Đào tạo Khi bạn và công việc không cùng chiến tuyến

Khi bạn và công việc không cùng chiến tuyến

0
Không nằm cùng chiến tuyến đồng nghĩa với việc bạn và công việc giống như kẻ thù của nhau. Bạn mất ăn mất ngủ, lo lắng, bồn chồn và tinh thần luôn trong tình trạng căng như dây đàn. Làm gì để kết thúc địa ngục này đây?
Chú ý, chú ý và chú ý!
Các nhà nghiên cứu nghề nghiệp nói rằng: “Kẻ thù bên ngoài không đáng sợ bằng kẻ thù bên trong. Điều gì làm công việc trở nên căng thẳng? Đó chính là thái độ tiêu cực của bạn. Tiêu cực trong cách làm việc và tiêu cực trong thái độ tiếp nhận mọi thứ diễn ra. Điều này gần giống như việc bạn “trúng độc”. Nhưng độc dược này sẽ nhanh chóng bị đẩy tan khi bạn bắt đầu thay đổi thái độ của chính mình”.
Thay đổi thái độ bằng cách chú ý tới mọi thứ xung quanh, chú ý tới những gì diễn ra hàng ngày và học cách đón nhận nó một cách thân thiện nhất có thể. “Bạn biết đấy! khi bạn đón nhận mọi thứ bằng thái độ tích cực, bạn sẽ thấy công việc cũng không quá khó đến nỗi bạn không thể sống chung với nó. Và khi bạn chú ý nhìn nhận mọi thứ xung quanh, bạn cũng sẽ phát hiện ra những điều tốt đẹp ẩn bên trong, biết được những điều “cơ mật” và biết cách vận dụng nó vào những chiêu thăng tiến”.
Thưởng thức ba thú vui mỗi ngày
Ăn, ngủ, nghỉ. Ăn đủ bữa, ngủ đủ giờ và nghỉ ngơi, vui chơi hợp lý. Chuyên gia sức khỏe Anna nói: “Thưởng thức ba thú vui mỗi ngày không có nghĩa là bạn tiêu tốn toàn bộ thời gian vào nó mà cần phải phân bổ một cách khoa học. Theo như nghiên cứu, khi bạn ăn đủ bữa điều này sẽ giúp bạn có một sức khỏe dồi dào và một năng lượng mạnh mẽ để giải quyết mọi công việc. Khi bạn ngủ đủ giấc. Não bạn sẽ có thời gian nghỉ ngơi, năng lượng mất đi được phục hồi. Điều này giúp phát triển trí nhớ, không gây buồn ngủ, tinh thần sảng khoái và tránh tình trạng dễ nổi cáu. Một thú vui nữa bạn cần hưởng thụ là thư giãn và vui chơi. Dành 30 phút mỗi ngày để tập thể dục là cách tập luyện tốt nhất cho sức khỏe và tinh thần của bạn”.
Thiết lập lại lịch trình công việc
Bên cạnh việc tái tạo lại tinh thần bạn cũng cần thiết lập lại lịch trình công việc. Bắt đầu từ những việc “dễ thở”, sau đó là nặng dần lên. Mỗi ngày đến công ty, bạn nên dành thời gian để lên danh sách những việc cần làm. Tổ chức lại công việc cũng là một cách giúp bạn tiếp nhận nó một cách dễ dàng hơn. Bởi, khi bạn chán ngán công việc hiện tại nghĩa là mọi thứ với bạn đang “rối như tơ vò”. Vì vậy gỡ từng nút thắt là điều cần thiết.
Tích cực giao lưu
Đừng khép mình và cố chấp không mở lòng với tất cả mọi người. Tham gia các hoạt động của công ty, chuyện trò với đồng nghiệp và luôn thân thiện với tất cả mọi người. Có thể những điều này bạn đã nghe nhiều người nhắc đến nhưng làm được hay không lại phụ thuộc vào việc bạn có muốn làm hay không. Tích cực giao lưu với mọi người bạn sẽ thấy việc này rất hiệu quả và có lợi cho bạn. Không chỉ giúp bạn lấy lại “phong độ”, yêu công việc mà còn giúp bạn phát hiện ra những điều “cơ mật” của công ty. Biết đâu bạn sẽ tìm được con đường đến thành công thông qua những cuộc tán ngẫu tự do. Tuy nhiên, để làm được điều này bạn cũng cần vạch định rõ trong đầu mục tiêu của bản thân. Khi bạn đã có mục tiêu, bạn sẽ biết cách làm thế nào để đạt được mục tiêu ấy.

Theo Monster