Chiến lược Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia: Lợi kép

Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia: Lợi kép

6
Mức độ xếp hạng tín nhiệm quốc gia do các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế như Moody’s, Standards and Poors và Fitch đánh giá, cho biết mức độ rủi ro của môi trường đầu tư của các nước và xác suất tương đối một nước “con nợ” nào đó sẽ mất khả năng trả nợ.
Ảnh minh họa

Không chỉ với Việt Nam mà còn với hầu hết các nước trên thế giới, mức độ xếp hạng tín nhiệm quốc gia đóng vai trò rất quan trọng. Điều này là do đa phần các nước đang và sẽ phải đi vay mượn trên thị trường trái phiếu quốc tế, và do đó cần phải được đánh giá tín nhiệm để làm cơ sở cho các chủ nợ xác định lợi suất trái phiếu mà các nước này phát hành.
Mức độ xếp hạng tín nhiệm quốc gia – do các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế như Moody’s, Standards and Poors và Fitch đánh giá – đóng vai trò quan trọng, không chỉ với Việt Nam mà còn với hầu hết các nước trên thế giới

Xếp hạng tín nhiệm quốc gia của một nước nào đó còn quan trọng bởi ngoài chính phủ nước đó ra thì các doanh nghiệp đóng tại nước đó cũng phải đi vay mượn trên thị trường vốn quốc tế, và do đó xếp hạng tín nhiệm quốc gia của nước đó cũng sẽ gây ảnh hưởng lên xếp hạng tín nhiệm của từng doanh nghiệp đi vay này. Cụ thể hơn, các hãng xếp hạng tín dụng hiếm khi đánh giá tín nhiệm một chính quyền địa phương hay một doanh nghiệp nào đó bằng hoặc cao hơn tín nhiệm quốc gia của nước đó.

Bên cạnh lợi suất, xếp hạng tín nhiệm quốc gia, và, xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp còn quyết định mức lãi suất, địa chỉ được vay cho từng loại doanh nghiệp. Chẳng hạn, với ngân hàng thương mại ở EU muốn đi vay Ngân hàng Trung ương EU là ECB một khoản tiền nào đó, thì ECB sẽ dựa trên xếp hạng tín nhiệm của ngân hàng thương mại đó để quyết định lượng trái phiếu chính phủ ngân hàng thương mại này phải thế chấp tại ECB.
Ngược lại, một số doanh nghiệp, định chế ở một quốc gia có thể bị chi phối bởi những chế tài trong nước đó, như chỉ được đầu tư và/hoặc nắm giữ những trái phiếu và giấy tờ có giá có hạng tín nhiệm vượt trên một ngưỡng xác định. Do đó, nếu xếp hạng tín nhiệm quốc gia của một nước, và xếp hạng tín nhiệm của các doanh nghiệp nước đó bị đánh tụt xuống một ngưỡng xác định thì một số tổ chức đầu tư sẽ không (được) mua trái phiếu của quốc gia và doanh nghiệp nước đó.
Quan trọng không kém là xếp hạng tín nhiệm quốc gia còn được dùng để hấp dẫn FDI. Để kêu gọi đầu tư nước ngoài, nhiều quốc gia đã chủ động yêu cầu các hãng xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá tín nhiệm cho mình để cho nhà đầu tư tiềm năng thấy mức độ minh bạch hóa tài chính cũng như mức độ đáng tin cậy của môi trường đầu tư của mình.
Để đánh giá tín nhiệm, các hãng xếp hạng tín nhiệm thường dựa trên nhiều chỉ tiêu chính trị, xã hội và kinh tế. Các chỉ tiêu này thường là thu nhập bình quân đầu người, tăng trưởng GDP, lạm phát, cân đối ngân sách, cán cân đối ngoại, nợ nước ngoài, trình độ phát triển của nền kinh tế, lịch sử vỡ nợ, và cả những thông tin không công bố mà các hãng xếp hạng có được.
Nhìn chung, các hãng xếp hạng tín nhiệm có những phương pháp phân tích và lý giải khác nhau, do đó có nhiều trường hợp có chênh lệch trong xếp hạng tín nhiệm của cùng một nước nhưng do các hãng xếp hạng tín nhiệm khác nhau đánh giá.
Trong trường hợp Việt Nam, Moody’s mới đây đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia lên một nấc ở mức B1 (tuy vẫn ở dưới mức đầu tư 4 nấc, và là mức có rủi ro cao), còn Fitch thì cho biết ý định nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam lên BB- (3 nấc dưới mức đầu tư) trên cơ sở cải thiện về cán cân đối ngoại và nền tảng kinh tế nói chung trong thời gian 12 đến 18 tháng tới. Trong khi đó thì Standards and Poors chưa có động tĩnh gì, tuy xếp hạng của họ dành cho Việt Nam đã ở mức BB-.
Nếu tình hình kinh tế vẫn tiếp tục có những cải thiện về nền tảng kinh tế vĩ mô trong thời gian tới thì rất có thể Fitch và thậm chí là cả Standards and Poors sẽ có những động thái nâng hạng tín nhiệm của Việt Nam.
Như đã nói ở trên, sự cải thiện về xếp hạng tín nhiệm này sẽ đem lại nhiều kết quả tích cực cho Chính phủ Việt Nam nói chung và doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, thể hiện ở lợi suất trái phiếu do chính phủ hoặc doanh nghiệp Việt Nam phát hành sẽ giảm đi (tức chi phí đi vay sẽ giảm đi), nhu cầu nắm giữ trái phiếu do chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam phát hành của nhà đầu tư cả trong và ngoài nước sẽ tăng lên.
Mặt khác, Việt Nam sẽ trở nên hấp dẫn hơn nữa với tư cách là điểm đến cho dòng vốn FDI khi môi trường đầu tư đã được cải thiện một bậc qua cái nhìn của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế.
Do đó, điều quan trọng là Việt Nam phải tiếp tục tích cực duy trì và cải thiện những yếu tố mà các hãng xếp hạng tín nhiệm đã lấy làm căn cứ cho các hành động đánh giá của mình với Việt Nam, mà cụ thể là cán cân đối ngoại (ở thế thặng dư nhờ tăng xuất khẩu những mặt hàng có giá trị cao, thâm dụng vốn, thay vì hàng hóa nguyên liệu thô), lạm phát được kiểm soát và ổn định trong thời gian gần 2 năm qua, tăng trưởng GDP tuy có giảm đi so với trước nhưng vẫn ở mức khá nếu so với những quốc gia đối chứng khác, môi trường hoạt động của hệ thống ngân hàng đã ổn định trở lại làm giảm khả năng phải cứu trợ từ ngân sách trên quy mô lớn v.v… để từ đó hy vọng sự cải thiện về xếp hạng tín nhiệm sẽ đến sớm hơn.

Theo DNSG