Kiến thức quản trị Bí mật sau tập đoàn thép Arcelor Mittal

Bí mật sau tập đoàn thép Arcelor Mittal

120
Sâu trong cung điện Beaux Arts tại Luxembourg, trụ sở của Tập đoàn thép Arcelor Mittal đang diễn ra cuộc họp cấp cao giữa các giám đốc kế hoạch từ khắp các chi nhánh của Mittal trên thế giới. Ở tuổi 40 hoặc 50, họ đều có vài chục năm kinh nghiệm làm việc trong ngành công nghiệp thép. Chỉ có ngoại lệ dành cho Aditya Mittal, con trai của nhà sáng lập và Tổng Giám đốc tập đoàn, Laskmi N.Mittal. Vị Giám đốc tài chính 31 tuổi này là người trẻ nhất nhưng lại có quyền lực nhất trong buổi họp. 
Cha của Aditya không có mặt trong buổi họp nhưng tất cả đều biết rằng đằng sau anh luôn có sự hỗ trợ từ cha. Suốt 10 năm qua, hai cha con vừa là đồng nghiệp, vừa là bạn tâm giao, trở thành cặp cha con quyền lực nhất giới kinh doanh toàn cầu hiện nay.

Thời thế tạo anh hùng
Chiến lược kinh doanh của Mittal không hề thay đổi theo năm tháng. Năm 1978, Lakshmi Mittal mở nhà máy đầu tiên tại Surabaya, Indonesia. Khi đó, nhu cầu thép mặc dù giảm ở Mỹ và châu Âu nhưng lại tăng đột biến tại châu Á. Lakshmi bắt đầu tin tưởng rằng những công ty thép có thể thu được lợi nhuận khổng lồ nếu chúng phát triển đủ lớn để có được vị trí ngang bằng trên bàn thương thuyết với các nhà cung cấp sắt và than đá hay với khách hàng lớn như các nhà sản xuất xe hơi. 
Đó cũng chính là nguyên tắc tổ chức của đế chế này, thể hiện ngay trong hợp đồng với Arcelor. Hiện tại, Tập đoàn Mittal có khả năng tăng hoặc giảm sản lượng tùy thuộc vào nhu cầu của từng khu vực. Về lâu dài, Chủ tịch tập đoàn này cho rằng ngành thép sẽ bị chi phối bởi một vài công ty lớn có đủ khả năng giảm đầu ra sản phẩm hơn là giảm giá trong thời suy thoái.
Các hợp đồng mà Aditya dành được đang góp phần biến suy đoán của cha anh thành hiện thực bởi hai cha con họ đang đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi ngành công nghiệp sản xuất thép. “Họ đã đưa thép trở thành một ngành kinh doanh bền vững hơn và cũng hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư”, Dalton Dwyer, Giám đốc quản lý công ty Industry Corporate Finance, chuyên về mua bán và sáp nhập công nghiệp, đã đánh giá như vậy.
Dù mới ngoài 30 nhưng Aditya không phải là “lính mới” trong lĩnh vực sản xuất thép. Từ năm 21 tuổi, anh đã theo cha đi khắp các nhà máy và say mê những khuôn đúc hay những mẻ thép mới ra lò. Tất cả đã hun đúc nên một Aditya với niềm đam mê thứ kim loại này lớn không kém gì người cha của anh. 
Năm 2000, một cuộc khủng hoảng lớn diễn ra trong ngành thép đã dẫn đến sự sụp đổ của hàng loạt công ty. Nhưng Mittal đã chớp lấy cơ hội này, biến nó thành lợi thế của mình. Họ lập ra nhiều nhà máy tại Đông Âu và Algeria mà không tốn nhiều chi phí bởi tận dụng thời điểm nhiều chính phủ đang muốn bán những tài sản tốn kém. Bên cạnh đó, Mittal cũng nhận được sự hậu thuẫn từ phía Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng tái cấu trúc và phát triển châu Âu. Nhờ đó, họ đã tăng gấp đôi sản lượng hàng năm lên tới 30 triệu tấn chỉ trong vòng 2 năm.
Sau đó, năm 2004, Aditya đã góp công lớn trong bản hợp đồng mua lại Tập đoàn Thép Quốc tế của Mỹ với nhiều tài sản giá trị như công ty thép Bethlehem, với giá 4,5 tỷ USD, đưa Mittal trở thành nhà sản xuất thép hàng đầu tại Mỹ.

Thương vụ để đời
Khi Aditya đưa ra ý định mua Arcelor, cha anh tỏ ra không mấy hào hứng bởi hai hãng từ lâu vốn đã là những đối thủ của nhau trên thương trường. Tuy nhiên, khi cho thấy giá cổ phiếu của công ty có thể tăng gần 40% nếu như thương vụ thành công, cha Aditya đã đồng ý để anh chịu trách nhiệm cho thương vụ này.
Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ với CEO của Arcelor, Guy Dollé, không đạt kết quả như mong đợi khi ông từ chối lời đề nghị của Mittal. Chỉ vài tháng sau, sự kiện chính Arcelor lại đồng ý bán 32% cổ phần cho chính trị gia người Nga Alexey Mordashov để đổi lấy lượng cổ phiếu kiểm soát tại hãng thép Severstal, khiến Mittal choáng váng. Dù vậy, hai cha con Mittal vẫn kiên trì theo đuổi tham vọng của mình. Aditya bắt đầu tiến hành những cuộc gặp bí mật để vận động hành lang cho thương vụ với hãng thép lớn nhất nhì châu Âu. Và không ai còn có thể nghi ngờ năng lực của Aditya. Shahriar Tadjbakhsh, chuyên gia đầu tư của Goldman Sach, nhận xét Aditya là “bậc thầy trong lĩnh vực thương thuyết để có được điều mình muốn”. Chính Lakshmi Mittal thì cho rằng “Tôi không thấy sự non nớt ở Aditya. Và tôi cũng cảm thấy khâm phục nó ở những ý tưởng thông minh và sức thuyết phục của chúng”.
Và quả thực Arcelor là một sự bổ sung hoàn hảo cho Mittal bởi tại thị trường Mỹ thì đây chính là nhà đầu tư sở hữu nhiều mỏ sắt giá trị nhất. Dù quy mô hai công ty tương đương nhau nhưng ngân sách Arcelor dành cho nghiên cứu và phát triển gấp 10 lần Mittal, khiến cho những nhà máy của hãng này vượt trội tập đoàn của Lakshmi về hiệu suất và chất lượng thép thành phẩm. Sự kết hợp của hai tập đoàn vừa làm gia tăng thị phần, vừa đem lại bước phát triển mới cho cả hai dưới cái tên Arcelor Mittal.

Theo Thu Trang