Đào tạo Trị bệnh “nhảy việc”

Trị bệnh “nhảy việc”

5
“Bắt cá hai tay”, “nhảy việc” là tình trạng tương đối phổ biến ở các công ty hiện nay. Nhân viên càng giỏi càng hay nhảy việc. Điều này hẳn không làm nhà quản lý vui. Vậy phải làm sao để trị căn bệnh trầm kha này?

Nghìn lẻ chuyện “nhảy việc”
Hạnh là kế toán trưởng vững nghiệp vụ của một doanh nghiệp thương mại nhỏ tại TPHCM. Từ trước tới nay, các nhân viên trong công ty rất gắn bó, đoàn kết với nhau và luôn sẵn lòng vì công việc mà không hề tính toán hơn thiệt.
Sếp rất chân tình, quan tâm tới đời sống anh em. Có điều, không hiểu sao lương ai cũng nhàng nhàng như nhau, từ thủ quỹ, nhân viên kinh doanh cho đến kế toán trưởng. Có lẽ, sếp thích công bằng cho nên lương của ai cũng một mức như nhau. Vị sếp nghĩ đơn giản rằng chỉ cần mình chân thành thì nhân viên sẽ không bao giờ bỏ rơi mình.
Nhưng một ngày, Hạnh viết đơn xin nghỉ việc. Một người bạn đã mời Hạnh về làm việc với mức thu nhập hấp dẫn hơn nhiều lần. Vấn đề là Hạnh đã âm thầm gửi hồ sơ đi các nơi khi vẫn đang làm cho công ty cũ.
Vị giám đốc ngay thơ nghĩ rằng cô kế toán trưởng luống tuổi, giàu kinh nghiệm làm việc, kiệm lời của công ty có lẽ khó lòng mà kiếm được một nơi nào tử tế hơn nơi này. Nhưng Hạnh đã chìa đơn xin nghỉ việc và ra đi nhẹ nhàng, không chút nuối tiếc.
Lê Anh – chuyên gia quản lý bán hàng cho một công ty thương mại ở Hà Nội – được nhận mức lương hấp dẫn ngay khi mới vào làm. Với sự nhanh nhẹn, thông minh, khả năng tổ chức công việc, đàm phán và thuyết phục khách hàng, Lê Anh đã nhanh chóng được tăng lương cùng với nhiều chế độ đãi ngộ.
Ngạc nhiên thay, trong một lần lang thang trên mạng tìm kiếm nhân sự cho công ty, vị sếp nhìn thấy hồ sơ của Lê Anh “treo” trên một số website việc làm. Khi được hỏi, Lê Anh không hề giấu giếm ý định rời công ty, thậm chí cậu còn năn nỉ sếp ký vào lá đơn xin thôi việc ngay lúc đó.
Mai Thanh – nhân viên PR của một công ty quảng cáo – cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Cô đang đầu quân cho một công ty quảng cáo danh tiếng với mức lương hấp dẫn. Nhưng không hiểu sao, sau gần một năm làm việc, cô lại đánh tiếng “rời quân”.
Vì sao nhân viên “nhảy việc”?
Chuyện nhân viên “nhảy việc” giờ đây đã là chuyện thường ngày ở hầu hết các doanh nghiệp. Nguyên nhân chính chủ yếu là chuyện lương bổng. Ngoài ra, có nhiều người nghỉ việc vì bất đồng với đồng nghiệp, không hợp với cung cách ứng xử của sếp, môi trường làm việc thiếu chuyên nghiệp…
Với nữ kế toán trưởng Hạnh, cô dứt áo ra đi không phải vì lương thấp mà vì cô không tin tưởng vào khả năng đánh giá nhân viên của cấp trên. Theo cô, khi sếp đánh đồng lương của các nhân viên tức là sếp đang đánh đồng cố gắng và năng lực của mọi người.
Kiểu đối xử “cá mè một lứa” và thái độ quan tâm thái quá của sếp khiến cô cho rằng vị lãnh đạo này không có chính kiến, không dám làm mếch lòng ai, trong mắt ông, mọi người đều như nhau.
Với Lê Anh cũng vậy, cậu nghỉ việc vì không khâm phục nhân cách của sếp. Về làm cho công ty, cậu nhận ra rằng ông sếp thành đạt và hào hoa của mình có tật thích nói xấu nhân viên. Ngồi với nhân viên này, ông lại chê nhân viên kia, rồi bình phẩm, phê phán xa xôi. Đặc biệt là ông chỉ phê phán nhân viên sau lưng.
Còn Mai Thanh, cô tìm nơi mới vì nhận ra công ty mình đang làm việc có kiểu điều hành “gia đình trị”. Giám đốc thật thì thiếu năng lực. Những người có tài thì không dám mạnh miệng phát biểu. Làm việc kiểu “trói chân trói tay” như vậy, Mai Thanh nhận ra cô không có tương lai.
“Trị bệnh” thế nào?
Hỡi các vị lãnh đạo, hãy xây dựng một hình ảnh đẹp trong mắt nhân viên. Biết đánh giá đúng năng lực của từng người, không bỏ phí tài năng và không phụ công người cố gắng.
Hãy tìm hiểu xem nhân viên của bạn đến với công ty do nguyên nhân gì, họ trông chờ điều gì ở đây? Chẳng hạn:
– Có công ăn việc làm, có thu nhập tốt để nuôi sống bản thân và gia đình;
– Có cảm giác an toàn, ổn định;
– Có cảm giác được đóng góp, được trở thành một thành viên trong công ty của bạn;
– Được cấp trên đánh giá tốt, tin tưởng và tín nhiệm;
– Nâng cao tầm hiểu biết, nhận thức;
– Thể hiện bản thân: xây dựng con đường sự nghiệp lâu dài…
Vậy, bạn thử nhìn lại xem, liệu mình đã đáp ứng được những gì đối với nguyện vọng của người lao động?
Các vị sếp khiến nhân viên thấy thất vọng khi:
– Khả năng yếu kém trong cách tiếp nhận và xử lý vấn đề;
– Không đưa ra được chính sách nhân sự rõ ràng;
– Không giữ đúng cam kết làm việc với nhân viên;
– Giao việc bừa bãi, không dựa trên một nguyên tắc làm việc nào cả;
– Đánh giá nhân viên theo cảm tính;
– Duy trì kiểu quản lý “gia đình trị”;
– Không biết lắng nghe nhân viên…
Nếu nhận ra rằng mình đang mắc phải một trong những biểu hiện “bệnh lý” trên, bạn nên nhanh chóng tìm cách chữa trị, kẻo các nhân viên sẽ lần lượt rời xa bạn đấy.
Cuối cùng, nếu số người “nhảy việc” vẫn gia tăng thì:
– Chỉ nên níu giữ những nhân viên giỏi.
– Nếu tỷ lệ “chảy máu chất xám” ở công ty bạn là 5-7% thì cũng chẳng có gì đáng ngại.
– Đừng tiếc tiền đầu tư vào nhân viên có năng lực.

Theo Bwportal.com