Đào tạo 4 kiểu tự ‘lừa gạt’ bản thân trong công việc

4 kiểu tự ‘lừa gạt’ bản thân trong công việc

8
Bận rộn từ sáng đến tối, làm nhiều việc cùng một lúc…những điều đó có thể khiến bạn tự tin rằng mình làm việc với năng suất cao. Nhưng thực tế có thể không phải như vậy. 
Dưới đây là 4 trường hợp bạn tự “lừa gạt” bản thân về năng suất lao động của mình:
1. “Tôi bận rộn cả ngày, vì vậy năng suất lao động của tôi chắc chắn rất cao”
Một ngày qua đi với cảm giác bận rộn sẽ khiến bạn lầm tưởng về năng suất của mình. Thực tế, trong giờ làm việc bạn có thể đã sử dụng rất nhiều thời gian cho các hoạt động khác như đọc báo, tán gẫu với đồng nghiệp hay sử dụng Facebook…
Ngay cả khi bạn dành hết thời gian để làm việc nhưng nếu không tập trung thì cuối ngày bạn cũng hiếm khi hoàn thành được công việc gì.
Giải pháp: Lên danh sách những việc đã hoàn thành
Để đảm bảo rằng mỗi ngày bạn đã thực hiện được những nhiệm vụ quan trọng, hãy giữ thói quen “lập danh sách những việc đã hoàn thành”. Nhìn vào danh sách này bạn sẽ đánh giá được năng suất làm việc thực sự của mình: Liệu bạn đã sử dụng thời gian hợp lý? Hôm nay bạn có thể làm gì để tiến bộ hơn hôm qua?
2. “Tôi làm được rất nhiều việc cùng một lúc”
Vừa trả lời email, vừa lập báo cáo ngân sách, vừa nghe tin tức thời sự…Cùng một lúc làm nhiều việc khiến bạn rất tự tin vào năng suất của mình.
Nhưng thực tế, điều đó có thể là nguyên nhân khiến bạn không đạt được hiệu quả cao nhất cho từng công việc. Nghiên cứu chỉ ra rằng khi bạn cố gắng tập trung vào quá nhiều thứ cùng một thời điểm, bạn mất đi khả năng chọn lọc và ghi nhớ những thông tin quan trọng.
Giải pháp: Tập trung giải quyết từng nhiệm vụ
Mặc dù việc giải quyết từng việc một thay vì làm rất nhiều việc cùng một lúc như trước đây khiến bạn có cảm giác năng suất lao động giảm, nhưng thực tế nó sẽ đem lại hiệu quả hơn rất nhiều.
Để từ bỏ thói quen cũ, bạn hãy lập một danh sách những việc cần làm theo thứ tự ưu tiên. Giải quyết từng nhiệm vụ theo mức độ quan trọng và cần thiết. Sau một thời gian, bạn sẽ thấy cách làm việc này thật sự hiệu quả.
3. “Tôi làm mọi việc mà không cần thời khóa biểu”
Một số người có thói quen làm việc mà không cần lập kế hoạch, họ sẽ giải quyết bất kỳ vấn đề gì cần thiết hoặc xuất hiện trong đầu ngay lúc đó.
Việc có một thời khóa biểu mở và kinh hoạt khiến nhiều người “lừa gạt” bản thân rằng năng suất lao động của mình rất tốt. Tuy nhiên việc lập kế hoạch sẽ giúp bạn không lãng phí thời gian khi phải đối phó với một “núi” công việc trước mắt.
Giải pháp: Tập trung vào nhiệm vụ quan trọng
Thay vì lập một thời khóa biểu quá chi tiết cho từng việc trong ngày, bạn chỉ cần tập trung vào những mục tiêu quan trọng. Điều đó sẽ giúp bạn tránh được sự phân tâm và đạt được hiệu quả nhất trong công việc của mình.
4. “Đừng lo lắng, mai tôi sẽ làm việc đó”
Công việc phải hoàn thành trong ngày hôm nay, nhưng bạn trì hoãn làm điều đó sang ngày mai, ngày kia…Trong suy nghĩ của mình, bạn nghĩ rằng chắc chắn cuối cùng bạn sẽ giải quyết vấn đề đó thôi.
Giải pháp: Tìm một “giám sát viên”
Bạn lập danh sách công việc hàng ngày, nhưng nếu không ai biết điều đó bạn có thể thực hiện hoặc không tùy theo sở thích. Vì vậy, để đạt được hiệu quả, bạn nên tìm cho mình một người bạn “cùng tiến”. Hai người có thể “giám sát” lẫn nhau, đưa ra phản hồi và cùng động viên nhau cố gắng.

Theo NDHMoney