Đào tạo Tự đánh giá bản thân trên cương vị làm sếp

Tự đánh giá bản thân trên cương vị làm sếp

10
Bakery Barn, một công ty về bánh quy, sau khi đạt doanh thu cao nhất vào năm 2006 đã bắt đầu chững lại. Ông Sean Perich, người sáng lập công ty, hiểu rằng đã đến lúc cần phải nhường lại vị trí lãnh đạo cho một người mới.

Cách thức mà Sean Perich nói về lịch sử công ty của mình không khác gì một câu chuyện kinh doanh thành công điển hình. Sean đã có bằng CPA và là một nhà cử tạ lâu năm – người đã biến mồ hôi, lòng quyết tâm và những chiếc bánh quy giàu protein tự sản xuất thành một công ty có giá trị 6 triệu USD chỉ trong chưa đầy 5 năm.
Đối với Perich, khoảnh khắc lịch sử đến vào năm 2003, khi Bakery Barn bắt đầu bán các sản phẩm bánh chứa protein qua các hợp đồng sản xuất với những tên tuổi lớn hơn. Khách hàng đầu tiên và lớn nhất của công ty, tập đoàn Apex Fitness, hiện đang bán bánh quy protein Bakery Barn mang nhãn hiệu Apex tại hàng trăm phòng tập thể dục và nhiều đại lý lớn khác.
Tập thể quản lý cấp cao của Perich tại Bakery Barn đều là những người thân trong gia đình đã theo ông ngày từ những ngày đầu như em ruột, em rể… Perich vẫn tự hào chỉ ra rằng không ai trong số các nhà quản lý là một chuyên gia kinh doanh, kể cả ông – chủ tịch công ty.
Sự chăm chỉ và quyết tâm cản trở nguồn lợi nhuận
Việc thiếu kinh nghiệm chung của cả tập thể quản lý dường như không phải là vấn đề lớn khi doanh số bán hàng vẫn tăn trưởng ổn định từ năm này qua năm khác. Tuy nhiên vào năm 2005, sau khi đạt đỉnh điểm về doanh thu thì các con số bắt đầu bị “sa lầy”. Ba năm qua, doanh thu vẫn chỉ xoay quanh con số 6 triệu USD. Điều đó buộc Perich phải nghĩ tới việc đánh giá lại bộ máy quản lý, bao gồm cả ông.
Perich thừa nhận rằng sự chăm chỉ và quyết tâm có đôi lúc làm cản trở nguồn lợi nhuận cho công ty. Ông cho rằng sự nhiệt tình của mình đã khiến các nhà quản lý cấp dưới lười vận động suy nghĩ mà chỉ biết phụ thuộc vào ý kiến của ông.
Cần làm gì khi công ty của bạn quá to để trở nên nhỏ cũng như quá nhỏ để trở nên to, nhiều công ty đang phải đối mặt với các vấn đề tương tự khi họ phát triển từ trên dưới 20 nhân viên.
Đó là khi các công ty bị buộc phải trải qua giai đoạn quá độ từ khuôn mẫu lao động rẻ/ hiệu quả cao khi khởi nghiệp tới chỗ bắt đầu phải bỏ ra các chi phí thực sự cho lao động và nhằm tăng năng suất.
Ví dụ, Perich chỉ bắt đầu trả lương cho chính mình từ năm 2005. “Bạn có thể có một vài người làm việc cho bạn với mức thù lao thấp bởi họ đóng vai trò như những nhà truyền giáo – nhưng bạn không thể đòi hỏi 20 hay 30 người chấp nhận điều đó. Bakery Barn hiện đang phải trả lương cho 32 nhân viên làm việc toàn thời gian.
Đối mặt với thực tế
Để tồn tại và phát triển, các công ty phải có khả năng tạo ra các sản phẩm mà các khách hàng sẽ mua với một mức chi phí tiêu chuẩn cộng thêm khoản lợi nhuận. Giai đoạn này trong quá trình phát triển của một công ty có thể gây lao đao cho các công ty như Bakery Barn. Rõ ràng rằng, sẽ dễ chịu hơn khi cố gắng trải qua những ý tưởng mới so với làm việc chăm chỉ để đưa ý tưởng ban đầu tới một tầm cao mới.
Né tránh nhiệm vụ không phải là sự khó khăn duy nhất trong việc lãnh đạo kìm hãm sự phát triển của Bakery Barn. Mặc dù việc hợp tác với các nhà phân phối nhỏ chắc chắn không thể sinh lời như với các “đại gia” như Apex, Perich tiếp tục bán một lượng nhỏ sản phẩm của mình mang nhãn hiệu Bakery Barn tới các phòng tập thể dục trong nước năm 2006.
Perich vẫn tin tưởng vào Bakery Barn song ông hiểu rằng mình khó có thể đưa công ty tiến xa hơn. Perich quyết định nói chuyện với một đối tác kinh doanh (cha ông) cùng các thành viên ban quản lý và nói với họ một sự thật khó khăn: Bakery Barn cần một nhà lãnh đạo, người có thể đưa công ty vượt qua giai đoạn này – và nhà lãnh đạo đó không phải là ông. “Tôi không phải là người sẽ có thể dẫn dắt công ty tới con số 25 triệu USD hay 50 triệu USD. Đơn giản bởi tôi không biết phải làm thế nào”.
Biết khi nào cần nhường lại vô lăng
Tháng trước, Perich đã thuê một quản lý chính làm việc toàn thời gian để đảm nhiệm việc quản lý tài chính của công ty mà ông làm. Perich hiện đang tìm người cho vị trí chủ tịch công ty vào đầu năm tới. Ông sẽ tiếp tục làm việc với nhóm nghiên cứu và phát triển mới gồm 3 người để đưa ra các sản phẩm mới.
Theo Perich, việc rời khỏi vị trí lèo lái là một bước đi lớn và mang lại nhiều cảm xúc. “Bakery Barn không chỉ là một công ty cho bản thân tôi”, ông nói. Nhưng giờ đây giai đoạn cam go nhất trong cuộc đời của ông đã gần đến hồi kết. Perich đang mong chờ được dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.
Các công ty khi gặp phải thời kỳ chững lại nên thuê các nhà quản lý cấp cao có chuyên môn và kinh nghiệm dày dạn trong ngành và tìm ra hướng đi mới cho công ty. Những người chủ công ty không nhất thiết phải là người giữ vị trí cao nhất. Họ có thể chỉ cần những hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm chỉ ra cho họ đường đi.
Hãy tìm ra những điểm mạnh của bạn và gắn bó với lĩnh vực kinh doanh phù hợp, sau đó để phần còn lại cho những người khác.

Theo BusinessWeek