Đào tạo Sai lầm nhỏ, ảnh hưởng lớn

Sai lầm nhỏ, ảnh hưởng lớn

5
Bạn đã bao giờ rơi vào cảnh “há miệng mắc quai” chưa? Bạn đã bao giờ dám khẳng định rằng suốt 8 giờ ở công sở, bạn không làm điều gì sai lầm không? Đôi khi, có những lỗi vô cùng nhỏ, nhỏ đến mức bạn không nhận ra, nhưng lại ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của bạn.

Đến muộn
Đến cơ quan muộn hơn những người khác, đó là điều không nên nhưng còn có thể chấp nhận được, đến muộn trong các cuộc hẹn với đối tác, khách hàng, sếp dù chỉ một phút cũng là điều không nên. Muộn đi kèm với vội vàng, và mọi sự vội vã thì không bao giờ cho kết quả tốt. Hơn nữa, đối tác sẽ nghĩ rằng bạn là người không chuyên nghiệp và không quý trọng thời gian.
Nếu gặp trường hợp bất khả kháng như tắc đường, hỏng xe, bạn có thể tránh trước bằng cách đi thật sớm; hoặc bạn có thể gọi điện trước cho khách hàng để báo cho họ biết vấn đề của mình. Như thế họ sẽ dễ thông cảm hơn.
Khi cả công ty đi làm muộn, bạn cũng nghĩ mình chẳng tội gì phải đi làm đúng giờ. Nhưng hãy nhớ rằng khi muốn chọn một trưởng phòng, sếp sẽ lựa trong số những người biết tuân thủ quy định của cơ quan.
Gửi e-mail sai địa chỉ, nhầm nội dung
E-mail là cách giao tiếp vô cùng hữu hiệu và thông dụng ở thời hiện đại, từ đó nó cũng tạo ra những quy tắc xử sự mới. Với công cụ truyền thông rất nhanh gọn như thế, chỉ một cái click chuột có thể dẫn đến những sai lầm chí mạng. Rất có thể những lời phàn nàn về công việc của bạn vốn được nhằm tới đứa bạn thân lại nằm chễm trệ trong hòm thư của sếp. Còn gì tệ hơn thế.
Để tránh những tình huống này, hãy hết sức cẩn trọng với những gì bạn viết. Nếu bạn muốn nói những điều “khó nghe”, tốt nhất là hãy nói trực tiếp. Hoặc tốt hơn nữa là đừng nói gì cả.
Vô tình “chia sẻ” địa chỉ e-mail của người khác
Đã bao nhiêu lần địa chỉ e-mail của bạn bị “chia sẻ” với những người hoàn toàn xa lạ vì một người bạn đã gửi thư hàng loạt tới 50 địa chỉ e-mail trong phần “Cc”? Với một số người thì điều đó không vấn đề gì, nhưng một số khác lại rất khó chịu với điều này.
Nếu bạn gửi thư tới nhiều địa chỉ e-mail khác nhau, hãy điền tất cả các địa chỉ trong phần “Bcc”, tức là phần ẩn địa chỉ người nhận, như thế bạn có thể gửi thông điệp của mình tới đúng người mà không vô tình chia sẻ thông tin cá nhân của họ với những người khác lạ trong danh sách.
Bắt tay yếu xìu
Hầu hết chúng ta đều có xu hướng khái quát hóa năng lực của một người dựa trên những ấn tượng đầu tiên, và cái bắt tay của bạn chính là một phần vô cùng quan trọng trong những “cái đầu tiên” ấy. Tuy nhiên nhiều người vẫn chưa đánh giá đúng sức mạnh của cái bắt tay. Nếu bạn gặp ai đó lần đầu tiên và dành cho họ một cái bắt tay yếu nhược, bạn sẽ có nguy cơ bị cho là thiếu tự tin và hời hợt, cẩu thả trong tình cảm. Hãy tập bắt tay với những cái xiết vừa đủ, đủ để người đối diện hiểu sự nhiệt thành và sâu sắc của bạn.
Ăn mặc không phù hợp
Trong môi trường công việc, khó có thể xác định chính xác cách ăn mặc thế nào là chuyên nghiệp, vì nó còn phụ thuộc rất nhiều và đặc trưng của từng nghề. Bạn cần có sự nhạy cảm về thời trang nhất định để làm sao diện một bộ cánh vừa lịch sự trang nhã, và nêu bật được cá tính nghề nghiệp của mình.
Hãy nhớ rằng, thà ăn mặc trau chuốt hơn người khác một chút còn hơn là quá sơ sài. Khi gặp khách hàng, hãy tìm hiểu trước về sở thích và cách ăn mặc của họ để mặc phù hợp.
Quên rằng những bữa tiệc cũng là công việc
Có hai dạng sai lầm: Một là bạn không tham gia các hoạt động ngoại khoá ở cơ quan như dạ tiệc, sinh nhật, du lịch… Hai là bạn tham gia quá nhiệt tình, đến mức quá đà như say tuý luý sau mỗi bữa tiệc, bày đủ trò bài bạc cợt nhả trong những chuyến đi chơi xa của công ty,…
Hãy tự nhủ rằng: “Những gì mình đang làm, đang mặc hay đang nói sẽ làm tăng hay làm suy giảm hình ảnh của chuyên nghiệp của mình. Bởi xung quanh mình đều là sếp và đồng nghiệp cả”.

Theo CareerBuilder