháng đầu năm lên tới 166,4 tỉ đồng, trong đó nợ từ 3 – 12 tháng lương là gần 88 tỉ đồng.
“Thà làm như vậy để hàng tháng có lương rồi tính làm thêm việc gì khác còn hơn là cứ đi làm đằng đẵng nhưng chả có đồng nào. Thêm nữa, cũng chưa hy vọng tới ngày nào thì có”, chị Thuỷ buồn bã.
Chị Thuỷ đã gần đến tuổi nghỉ hưu nên xin về hưu sớm do không đủ sức khoẻ để được nhận lương hưu có thể áp dụng được. Với hầu hết những lao động trẻ ở những doanh nghiệp như vậy, việc nghỉ hưu là chuyện không tưởng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tìm việc làm mới khó, nhiều lao động vẫn phải chấp nhận làm việc không lương để mong chờ tới ngày tươi sáng.
Chết đã lâu mà chưa có tử tuất
Nợ lương lao động thường đi kèm với việc nợ bảo hiểm xã hội. Chuyện doanh nghiệp không có tiền nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động gây ra nhiều chuyện dở khóc dở cười. Chị Nguyễn Thị Nga có chồng làm việc trong một công ty về giao thông. Chồng chị đã mất bảy tháng nay nhưng đến giờ chưa có sổ tuất.
“Khi gia đình hỏi thì bảo hiểm xã hội trả lời công ty nợ tiền bảo hiểm xã hội hơn một năm nay, do vậy không chốt được sổ. Lý do: công ty không có khả năng trả nợ tiền bảo hiểm xã hội nên chỉ còn cách nếu gia đình có tiền thì công ty sẽ tạo điều kiện để gia đình nộp tiền vào và chốt sổ. Khi nào công ty có tiền nộp bảo hiểm xã hội sẽ trả cho gia đình”. Do gia đình chị Nga không có tiền nộp cho bên bảo hiểm xã hội nên chồng chị mất đã bảy tháng mà chưa có tử tuất, chưa chốt được sổ, coi như vẫn còn sống.
Bà Đỗ Thị Xuân Phương, phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, năm nay số doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội của người lao động tăng vọt. Đến hết tháng 10, số tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đã lên đến hơn 8.492 tỉ đồng, tăng 812 tỉ đồng so với số nợ tại thời điểm kết thúc tháng 9 và tăng 2.047 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2011. Với số nợ này, chuyện đi làm không có lương, người chết không được nhận tử tuất là điều không còn ngạc nhiên.

Theo SGTT