Đào tạo Bạn đã sẵn sàng để khởi nghiệp chưa?

Bạn đã sẵn sàng để khởi nghiệp chưa?

4
Trên thế giới có hàng trăm ngàn người tự đứng ra tự khởi nghiệp kinh doanh. Có người thành công, không ít kẻ thất bại. Đa số họ thất bại vì chưa trang bị sẵn sàng 3 yếu tố cơ bản: Tính cách; Biết rõ điểm mạnh, yếu của mình; Dám dấn thân để đạt mục tiêu.

Tính cách:
Luôn “yêu thích” phục vụ người khác: Điều hành một doanh nghiệp (DN) đòi hỏi bạn phải “vật lộn” giữa yêu cầu khắt khe của khách hàng và nhân viên. Khách hàng luôn đòi hỏi chất lượng cao hơn trong khi nhân viên của bạn cũng luôn đòi hỏi những điều kiện làm việc tốt nhất. Liệu bạn có sẵn sàng để làm “đày tớ” cho cả hai? Chỉ có bạn mới trả lời được câu hỏi này.
Tự tin trước mọi thách thức: Một tính cách khác nữa luôn có chung ở các nhà DN là họ luôn rất tự tin: tin vào bản thân vào ý tưởng của họ, …
Kiên trì lôi kéo nhà đầu tư: Các nhà DN đều có khả năng lôi kéo được tiền đầu tư từ các nhà đầu tư. Tôi đã từng chứng kiến cảnh một nhà khởi nghiệp thuyết phục người khác đâu tư cho dự án của họ. Họ thực sự làm tôi bị sốc với cách họ trình bày vấn đề!
Biết rõ điểm mạnh, yếu
Hãy lập cho bạn một bản lý lịch, phân tích những tính cách của mình y như bạn đi dự một cuộc phỏng vấn vậy. Hãy nhớ, một trong những công việc sau này bạn phải làm thường xuyên trong ngày là phỏng vấn nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp và cả báo chí…
Một khi đã biết rõ điểm mạnh và điểm yếu của mình, hãy đi tìm và thuê một người có những điểm có thể bù đắp khiếm khuyết của bạn. Hãy trân trọng người đó, vì mất họ DN của bạn khó lòng đứng vững được.
Dám dấn thân mạo hiểm!
Liệu bạn có dám nói một cách danh dự rằng “Tôi sẵn sàng đầu tư tiền bạc, tư trang, thời gian dành cho gia đình để có được số vốn ban đầu và hy vọng rằng tôi sẽ đạt được kết quả mong đợi, cho dù nhân viên cũng như khách hàng ai nấy cũng chỉ chực chờ kiếm lợi từ tôi?”
Có một điều khá thú vị là yếu tố dẫn đến quyết định khởi nghiệp của một số người đa phần lại bắt nguồn từ một chuỗi những chán chường trong công việc trước đó. 
Làm gì thì làm, bạn cần phải có một mục tiêu để phấn đấu, để kiểm soát hành động của mình. Mục tiêu đó cần cụ thể, lạc quan nhưng thực tế. Bạn phải đề ra hai dạng mục tiêu: ngắn hạn và dài hạn.
Ngoài ra, hãy quan tâm tới cái tôi của mình. Nếu bạn khởi nghiệp vì cái tôi thì hãy chọn cho mình một nghề nghiệp phù hợp với cái tôi đó.

Theo Chuyên san Trí Tri