Marketing Ngành bán lẻ và PR

Ngành bán lẻ và PR

14
Theo báo cáo của Tổ chức Euromonitor về Bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp (DN) bán lẻ hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương năm 2009, Việt Nam có 7 đơn vị tham gia bảng xếp hạng với tổng doanh thu 1,794 triệu USD, tăng trưởng 21,3%, trong đó doanh thu trung bình của những công ty có thứ hạng cao nhất tại Việt Nam là từ 300 – 400 triệu USD.
Con số này tuy còn nhỏ so với các nước khác trong khu vực, nhưng cũng cho thấy tiềm năng phát triển của các DN bán lẻ Việt Nam.
Với mạng lưới các chi nhánh, siêu thị rộng khắp trên toàn quốc, các tập đoàn bán lẻ luôn có những nhóm công chúng ưu tiên ở mỗi địa phương.

Vì vậy, vai trò của quan hệ công chúng (PR) trong ngành bán lẻ ngày càng được chú trọng.
Nếu trước đây thông tin chỉ đi một chiều, từ công ty đến khách hàng, thì ngày nay luôn có thông tin hai chiều giữa công ty và khách hàng, thông qua các hình thức như hộp thư góp ý, website… và phổ biến nhất là đường dây nóng (hotline).

Mỗi một thông điệp được truyền đi có thể tăng cường hay làm yếu đi một thương hiệu.
Ngoài mục đích thông tin đến khách hàng dịch vụ, mạng lưới của DN, PR trong ngành bán lẻ còn có vai trò xây dựng hình ảnh các cửa hàng/siêu thị để chiếm cảm tình của các nhóm công chúng mục tiêu.
Hãy kể câu chuyện bán lẻ để “tạo niềm tin bằng sự thật”
Nếu quảng cáo có thể nói quá sự thật bằng hình ảnh hay làm thông điệp trở nên hấp dẫn, thì đối với PR, sự thật về sản phẩm hay DN cần được thể hiện khéo léo bằng cách kể một câu chuyện.
Tuy nhiên, câu chuyện đó không nên quá “thần tiên” để tránh sau đó công chúng phát hiện sản phẩm “dở tệ” thì nỗ lực xây dựng niềm tin nơi công chúng của DN coi như vô ích.
Trong lĩnh vực truyền thông bán lẻ, câu chuyện PR lại càng phải được chăm chút hơn ở cách kể, có thể thay đổi giọng điệu, thời gian hay nơi kể tùy theo từng vùng, miền bởi đặc trưng của bán lẻ là hệ thống các cửa hàng rộng khắp, tính địa phương hóa rất cao.
Một câu chuyện hay ở TP.HCM chưa chắc đã được tán dương ở Hà Nội. Một giọng điệu thú vị ở miền Trung có khi gây khó hiểu ở miền Bắc.

Đối tượng đa dạng
Các nhóm công chúng mục tiêu của bán lẻ rất đa dạng, bao gồm: các nhóm khách hàng mục tiêu, các nhà phân phối, chính phủ, chính quyền địa phương…, trong đó nhóm khách hàng mục tiêu được cho là ưu tiên hàng đầu.

Ngoài ra, các nhà phân phối cũng đóng vai trò quan trọng, tạo nền tảng cho việc hợp tác kinh doanh được tiến hành thuận lợi hơn. Do đặc trưng tản mác theo từng vùng, miền và trải rộng trên toàn quốc, việc quản lý thông điệp và hình ảnh của công ty/tập đoàn cũng sẽ gặp nhiều khó khăn hơn.
Nếu giao cho mỗi siêu thị tự quản lý sẽ xảy ra tình trạng không đồng nhất, đặc biệt khó kiểm soát hiệu quả và không có lợi về ngân sách.

Vì vậy, cách làm thông thường của những chuỗi bán lẻ lớn là tạo ra một chiến dịch PR hướng đến lợi ích chung mà người vùng nào cũng cần, thông qua các kênh truyền thông mà đối tượng nào cũng dễ dàng tiếp cận.
Nếu PR đối ngoại gắn liền với xây dựng hình ảnh tập đoàn hay tổ chức với bên ngoài, thì PR đối nội sẽ tập trung xây dựng các mối quan hệ bên trong tổ chức, thông thường sẽ được phối hợp chặt chẽ với công đoàn hay phòng nhân sự của tổ chức đó.

Với những tập đoàn bán lẻ lớn có hàng ngàn nhân viên làm việc tại các siêu thị trên toàn quốc hoặc toàn cầu thì PR đối nội càng quan trọng.
Những hoạt động này thường nhằm mục đích xây dựng các mối quan hệ bên trong tổ chức, giúp nhân viên hiểu được những chính sách mới của công ty, nâng cao tinh thần tập thể, tạo sân chơi chung cho toàn thể nhân viên.

Một trang web chung để mọi người cùng “vui sống”, các câu lạc bộ thể thao, văn hóa văn nghệ với các hoạt động bổ ích được tổ chức thường xuyên sẽ là chất xúc tác giúp mọi người gắn kết hơn, cảm thấy yêu quý công ty hơn, từ đó sẽ có khát vọng cống hiến nhiều hơn, đồng thời cũng tạo nền tảng cho việc phổ biến các chính sách mới sau đó. Nhiệm vụ này thường thuộc trách nhiệm của phòng nhân sự.
Tuy nhiên, với sự phối hợp của PR, các hoạt động hay thông điệp từ phía công ty sẽ được chấp thuận một cách khách quan hơn (ở các công ty bán lẻ, lượng nhân viên nghỉ việc, chuyển việc hay không đồng ý một quy định/chính sách mới xảy ra thường xuyên).
Ở một số tổ chức, khi PR đối nội được xác định là rất quan trọng thì bộ phận PR sẽ báo cáo trực tiếp với giám đốc nhân sự.

Dù là PR đối nội hay đối ngoại thì người làm công việc PR cần nhận thức đó phải là một quá trình đầu tư cho các mục tiêu dài hạn, chứ không thể đo đếm hiệu quả tức thời.
Một điều quan trọng khác, người làm PR phải hiểu rất rõ chính sách từ ban quản trị công ty, từ đó đưa ra chiến lược phù hợp, đồng thời cũng cần được sự hỗ trợ từ ban tổng giám đốc, là nơi trực tiếp đề ra các chiến lược.

Tóm lại, dựa trên số liệu của Bảng xếp hạng 500 DN bán lẻ hàng đầu châu Á – Thái Bình Dương năm 2009, có thể nói, thị trường bán lẻ tại Việt Nam còn nhiều tiềm năng.
Các DN bán lẻ ở Việt Nam như Sài Gòn Co.op, SJC, Nguyễn Kim… ngày càng đầu tư nhiều hơn cho thương hiệu. Các công cụ truyền thông cho bán lẻ cũng ngày càng đa dạng hơn, từ những hình thức truyền thống như: quảng cáo trên truyền hình, báo giấy, báo mạng, bảng hiệu ngoài trời… cho đến những hình thức mới như: tiếp thị số, tối đa hóa công cụ tìm kiếm…
Bên cạnh đó, trong ngành bán lẻ, việc giao tiếp diễn ra hằng ngày, xu hướng truyền thông “đối thoại” sẽ được ủng hộ nhiều hơn “độc thoại”. Và với xu hướng đó thì PR là mảnh đất tuyệt vời để khai phá, bởi có nhiều ưu thế trong việc truyền tải thông điệp “đi vào lòng người”.
 

Theo strategy