Đào tạo “Soi” lại bản thân – Bạn đã thực sự chuyên nghiệp?

“Soi” lại bản thân – Bạn đã thực sự chuyên nghiệp?

2
Bạn đã bao giờ tự thành thật nhìn nhận mình là một người làm việc kém chuyên nghiệp và không hiệu quả? Đôi khi, bạn quá tự tin ở mình mà không nhận ra rằng thực tế không như bạn tưởng.

Bạn thường xuyên đi làm, tham gia buổi họp muộn: Bạn nghĩ rằng mình là người có năng lực, việc đi chậm 1 vài phút cũng chẳng sao. Thực tế việc này sẽ gây khó chịu cho mọi người cùng làm với bạn, và nếu sếp cứ để yên như thế thì sẽ bị đánh giá là chiều nhân viên quá mức. Nên cho dù có yêu quý bạn đến đâu thì sếp vẫn cứ phải nhắc nhở và có biện pháp “xử lý” bạn thôi.

Ăn mặc quá tuềnh toàng: Chỉ nhân viên nữ mới cần để ý đến trang phục? Thực tế ăn mặc đẹp hay xấu sẽ không “chết” ai nhưng nếu bạn gọn gàng và để ý đến trang phục một chút, cơ hội thăng tiến sẽ đến nhiều hơn. Những buổi tiếp khách với công ty bất chợt, có khách nước ngoài hay đối tác quan trọng đến thăm… thì bạn sẽ còn là bộ mặt của công ty nữa. Và sếp đánh giá thế nào? Một người quá lôi thôi và cẩu thả thì làm việc cũng sẽ tương đương như vậy thôi.

Báo cáo công việc không chuyên nghiệp: khi sếp cần bạn báo cáo, bạn chần chừ và ngắc ngứ mãi không nói được việc mình đang làm như thế nào và làm đến đâu. Hoặc bạn lại nói quá dông dài và xa đề, khiến người nghe mất hết kiên nhẫn.

Không hoàn thiện bản thân: ví dụ, bạn đang làm việc cho một công ty nước ngoài và vốn ngoại ngữ không những cần được cải tiến mà còn phải duy trì được nó để phục tốt hơn cho công việc. Vậy thì sẽ ra sao nếu 6 tháng hay 1 năm sau, vốn ngoại ngữ của bạn vẫn lẹt đẹt trong khi những người khác đã kịp nâng cấp thêm vài khóa học?
Được tuyển dụng vào làm rồi không có nghĩa là không cần phải học hỏi và trau dồi thêm kiến thức, hãy luôn luôn thực hiện điều đó để bộ não của bạn không bị lười đi và phản ứng chậm chạp.

Chơi trước khi làm: bạn nghĩ rằng công việc hôm nay không có gì nhiều cả, nên ung dung đọc báo và chát chít vào buổi sáng, để buổi chiều làm một loáng là xong. Thực tế, những việc nghiêm trọng có thể phát sinh bất cứ lúc nào. Nên hãy tập trung làm việc trước khi chơi nhé, đề phòng những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.

Nghỉ việc không có kế hoạch hay không báo trước: trừ những trường hợp ốm đau, tai nạn, tang gia… đột xuất, bạn nên có kế hoạch trước cho những lần mình muốn nghỉ việc. Hẳn bạn cũng sẽ chẳng thoải mái gì khi đi chơi mà cứ có điện thoại hỏi này kia về công việc, mà người ở nhà làm việc cũng sẽ rất khó chịu khi phải làm công việc của bạn mà không được để lại một lời hướng dẫn. Vì thế, quyết định xin nghỉ thì hãy cố gắng làm giảm tối đa sự ảnh hưởng đối với người khác, để luồng công việc vẫn chạy trơn tru khi không có bạn.

Bàn làm việc lộn xộn: bạn cần tìm tài liệu, và phải mò mẫm trong đám giấy tờ chất đống xung quanh mình. Liệu sếp có băn khoăn tài liệu quan trọng của công ty có bị bạn làm thất lạc hay giấy tờ tuyệt mật sẽ không cánh mà bay không nhỉ?
Không phải ngẫu nhiên mà có quá nhiều điều bạn phải để ý đến trong môi trường công sở. Những chuyện nhỏ nhặt, lặt vặt, lại khiến bạn có thể trở thành người bị “sờ gáy” bất cứ lúc nào khi công ty có chế độ cắt giảm nhân sự; nó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bạn trong việc thăng tiến, lương thưởng.

Theo Dân trí