Marketing Nhiệt kế niềm tin

Nhiệt kế niềm tin

16
Chưa bao giờ niềm tin của giới đầu tư kinh doanh lại luôn được đặt trong dấu ngoặc kép như hiện tại.
Vào những ngày đầu năm 2013, bầu Đức, ông chủ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cho biết, doanh nghiệp này đã nhanh chân chiếm được cả “vị trí vàng” ở Myanmar với mức giá quá hời và “có thể hái tỷ USD khi địa ốc của Myanmar nóng lên trong vòng 5 năm tới”. Nếu như câu chuyện này xảy ra chỉ cách đây một năm, khoảng đầu năm 2012 – mặc dù các doanh nghiệp Việt Nam lúc đó cũng đã bầm dập khá nhiều – phản ứng vẫn có thể là hào hứng. Giờ đây, bàn về câu chuyện này trên các diễn đàn mạng, nhiều người không giấu thái độ băn khoăn. Thậm chí, có người đặt câu hỏi thẳng thắn về khả năng thành công của cách đi tắt đón đầu này, sau những kinh nghiệm chua xót về đầu tư bất động sản ở thị trường nội địa.

Có thể những người đặt ra câu hỏi này cũng đã quá lo xa. Theo tính toán của ông Đoàn Nguyên Đức, với xu thế đang lên của thị trường bất động sản Myanmar và kế hoạch rút sớm của ông khi giá bất động sản tăng khoảng 80% so với hiện tại, mọi việc sẽ thuận buồm xuôi gió. Song, điều này phản ánh một thực tế rất phổ biến không chỉ trong giới đầu tư kinh doanh: sự bấp bênh của niềm tin. Ngay chính Hoàng Anh Gia Lai, tuy là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực khách sạn và trung tâm thương mại ở Myanmar hiện nay với tổng vốn đầu tư khoảng 300 triệu USD, chiếm 26% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực này tại đất nước Chùa Vàng, cũng đang gặp nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh tại Việt Nam. Báo cáo quý 3/2012 của tập đoàn này cho thấy, lợi nhuận sau thuế hợp nhất của HAG đã giảm từ gần 340 tỷ đồng năm trước về khoảng 177 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2012.
Tại Diễn đàn Đầu tư phát triển Doanh nghiệp Việt Nam năm 2012 vừa được tổ chức vào cuối tháng 12/2012, Ban tổ chức – Tạp chí Kinh tế và dự báo (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) có lẽ cũng không ngờ rằng, tâm điểm được bàn luận lại là những con số thống kê doanh nghiệp đăng ký mới và doanh nghiệp ngừng hoạt động, chứ không hẳn là các nhận định tình hình kinh tế vĩ mô như thường thấy. Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư có lý khi cho rằng, con số doanh nghiệp thành lập mới vẫn nhiều hơn số giải thể “chứng tỏ sự bình thường trong quy luật sinh và chết của doanh nghiệp Việt Nam”. Bởi dù có khó khăn hơn những năm trước, nhưng nếu như so với tỷ lệ doanh nghiệp rời thị trường mỗi năm của các nền kinh tế trên thế giới (trung bình khoảng 11-15%) thì tỷ lệ doanh nghiệp dừng hoạt động, doanh nghiệp giải thể/doanh nghiệp đăng ký trong năm 2012 của Việt Nam (54.261/69.874) vẫn ở ngưỡng an toàn. Hơn thế, nhìn vào số doanh nghiệp dừng hoạt động chủ yếu là trong lĩnh vực bất động sản, dịch vụ, chứng khoán, ông Đông còn lấy làm mừng vì “đang có sự chuyển dịch tích cực của các doanh nghiệp sang các lĩnh vực khác ít rủi ro hơn”.
Một khi đường lối rõ ràng, thực hiện nhất quán, doanh nghiệp sẽ là đối tượng tận dụng nhanh nhất các cơ hội để thay đổi
Cũng phải nói thêm, các con số về doanh nghiệp đăng ký mới và dừng hoạt động mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố là những con số thực, theo thời gian thực. Bởi từ năm 2012, hệ thống thông tin doanh nghiệp quốc gia đã được hoàn tất, cập nhật toàn bộ số liệu về đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế của doanh nghiệp trên hệ thống.

Tuy nhiên, những con số và nhận định từ các cơ quan quản lý Nhà nước không đủ để thuyết phục ông Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Ông Kiêm thẳng thắn phản biện, số doanh nghiệp “chờ chết” thực tế lớn hơn rất nhiều và không ai thống kê thực trạng này. “Ngồi nghe các cuộc họp, thấy không có vấn đề gì lớn, nhưng xuống đến doanh nghiệp, tình hình đã vô cùng bi đát. Đến các hội thảo lại nghe thông tin như thế này thì hoang mang quá. Nếu không đánh giá thực chất thì sẽ chỉ có những chính sách nửa vời”, ông Kiêm nói với tâm trạng bất an.

Thông điệp sẽ củng cố niềm tin
Trong khảo sát về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thực hiện hàng năm, một trong những câu hỏi được đưa ra là “kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp bạn trong 2 năm tới là gì”? Theo các chuyên gia nghiên cứu, câu hỏi này là một thước đo cảm nhận của doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam – được mệnh danh là “nhiệt kế niềm tin doanh nghiệp” và luôn được nói đến ngay tại phần đầu của mọi báo cáo PCI.
Với công bố đầu tiên liên quan đến nội dung này tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2012 (VBF 2012), có thể thấy niềm tin của doanh nghiệp đã sụt giảm đột ngột vào năm 2010 và xu hướng này tiếp diễn đến năm 2012. Trong đó, doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp tư nhân là nhóm có cảm nhận tiêu cực nhất về triển vọng kinh doanh trong tương lai.
Điều này được cho là không thuận với xu thế, vì đối tượng này hiện đang là chủ thể chính của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ Chính phủ suốt từ đầu năm 2012 tới nay. Đó là gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, giảm 50% tiền thuê đất phải nộp của năm 2012 (đối với một số doanh nghiệp có khó khăn về trả tiền thuê đất do những điều chỉnh về giá thuê đất được áp dụng từ năm 2011) rồi việc gia hạn 9 tháng thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2011 trở về trước mà chưa nộp vào ngân sách Nhà nước đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa…
Ông Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch HĐQT Công ty tư vấn VFAM Việt Nam lý giải rằng, trên thực tế, doanh nghiệp không được hưởng thụ các chính sách hỗ trợ dành cho mình nhiều như lẽ ra phải thế. “Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường vừa được ban hành tháng 5/2012, thì tháng 7/2012 giá điện tăng, sau đó là giá xăng lên và hàng loạt loại phí ra đời”, ông Tiền phân tích và cho rằng, sự không thống nhất quan điểm trong điều hành chính sách đã khiến lòng tin của doanh nghiệp với thị trường trở nên chông chênh…
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khi trao đổi về tâm thế của doanh nghiệp Việt Nam năm 2013 đã thừa nhận rằng, chưa bao giờ doanh nghiệp Việt Nam “yếu” như vậy, cả về sức lực lẫn niềm tin. “Chúng ta không thể phủ nhận là môi trường kinh doanh nào sẽ tạo ra lớp doanh nghiệp, doanh nhân đó. Khi môi truờng đầu tư dễ dãi, lớp doanh nhân đầu cơ xuất hiện. Nhưng một khía cạnh nào đó, họ cũng là đội ngũ năng động, sáng tạo nhất của nền kinh tế. Họ nhìn nhận rất rõ cơ hội và thách thức của nền kinh tế trong giai đoạn chuyển đổi từ tăng trưởng dựa trên thâm dụng tài nguyên, vận dụng quan hệ sang giai đoạn tăng trưởng bằng năng suất, chất lượng. Họ cũng rất nhanh nhạy với các cơ hội kinh doanh mới”, ông Lộc khẳng định.
Tuy nhiên, cho dù kinh tế vĩ mô có những cải thiện nhất định, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được đưa ra, song ông Lộc cho rằng, những thông điệp chính sách cũng như hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng chưa thể hiện rõ. Chính điều này đã khiến doanh nghiệp chưa vững tin; áp lực buộc doanh nghiệp thực sự phải chuyển mình để đáp ứng yêu cầu mới về chất lượng của nền kinh tế cũng chưa đủ mạnh.
“Một khi đường lối rõ ràng, thực hiện nhất quán, doanh nghiệp sẽ là đối tượng tận dụng nhanh nhất các cơ hội để thay đổi”, ông Lộc khẳng định.
Theo công bố của PCI năm 2012, niềm tin của doanh nghiệp đã sụt giảm đột ngột vào năm 2010 và xu hướng này tiếp diễn đến năm 2012. Theo số liệu khảo sát, mặc dù giữa khối doanh nghiệp trong nước và nước ngoài không có khác biệt đáng kể, song niềm tin của doanh nghiệp trong nước sụt giảm mạnh hơn. 33% doanh nghiệp FDI có kế hoạch mở rộng kinh doanh (giảm nhẹ so với 38% vào năm 2011), trong khi chỉ có 32% doanh nghiệp trong nước có dự định này (giảm so với 47% năm 2011).

Giải pháp chính sách ngắn hạn, thiếu cơ bản

Ông Nguyễn Đình Cung, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương
Thời gian qua, các giải pháp chính sách là chưa thật nhất quán. Để lấy lại niềm tin, cách duy nhất là Chính phủ thực hiện đúng những gì cam kết và cung cấp thông tin đầy đủ để doanh nghiệp, người dân, xã hội cảm nhận được những gì mà Chính phủ đang thực hiện.

Cụ thể, phải bỏ lối tư duy và làm chính sách theo lối “không quản được thì cấm và hạn chế”, dành thuận lợi và sự an toàn về cơ quan, công chức nhà nước, đẩy khó khăn, rủi ro về cho doanh nghiệp và người dân. Trong các văn bản điều hành mới, nguyên tắc thống nhất là giảm chi phí tuân thủ, giảm thuế và phí; giảm bớt các quy định, giấy phép và can thiệp hành chính; giảm độc quyền, thống lĩnh thị trường; giảm và bỏ các ưu tiên, ưu đãi hay quyền “đặc biệt” đối với tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
Đặc biệt, mức độ minh bạch cần được tăng cao, thiết lập và nâng cao hiệu lực giám sát, cân bằng các lực lượng thị trường, đảm bảo các loại thị trường vận hành có hiệu quả, đúng theo các nguyên tắc, quy luật của nó.

Chú trọng đến sức khỏe doanh nghiệp hơn là tăng trưởng

Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Năm 2013, nếu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô thì niềm tin chắc chắn sẽ trở lại. Có thể thời gian qua, chúng ta đã quá quan tâm đến tăng trưởng. Nhưng tài sản quan trọng nhất là doanh nghiệp. Phải coi sự tồn tại và phát triển khoẻ mạnh của doanh nghiệp là trọng tâm của phát triển. Ngay cả chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng phải được xây dựng trên cơ sở thu hút doanh nghiệp chất lượng, chứ không phải là chú trọng đến mục tiêu sản lượng. Nói như vậy để hiểu rằng, tình hình doanh nghiệp đóng cửa, phá sản hiện tại là nghiêm trọng. Căn nguyên đã được xác định là do cấu trúc, thể chế, vậy phải giải quyết những căn nguyên đó. Hiện tại, có vẻ như các biện pháp của chúng ta chưa dứt khoát, chủ yếu giải quyết tình thế nên khó khăn lại càng bị đẩy lên, ngay cả các vấn đề tình thế cũng trở nên khó giải quyết.

Sống trong sợ hãi nhưng vẫn luôn hy vọng

Ông Mai Hữu Tín, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đầu tư U&I

Con rồng của năm Nhâm Thìn 2012 thật sự đã là rồng dữ với đại đa số doanh nhân. Năm 2013, tuy vẫn được dự báo là “sống trong sợ hãi”, nhưng tất cả doanh nghiệp vẫn phải có những lạc quan, hy vọng… Lợi nhuận là mục tiêu của doanh nghiệp. Nhưng động lực lớn nhất để doanh nghiệp hoạt động đạt mục tiêu, nhất là khi gặp khó khăn, thua lỗ lại là niềm tin. Ba trụ cột tái cơ cấu nền kinh tế gồm: đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng rất được doanh nghiệp ủng hộ, bởi đây là những vấn đề lớn nhất đang cản trở sự phát triển chung. Nhưng có vẻ như việc triển khai gặp rất nhiều trở ngại, chưa đáp ứng được mong đợi của mọi người và là những thách thức thật sự. Niềm tin sẽ được khẳng định nếu những vấn đề này được xử lý hiệu quả và nhanh chóng.
Ở tầm vi mô, khó khăn của năm 2012, vốn đã tích tụ từ những năm trước, chắc chắn cũng đã cho doanh nghiệp Việt những bài học đáng giá. Nhưng tất cả luôn hy vọng.

Hãy chờ xem!

Doanh nghiệp sẽ lượng sức để thoát khó

Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư N&G

Khi thị trường thăng hoa, nhiều người đã quá ham hố, chạy theo các cơ hội dễ dãi. Nhưng rồi vạn sự khó lường, khó khăn quá sức, nhiều doanh nghiệp không thể tiếp tục. Thị trường vừa rồi đã dạy cho doanh nhân Việt Nam thế nào là tác hại của lòng tham, buộc mọi người phải học lại những bài học căn bản nhất của quản trị, phải thấm được những cái giá phải trả. Quan trọng nhất, doanh nghiệp đã học được bài học về việc không đổ lỗi cho hoàn cảnh về những khó khăn của mình.
Chính vì vậy, tôi tin là những thay đổi sẽ đến vào năm 2013. Nhất là khi những khó khăn, đổ vỡ vừa rồi của doanh nghiệp có một phần nguyên nhân từ những bất ổn kinh tế vĩ mô, điều hành chính sách chưa thực sự nhất quán. Nếu môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tôi tin là doanh nghiệp sẽ lượng được sức mình để thoát khó.

Theo dddn