Kiến thức quản trị Khởi nghiệp gian khó từ salon tóc

Khởi nghiệp gian khó từ salon tóc

28
Từ lần đem cơm ra hiệu làm tóc giúp một chị hàng xóm, Tuấn thấy thích thú, tò mò với nghề sau đó quyết định theo đuổi giấc mơ và anh đã thành công.
Dương Thanh Tuấn đang là ông chủ một salon tóc quy mô lớn tại Sóc Trăng. Do gia đình khó khăn nên sau khi tốt nghiệp THPT, trong khi các bạn chuẩn bị kế hoạch thi tuyển đại học thì anh một mình anh khăn gói lên TP HCM để xây dựng sự nghiệp riêng.

“Tôi biết đến nghề tóc từ những lần mang cơm ra tiệm tóc giúp chị hàng xóm. Ban đầu thấy hay rồi thích và đam mê cứ lớn dần lên”, anh Tuấn nói.



Đến với nghề làm tóc cũng là duyên tình cờ của anh Tuấn.
Chủ tiệm tóc trẻ tuổi cho biết thời gian đầu nơi “đất khách quê người” với một thanh niên 18 tuổi, mọi thứ đều mới mẻ, gian nan và vất vả. Ban ngày anh vừa học vừa làm tại các tiệm tóc, đêm về anh tranh thủ tìm làm những việc khác để kiềm thêm thu nhập vừa trang trải cuộc sống vừa theo đuổi ước mơ trở thành một nhà tạo mẫu tóc chuyên nghiệp. “Cũng có những giai đoạn khó khăn đến mức tôi muốn từ bỏ nhưng đam mê với nghề đã giúp trụ vững”, anh chia sẻ.

May mắn đến khi anh giành được học bổng của học viện tóc Manonmano do các chuyên gia người Nhật trực tiếp đào tạo. Nhiệt huyết với nghề lại được các giảng viên chuyên nghiệp hướng dẫn từ kỹ thuật kéo, kiến thức về thuốc nhuộm, các sản phẩm hỗ trợ… tiếp thu được các kinh nghiệm quý ngay trong thời gian đào tạo, Tuấn được đánh giá cao khi các thiết kế của anh luôn có sự sáng tạo.

Anh cho biết, chỉ trong thời gian ngắn, không chỉ nắm bắt được những kỹ thuật khó từ các xu hướng mới nhất trên thế giới, anh còn học hỏi từ những chuyên gia người Nhật về thái độ phục vụ, chăm sóc khách hàng, tình yêu công việc và phương pháp giúp khách hàng cảm thấy thư thái trong suốt quá trình chăm sóc tóc.

“Tạo một kiểu tóc đẹp, hợp thời trang không hề đơn giản, mà kiểu tóc đó còn phải hợp với khuôn mặt, mái tóc phải thể hiện được cá tính và quan trọng nhất vẫn phải giữ được độ bóng, chắc khỏe cho tóc” chủ tiệm cho hay.

Sau gần 5 năm làm thuê tại các tiệm lớn tại TP HCM, năm 2009, Tuấn nghỉ việc và trở về Sóc Trăng để phát triển sự nghiệp riêng. Không có nhiều vốn, anh quyết định vay người thân vài chục triệu đồng để đầu tư salon tóc.

Anh cho biết, bắt đầu khởi nghiệp mọi thứ cũng không hề đơn giản, nhất trong điều kiện eo hẹp tài chính. Để thu hút sự quan tâm mọi người, anh tự mình đi phát tờ rơi quảng cáo.

“Tôi cũng khá lo lắng bởi là cửa tiệm mới mở nên khách hàng sẽ e dè với các dịch vụ của mình. Lần đầu làm ông chủ, số tiền kiếm được khá khiêm tốn nhưng lúc đó tôi vẫn thấy phấn khích và lạc quan về sự nghiệp của mình”, anh bộc bạch. Để cửa hàng tiếp tục được duy trì, anh luôn phải xoay sở tích góp từng đồng vừa để trả nợ vừa kịp thanh toán các chi phí hàng tháng.

Trong nhiều khách hàng đến với tiệm, anh cho biết kỷ niệm nhớ nhất là lần đầu làm tóc cho khách hàng là nữ doanh nhân hoặc lãnh đạo địa phương. Khi thấy họ bước xuống xe hơi, anh khá run bởi họ rất có gu thẩm mỹ rất cao. Nhưng khi tóc được tạo kiểu xong, nhận lại những nụ cười hài lòng từ họ khiến vị chủ tiệm trẻ tuổi “sung sướng, hạnh phúc”. Và đến lúc này, họ vẫn là những khách hàng thân thiết của tiệm.

Hiện Tuấn Hair Salon là một trong ít những tiệm tóc thành danh tại Sóc Trăng. Song không tự hài lòng với bản thân và những gì đang có, anh thường xuyên tham gia các khóa đào tạo trong nước và nước ngoài để cập nhật mới nhất xu hướng thời trang tóc.

Bên cạnh đó, anh còn đào tạo và hướng dẫn các bạn trẻ có cùng đam mê nghề tóc. Với những người có hoàn cảnh khó khăn đều được anh tạo cơ hội làm việc ổn định hoặc đào tạo lành nghề để có thể phát triển sự nghiệp riêng.

Chia sẻ về chặng đường 7 năm khởi nghiệp, ông chủ trẻ cho biết, điều quan trọng nhất với người làm nghề tóc ngoài các kỹ thuật cao còn là sự sáng tạo không ngừng “Vì mỗi khuôn mặt, tính cách lại phải thể hiện khác nhau, chỉ cần một lần làm sai là không chỉ mất khách hàng mà còn ảnh hưởng uy tín”, anh Tuấn nói.

Theo VnExpress