Kiến thức quản trị Đâu là bí quyết thành công của Canon?

Đâu là bí quyết thành công của Canon?

69
Trong vài năm gần đây, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật không mấy khi sáng sủa. Nhưng Canon lại là một trong những ngoại lệ hiếm hoi.
Trong hơn 20 năm qua, phần lớn các công ty Nhật có xu hướng mở các nhà máy sản xuất tại nước ngoài hoặc ký hợp đồng cung cấp vật tư với đối tác quốc tế. Nhưng Canon với kinh nghiệm thương trường 73 năm lại kiên trì với đường lối sản xuất mọi chi tiết linh kiện trong nội bộ nhà máy. Chính sách này giúp công ty duy trì mức lợi nhuận cao. 

Khác biệt để dẫn đầu
Trong cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu từ tháng 9/2008, không như phần lớn các công ty khác, Canon không chọn cách sa thải bớt nhân công và thu nhỏ quy mô kinh doanh. Thay vào đó, họ lựa chọn giải pháp đầu tư nhiều hơn cho nghiên cứu và phát triển. Với Mitarai, ông coi cuộc khủng hoảng kinh tế là cơ hội vàng cho Canon nên quyết liệt đầu tư. Kết quả là năm 2010, Canon đã đăng ký thêm nhiều bằng sáng chế nhất trong số các công ty Nhật Bản. Và đây là năm thứ năm liên tiếp công ty giữ ngôi vị này. Trên thế giới, Canon xếp hạng thứ tư trong số những thương hiệu sở hữu nhiều bằng sáng chế nhất.
Nhờ có nguồn cảm hứng sáng chế dồi dào ấy mà Canon nắm trong tay thị phần máy ảnh lớn nhất tám năm liên tiếp. Năm 2010, thị phần của công ty là 20%, cao hơn đối thủ ngay sau họ là Sony tới 3%. 
Nhưng không phải ai cũng biết thành công hôm nay có được là nhờ nhiều bài học đắt giá thu được từ hai thập kỷ trước. Vào những năm đầu thập kỷ 90, Canon quyết định đầu tư một khoản lớn cho dòng sản phẩm máy tính cá nhân và màn hình LCD. Họ đã không thành công với bất cứ sản phẩm nào. Cái giá phải trả đắt hơn thế là việc họ xao nhãng thế mạnh cạnh tranh lớn nhất của mình là máy ảnh và tụt lại đằng sau đối thủ. 
Năm 1995. Fujio Mitarai nắm giữ chức vụ lãnh đạo cấp cao của công ty sau khi người anh họ Hạime Mitarai đột ngột qua đời. Đối mặt với cuộc khủng hoảng của công ty, Mitarai mạnh tay cắt giảm chi phí sản xuất, cắt giảm những đơn vị sản xuất không cần thiết và phục hồi trọng tâm sản xuất vào mặt hàng máy ảnh. Bước đi này đã mở ra những chương đầu tiên cho câu chuyện thành công thần kỳ thời hậu bong bóng kinh tế Nhật. 
Dưới sự lãnh đạo của Mitarai, Canon trở nên khác biệt hoàn toàn với những mô hình doanh nghiệp truyền thống kiểu Nhật như Toyota. 

Bài học số 1: Lợi nhuận là trên hết
Mitarai nói bài học quan trọng nhất mà ông học được trong những năm tháng ở Mỹ là luôn phải tìm cách tạo ra lợi nhuận ngắn hạn cho công ty. Đây lại là điều mà phần lớn các công ty Nhật không coi trọng.
Sau khi trở thành chủ tịch Canon năm 1995, ông áp dụng ngay kinh nghiệm học được từ Mỹ. Mitarai loại bỏ bảy mặt hàng thua lỗ ra khỏi danh mục sản xuất, trong đó có máy tính cá nhân. Động thái này đã giúp doanh thu của công ty tăng từ mức âm 50 tỷ yên năm 1990 lên dương 130 tỷ yên năm 2000.
Mitarai theo đuổi một triết lý đơn giản: phải đưa công ty tới vị trí dẫn đầu ở bất cứ ngành kinh doanh nào. Máy ảnh lại là sản phẩm trung tâm của Canon, là thị trường mà ở đó công ty có nhiều tiềm năng và kinh nghiệm nhất, có nhiều cơ hội trở thành số 1 nhất.
Triết lý đó của Mitarai là tiền đề cho sự ra đời của dòng máy ảnh Canon IXY lừng danh thế giới năm 2003 và một trung tâm nghiên cứu phát triển trong lòng công ty. Với IXY, Canon thay thế Sony trở thành nhà sản xuất máy ảnh hàng đầu thế giới, và cho đến tận ngày nay, họ chưa từng trả lại ngôi vị này cho đối thủ.

Bài học số 2: Hệ thống sản xuất chia đơn vị nhỏ
Một trong những bí quyết thành công quan trọng nhất của Canon là hệ thống sản xuất chia đơn vị nhỏ mà mỗi đơn vị đều linh hoạt và đa chức năng. Phương pháp này giúp duy trì chi phí sản xuất ở mức thấp. Một ví dụ tiêu biểu là nhà máy sản xuất của Canon tại tỉnh Oita với công suất 80% sản lượng máy ảnh đơn phản xạ của công ty. Đây cũng là nơi sản xuất những linh kiện quan trọng nhất của chiếc máy ảnh. 

Bên trong nhà máy, không một cửa sổ nào mở ra ngoài, và hệ thống 10 hành lang kết nối được sử dụng để ngăn bụi từ bên ngoài vào làm nhiễm bẩn các linh kiện quang học nhạy cảm được đặt dưới sàn nhà. Tuyệt nhiên không có những dây chuyền sản xuất dài như thường thấy ở những nhà máy lớn khác. Thay vào đó, ở đây có những đơn vị sản xuất nhỏ với 14 nhân công miệt mài trên những dây chuyền có hình chữ U. Trên toàn bộ diện tích sàn 25.000m2 không có lấy một cây cột. Mọi đường ống và dây nối được chôn dưới đất. Thiết kế này cho phép dây chuyền sản xuất, công nhân và máy móc thay đổi vị trí cho nhau vào bất cứ thời gian nào, tạo ra hiệu suất lao động tối đa.

Theo Quỳnh Hoa