Đào tạo Thế hệ doanh nhân Việt Nam kể từ thời… đồ đá

Thế hệ doanh nhân Việt Nam kể từ thời… đồ đá

11
Những doanh nhân xưa đáng để chúng ta ghi nhớ và vinh tôn, bởi chính họ đã khơi nguồn cho dòng chảy vô tận của doanh nhân và kinh tế đất nước.

Doanh nhân Việt thời… đồ đá

Những phát hiện khảo cổ học thời gian qua cho thấy, các công trường chế tác đồ đá đã xuất hiện vào giai đoạn hậu kỳ đồ đá mới ở nước ta (khoảng 6.000- 3.000 năm trước), như Hồng Đà (Phú Thọ), Bãi Tự (Bắc Ninh), Tràng Kênh (Hải Phòng), Núi Đọ (Thanh Hoá), Rú Dầu (Hà Tĩnh), mỗi nơi chuyên chế tác những công cụ truyền thống mang tính khu vực.

Với những công trường lao động lớn như vậy, ngoài lao động của rất nhiều nhân công, chắc chắn có sự điều hành, chỉ huy và tổ chức của những ông chủ, chính đó là vai trò của những chủ doanh nghiệp, tức là những doanh nhân, như cách gọi ngày này.

Như vậy, những doanh nhân cổ xưa không lưu lại danh xưng, song nhờ những sản phẩm mà họ để lại, cho phép chúng ta ghi nhớ và vinh tôn họ, và chính họ đã khơi nguồn cho dòng chảy vô tận doanh nhân và đất nước.

Dân cư trong các làng và các dòng họ có nghề rèn sắt cổ truyền trong vùng Nghệ Tĩnh vẫn còn lưu truyền về ông Khổng Lồ, đã dạy nghề rèn sắt cho dân từ thưở khai thiên lập địa. Dân các làng rèn sắt thờ làm thần tổ khai sáng nghề rèn để ghi nhớ công ơn ông. Như vậy ông Khổng Lồ đạt tiêu chuẩn để tôn vinh là doanh nhân thuộc nghề rèn sắt, như cách tôn vinh của chúng ta ngày nay.

Hay dân các làng dệt truyền thống vùng châu thổ sông Hồng tôn thờ Bà Hoàng Phủ Thiễu Hoa làm thần tổ nghề, bởi bà có công dạy truyền nghề dệt cho dân, mà trong truyền thuyết ghi rất rõ bà là công chúa con của vua Hùng, bắt đầu từ bà mà nghề dệt được mở mang phát triển truyền mãi cho đến tận ngày nay.

Lang Liêu nghĩ ra cách làm bánh chưng – bánh dày, Mai An Tiêm phát hiện ra giống dưa hấu… cũng là những doanh nhân được lưu truyền trong lịch sử, từ thời cổ như vừa dẫn là những ví dụ ít ỏi và rất điển hình, mà lâu nay không ai nói họ là doanh nhân.

Doanh nhân thời trung đại

Đây là thời kỳ mà những doanh nhân Việt không được chú ý nhiều khi đất nước trải qua những năm tháng phức tạp trong lịch sử. Tuy nhiên, vẫn có thể nhớ đến những gương mặt nổi bật.

“Doanh nhân đồ nho” Phùng Khắc Khoan. Sử sách đánh giá rằng, Phùng Khắc Khoan “là một nhà kinh bang tế thế” vĩ đại. Tên tuổi và sự nghiệp của ông không những gắn liền với những sự kiện chính trị, mà còn gắn liền với những thành tựu kinh tế mang tính thời đại, của đất nước ta thế kỷ XVI.

Tổ sư nghề dệt the lụa ở Xứ Đoài (Sơn Tây) được phong tặng cho Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan. Ông đỗ Tiến sĩ, làm đến Thượng thư, từng đi Sứ Trung Quốc. Chính ông đã học được nghề dệt the lụa và có công đem cây ngô và vừng về quê dạy cho dân làng. Hàng dệt mang thương hiệu Bùng nổi tiếng một thời.

Theo cuốn “Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan” của Bùi Duy Tân – Ngọc Liễn, Phùng Khắc Khoan bày cho dân làng cách làm cày, làm bừa theo lối mới tốt hơn.

Theo lời truyền tụng trong nhân dân thì Phùng Khắc Khoan chính là ông tổ nghề làm “lượt Bùng” – một sản phẩm nổi tiếng của Xứ Đoài. Khắp nơi trong nước, hồi ấy đâu đâu người ta cũng dùng “lượt Bùng” để may áo và nhất là làm khăn đội đầu.

Phùng Khắc Khoan là một trí thức được nhào nặn từ Nho giáo, một nền giáo dục lấy khoa cử, từ chương làm trọng; nghĩa là một nền giáo dục đào tạo ra những con người sách vở, kinh viện, xa rời các vấn đề sản xuất kinh tế, kỹ thuật. Song, con người Phùng Khắc Khoan lại là con người của hành động.

Phùng Khắc Khoan vượt lên trên cái mẫu “dài lưng tốn vải”, biểu tượng của nhân cách kẻ sĩ trong nền giáo dục “cửa Khổng sân Trình” phong kiến xưa, để trở thành biểu tượng của một giá trị thực tế, gắn liền với “bát cơm, manh áo” của nhân dân. Và như thời nay chúng ta vẫn gọi những con người mang lại giá trị ấy – ông là một doanh nhân.

Vài gương mặt doanh nhân Việt thời… chạy Tây

Nhà công nghiệp Trương Văn Bền. Trương Văn Bền (1883 – 1956), quê Chợ Lớn (Thành phố Hồ Chí Minh), xuất thân từ một gia đình thủ công, năm 1918 ông đã lập nhà máy nấu dầu dừa, sản xuất xà phòng, glycerin hàng ngàn tấn mỗi tháng (đây là các nhà máy sản xuất xà phòng và kỹ nghệ dầu lớn nhất Đông Dương thời đó).

Ông cũng hợp tác trong việc chích lấy nhựa thông và phục hồi những khu rừng quanh Đà Lạt, sản xuất mỗi năm khoảng 30 tấn dầu thông cùng hàng trăm tấn tùng hương. Ông còn là người Việt đầu tiên lập ra hai nhà máy xay lúa công suất trên 100 tấn gạo mỗi ngày và Tổng Giám đốc Công ty Trồng lúa Tháp Mười mà có một sở điền rộng tới 10.000 ha.

Từ năm 1918 đến 1945, ông sáng lập, làm chủ tịch hoặc thành viên chính của nhiều hiệp hội kinh tế, tài chính, lúa gạo, công nghệ hoặc thành viên chính của nhiều hiệp hội kinh tế, thương mại, tài chính, lúa gạo, công nghệ, bến cảng lớn ở Nam Kỳ và Đông Dương. Là một đại gia công nghiệp, ông góp tâm sức rất lớn cho việc phát triển nền thương mại, kỹ nghệ và nông nghiệp miền Nam nửa đầu thể kỷ XX.

“Cậu ký” đường thủy Bạch Thái Bưởi. “Ông vua đường thủy” Bạch Thái Bưởi (1874-1932) được coi là một doanh nhân kiệt xuất của đất Việt, biết khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng, có ý thức dân tộc.

“Ông vua đường thủy” Bạch Thái Bưởi.

Bạch Thái Bưởi sinh trong một gia đình nông dân nghèo tại làng An Phúc, tỉnh Hà Đông. Cha ông mất sớm, nên ông phải giúp mẹ sinh sống bằng nghề bán hàng rong. Lúc ấy có một nhà phú hào họ Bạch thấy ông thông minh, lanh lợi, nên nhận làm con nuôi và đổi lại họ Bạch. Nhờ đó, ông có cơ hội ăn học. Học xong ông xin làm chân thư ký cho một hãng buôn người Pháp ở phố Tràng Tiền (Hà Nội), sau đó sang làm với một hãng thầu công chánh. Chính ở những nơi này, cậu ký Bưởi đã học được cách tổ chức, quản lý sản xuất và tiếp xúc với thiết bị, máy móc.

Là một thanh niên không chịu an phận, ông quyết tâm đi vào con đường kinh doanh, bắt tay xây dựng cơ nghiệp riêng. Khi người Pháp xúc tiến việc mở đường sắt nối liền Bắc-Nam, Bạch Thái Bưởi dốc hết vốn liếng dành dụm bấy lâu hùn với một người Pháp vào việc lãnh thầu cung cấp tà-vẹt cho công trình này. Suốt 3 năm ròng, ông lùng khắp rừng sâu, lũng thấp tìm cho được gỗ thật bền, thật tốt để đáp ứng yêu cầu, gây uy tín với người Pháp.

Sau đó, ông xin phép mở dịch vụ cầm đồ ở Nam Định. Ông phải đem tất cả tài tổ chức, kinh nghiệm ra cạnh tranh với doanh nhân người Hoa trong lĩnh vực này. Nhân viên toàn người Việt, lại ăn nói, cư xử nhã nhặn, tiền chịu lời phải chăng, cho nên dù bị nhà cầm quyền làm khó dễ đủ điều, thương khách người Hoa chờ ông vỡ nợ…, nhưng khách hàng của ông vẫn ngày một đông.

Thừa thắng, ông dấn thân vào ngành in ấn vốn là nghề hoàn toàn mới lạ đối với ông, nhưng khi thấy xã hội có nhu cầu, ông vẫn bỏ tiền ra mở “Công ty in và Xuất bản Bạch Thái Bưởi”, xuất bản tờ “Khai hóa nhật báo” nhằm cổ động phong trào thực nghiệp ở nước ta.

Năm 1909, Bạch Thái Bưởi quyết tâm lao vào một lĩnh vực kinh doanh mới: vận tải đường sông. Chính từ đây, ông vươn lên đỉnh cao trong sự nghiệp kinh doanh, trở thành “Vua sông biển Đông Dương” và là một trong “tứ đại gia” lừng lẫy thời đó.

Vào nghề sông nước, để đương đầu với các đối thủ người Pháp, Hoa có thế lực mạnh, lại giàu kinh nghiệm hơn nhiều lần, Bạch Thái Bưởi đã sử dụng thế mạnh tinh thần: vận động, kêu gọi mọi người ủng hộ công cuộc kinh doanh của người Việt, “ta về ta tắm ao ta”.

Cuối cùng nhờ vậy, đội tàu của ông không những vượt qua sóng gió mà còn lớn mạnh, được bổ sung bằng những đội tàu của công ty Pháp, Hoa bị phá sản như: Marty d’Abbadie, Desch Wanden… Năm 1915, ông còn mua lại xưởng đóng và sửa chữa tàu của R.Marty.

Sau bảy năm kinh doanh trên sông nước, Bạch Thái Bưởi đã tạo dựng một cơ ngơi khép kín từ chạy tàu đến đóng tàu, sửa chữa tàu và các chi nhánh ở nhiều nơi. Năm 1916, ông chuyển trụ sở từ Nam Định vào Hải Phòng rồi bắt đầu mở rộng tầm hoạt động khắp Đông Dương và các vùng lân cận như Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật, Singapore…

Nhưng đỉnh cao phát triển của công ty là khoảng cuối thập niên 1920 đầu 1930, khi ấy công ty có trên 40 con tàu, với số lượng nhân viên lên tới 2.500 người làm việc trên các đội tàu, xưởng đóng tàu. Văn phòng và chi nhánh của công ty có ở các thành phố lớn như Hà Nội, Nam Định, Tuyên Quang, Việt Trì, Bến Thủy, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Sài Gòn…

Dường như với Bạch Thái Bưởi : “Chiến thắng không hiểm nguy thì chiến thắng không vẻ vang”. Cho nên khi đã thắng kẻ có tiền bạc, ông lại muốn ăn thua với kẻ có nhiều quyền thế. Các mỏ than lúc bấy giờ đều nằm trọn trong tay người Pháp, vậy mà ông vẫn liều mạng xông vào trận địa này và không bao lâu, than của ông chất thành núi (đến năm 1945 mới bán hết), ông trở thành “Vua mỏ nước Việt”.

Với đầu óc thực tế, tầm mắt nhìn xa, ông còn dự định tạo dựng nhiều công trình như: xây một nhà máy xay gạo ở Nam Định với những thiết bị tân tiến mua tận Hambourg (Đức), chương trình đặt ống cống, xây nhà máy nước, dựng nhà máy điện cho thành phố Nam Định và cả việc đặt đường sắt Nam Định – Hải Phòng, nhưng tiếc là vì hoàn cảnh, vì chiến tranh, nên ông không thực hiện được.

Theo vietnamnet