Con người Cho đi 99% tài sản, ván cược lớn nhất cuộc đời Warren...

Cho đi 99% tài sản, ván cược lớn nhất cuộc đời Warren Buffett

52

Buffett đã cam kết sẽ cho đi 99% tài sản (mà chủ yếu là cổ phiếu ở Berkshire) để làm từ thiện. Tuy nhiên sự hào hiệp đó cũng có thể làm suy yếu trụ cột thành công của Berkshire Hathaway, đó là cơ cấu quản lý và kiểm soát tập đoàn này.


Ảnh minh họa

Trong suốt sự nghiệp vĩ đại của mình, Warren Buffett đã có vô số lần đánh cược lớn. Trong khi thế giới tài chính đảo điên vì khủng hoảng tài chính năm 2008, ông lại quyết định đầu tư vào tập đoàn Goldman Sachs. Khi giá dầu lao dốc trong thời gian vừa qua, ông vẫn đặt cược vào ngành năng lượng.

Song các cổ đông của tập đoàn hùng mạnh Berkshire Hathaway lúc này có lẽ sẽ phải nghĩ về cuộc đánh cược lớn nhất trong cuộc đời của vị chủ tịch 85 tuổi này tại cuộc họp cổ đông hàng năm sẽ diễn ra vào ngày 30/4 tới tại Omaha.

Nhà tư bản có tấm lòng cao cả này đã nguyện dành 99% tài sản (chủ yếu dưới hình thức cổ phần Berkshire) cho các hoạt động thiện nguyện. Lòng hảo tâm vô bờ của ông sẽ giúp nâng cao giáo dục, y tế, xoá đói giảm nghèo, đem lại một lợi ích vô cùng to lớn cho xã hội trên toàn cầu. Tài sản của ông tại Berkshire ước tính có trị giá 66,4 tỉ USD.

Song sự hào hiệp đó cũng có thể làm suy yếu trụ cột thành công của Berkshire Hathaway, đó là cơ cấu quản lý và kiểm soát Berkshire. Buffett tin rằng hoạt động thiện nguyện của mình sẽ không làm phương hại bất kỳ chiến lược hay văn hoá nào đã trở thành nền tảng tạo nên thành công bấy lâu của công ty khuôn mẫu điển hình này. Tuy nhiên đó là một canh bạc lớn.

Warren Buffett và Charlie Munger vẫn đang là những “cổ đông kiểm soát” vì họ sở hữu lượng cổ phần rất lớn. Tính cả cổ phiếu Hạng A và B, Buffett hiện nay nắm giữ 33% quyền biểu quyết đối với Berskhire Hathaway.

Nếu Warren Buffet trao số cổ phiếu của mình cho quỹ của Bill Gates hay các quỹ từ thiện khác (ông đã bắt tay vào làm việc này từ năm 2006), thì quyền quản lý và kiểm soát công ty theo thời gian tất nhiên sẽ được trao lại cho nhiều chủ sở hữu.

Năm 2015, Warren Buffet đã trao 20,64 triệu cổ phiếu Berkshire Hạng “B” cho 5 tổ chức, đây là lần đóng góp lớn nhất của ông, nâng tổng số tiền quyên góp lên trên 21,5 tỷ USD. Kết quả của việc này là quyền kiểm soát Berkshire kết cục giảm dần.

Điều này làm dấy lên các câu hỏi về tương lai của Berkshire Hathaway. Khi cán cân quyền lực chuyển từ các nhà quản lý và cũng là chủ sở hữu sang các nhà đầu tư bên ngoài, liệu Berkshire có tăng cường chú trọng vào các kết quả hoạt động hàng quý?

Liệu các activitist investor (các nhà đầu tư mua số cổ phần lớn để có chân trong hội đồng quản trị của một công ty với mục đích tác động nhằm tạo sự thay đổi ở công ty đó) có đẩy Berkshire đến bờ vực tan rã không?

Liệu chiến lược đặc biệt của Berkshire có thay đổi khi tập đoàn này chuyển từ hình thức công ty giao dịch công khai sang loại hình công ty công hoàn toàn?

Theo thông tin được công bố đại chúng, Warren Buffett cũng đã “cân đo” những hậu quả từ công việc thiện nguyện của mình đối với Bershire sau khi ông qua đời. Khi trả lời cuộc phỏng vấn tạp chí Fortune vào năm 2006, Warren Buffett nói: “Tôi sẽ không trao tặng nếu những món quà này có thể gây thiệt hại đến các cổ đông của Berkshire bất kỳ dưới hình thức nào. Và điều đó cũng sẽ không xảy ra”.

Ai sẽ kế thừa Berkshire?

Nhiều năm qua, các nhà đầu tư luôn đặt ra câu hỏi điều gì sẽ diễn ra với tập đoàn Berkshire khi Buffett qua đời: Ai sẽ kế tục ông làm CEO và điều gì sẽ xảy ra với giá cổ phiếu Berkshire? Warren Buffett khẳng định rằng Berksire đang lên một kế hoạch kế thừa vững chắc. Tại cuộc họp cổ đông thường niên năm ngoái, ông tuyên bố sau khi ông qua đời, con trai ông Howard Buffett sẽ trở thành Chủ tịch Hội đồng Quản trị song không điều hành và không hưởng lương để đảm bảo việc tiếp tục văn hoá độc đáo của Berkshire.

Liệu Howard Buffett có khả năng đảm đương vai trò quán quân về giá trị để bảo vệ gia tài của cha mình trước những thách thức đối với chiến lược và các giá trị của Berkshire?

Có lẽ là không, không phải vì Howard Buffett có quá nhiều khuyết điểm mà vì ông không có cổ phiếu để hậu thuẫn.

Câu chuyện của Hewlett-Packard (HP) là bài học đắt giá. Năm 2001, khi Carly Fiorina (Tổng Giám đốc Điều hành lúc bấy giờ của HP) đề xuất Hội đồng Quản trị mua công ty máy tính Compaq, các cổ đông trong gia đình, đặc biệt Walter Hewlett, con trai nhà đồng sáng lập Bill Hewlett, với tư cách là thành viên hội đồng quản trị đã kịch liệt phản đối kế hoạch này. Đáp lại, HP đã công khai gạt bỏ ý kiến của Walter Hewlett.

Quyền lực thường đi theo cổ phiếu. Bằng cách quyên góp số cố phiếu của mình cho Tổ chức William & Flora Hewlett, Bill Hewlett vô tình tạo ra một khung pháp lý khiến con trai không thể can thiệp vào công tác quản trị. Thậm chí dù có sự hỗ trợ của những người thừa kế nhà Packard, những người nối dõi nhà Hewlett cũng không thể cản trở phi vụ Compaq. Tuy nhiên cuối cùng Walter Hewlett đã đúng: hoạt động của HP đã tổn thất sau phi vụ mua Compaq.

Làm từ thiện cũng phải biết cách

Trong khi đó Bill Gates, đồng sáng lập tập đoàn máy tính Microsoft, đã chọn lựa Quỹ Gates là nơi “hạ cánh”. Sau khi thành lập quỹ này vào năm 2000, Bill Gates đã giảm dần sự tham gia vào công tác quản lý Microsoft và từ chức chủ tịch vào năm 2014. Bill Gates cho biết tài sản của ông sẽ chỉ dành để “giúp mỗi người có cơ hội sống một cuộc sống mạnh khoẻ và có ích”.

Người giàu có nhất thế giới này không chỉ cam kết dành gia tài kếch sù của mình cho các mục đích thiện nguyện mà ông cùng với Warren Buffett đã phát động một phong trào khuyến khích các tỉ phú khác noi theo.

Trong gần 150 gia đình tham gia “Cam kết Thiện nguyện” phải kể đến nhiều tỉ phú là nhà sáng lập các công ty nổi tiếng như Intel, Oracle và Virgin. Các vị tỉ phú này là những nhà hảo tâm cao cả đang góp phần làm thay đổi thế giới và truyền cảm hứng cho những người khác.

Nhiều nhà sáng lập lại chọn cách làm khác để bảo vệ danh tiếng của doanh nghiệp mà họ đã dày công xây dựng. Đối với các công ty như Cargill, Bechtel, SC Johnson, các thành viên trong gia đình sẽ sở hữu, điều hành công ty và mang cả trách nhiệm đối với cộng đồng, sẵn sàng tham gia các hoạt động từ thiện.

Một số chọn cách làm từ thiện thông qua giải ngân hàng năm. Đây có thể là cách làm từ thiện có hiệu quả cao đồng thời các thành viên gia đình vẫn duy trì được lợi ích của việc quản lý chặt chẽ, điều mà Berkshire Hathaway sẽ thiếu.

Lần đặt cược này của Warren Buffett có thể hiểu theo hai cách. Ông nguyện trở thành một nhà hảo tâm cao cả nhất mọi thời đại, song đồng thời ông hy vọng thành công của Bershire mãi tồn tại sau khi ông qua đời.

Liệu Warren Buffet có dung hoà được xung đột giữa cái tâm thiện nguyện với việc giữ cho công ty vững mạnh? Thời gian sẽ là câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi này. Các nhà sáng lập khác, những người đang cân nhắc noi gương Warren Buffett, có thể cũng sẽ theo dõi sát sao sự kiện ngày 30/4 tại Omaha.

Theo Trí thức trẻ/CafeF