Chiến lược Khi thương hiệu “con” tách khỏi “mẹ”

Khi thương hiệu “con” tách khỏi “mẹ”

5
Với các công ty lớn, sản xuất nhiều chủng loại hàng hóa, dịch vụ khác nhau thì việc xây dựng thương hiệu cá biệt cho từng loại sản phẩm của mình là điều dễ hiểu.

Nhiều người tiêu dùng chỉ biết tên các sản phẩm chứ không biết đó là sản phẩm của Unilever
Các thương hiệu riêng này không những có tác dụng tích cực khi mang các thông điệp về từng loại hàng hóa, dịch vụ cụ thể mà còn góp phần tạo tính riêng biệt, giúp người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn sản phẩm.
Các sản phẩm của Unilever, công ty hóa – mỹ phẩm hàng đầu thế giới là một ví dụ. Chỉ riêng các sản phẩm dầu gội, chúng ta cũng có thể kể được tên của một loạt sản phẩm như: Clear, Life buoy, Sunsilk,…
Ngoài ra còn rất nhiều những cái tên khác như: Comfort (nước xả vải), Ponds, Hazeline (mỹ phẩm), Vim (chất tẩy rửa), Close up (kem đánh răng)… Tất cả đều là những sản phẩm từ lâu được người tiêu dùng biết đến, tin dùng.
Tuy nhiên, không biết có phải vì sức mạnh thương hiệu con quá lớn hay không mà vẫn còn nhiều người không biết rằng các sản phẩm trên đều thuộc sở hữu của cùng một công ty.
Trong một buổi thảo luận, một sinh viên trường Kinh tế, trong bài thuyết trình của mình đã nhắc tới một công ty với cái tên là “Công ty OMO”. Bài thuyết trình của bạn ấy nói về sản phẩm bột giặt OMO.
Có thể vì cái bóng của thương hiệu con quá lớn, bạn ấy đã không hề biết rằng đó chỉ là tên một sản phẩm, một thương hiệu cá biệt của công ty Unilever.
Một sinh viên, người được học nhiều mà còn có thể nhầm lẫn vậy, có lẽ sẽ còn khá nhiều người cũng bị nhầm lẫn tương tự.
Trên bao bì của hầu hết các sản phẩm do Unilever sản xuất có một điểm chung là tên thương hiệu cá biệt được thể hiện rất rõ ràng, dễ nhận biết ở mặt trước của bao bì; trong khi đó tên công ty lại được đặt tại một vị trí khá khiêm tốn, ở mặt sau, nằm lọt thỏm giữa các dòng chữ nhỏ của các mục hướng dẫn sử dụng, thành phần…
Vậy nên, không khó hiểu khi có nhiều người đã sử dụng sản phẩm cả chục năm vẫn không biết nó do công ty nào sản xuất.
Thời gian gần đây, đối thủ “không đội trời chung” của Unilever là P&G đã có một cách thể hiện khác trong cùng một mục đích nâng cao sức mạnh thương hiệu.
Trong các quảng cáo của P&G trên truyền hình, sau phần chính là giới thiệu sản phẩm, công ty đã không quên nhắc cho người xem biết tên, logo của công ty mình. Chỉ mất không quá 1 giây cho việc này nhưng hiệu quả mà nó mang lại có thể rất lớn.
Mỗi thương hiệu, dù là thương hiệu cá biệt hay thương hiệu chung đều là tài sản của công ty, chúng tác động qua lại và có ảnh hưởng trực tiếp tới hình ảnh của công ty. Khi sự gắn kết giữa thương hiệu cá biệt và thương hiệu gốc quá lỏng lẻo, điều gì sẽ xảy ra?
Nếu thương hiệu cá biệt đó không tốt, điều này có vẻ may mắn cho thương hiệu mẹ và các thương hiệu cá biệt khác trong công ty, chúng không phải chịu tiếng xấu theo. Nhưng ai làm thương hiệu lại không muốn thương hiệu mình có tiếng tốt!
Nếu đó là một thương hiệu được người tiêu dùng ưa chuộng, yêu thích, quả là rất đáng tiếc khi tồn tại liên kết lỏng lẻo kia, thương hiệu mẹ khi đó sẽ khó mà được hưởng “tiếng thơm” từ nó, và ngược lại.

Theo doanhnhan.net