Đãi ngộ Cư xử nhân bản với đồng nghiệp

Cư xử nhân bản với đồng nghiệp

4
Tại nhiều doanh nghiệp, cư xử nhân bản với đồng nghiệp là một tiêu chí quan trọng của nhà quản trị.
“Cha mẹ tôi không bao giờ khiến tôi cảm thấy tôi khác với mọi người”. Lời tâm sự của Jessica Cox (25 tuổi, ở bang Arizona, Hoa kỳ) giúp mọi người hiểu rằng chính cha mẹ cô đã góp phần quan trọng giúp cô trở thành một nữ phi công đầu tiên trên thế giới điều khiển máy bay bằng chân. Cô bị dị tật bẩm sinh không có đôi tay, nhưng đã tự mình thích ứng để có thể làm được mọi việc bằng đôi chân của mình, thậm chí từng là vũ công và võ sĩ Taekwondo. Không bao giờ nói “Tôi không thể”, mà chỉ nói “Tôi chưa thử làm việc đó” là bí quyết thành công của cô.
Nếu nhân viên làm việc với quan điểm “không có gì là không thể” thì cũng sẽ đem lại nhiều thành quả cho doanh nghiệp. Và đó chính là sự thành công của nhà quản trị. Cư xử nhân bản được biểu hiện qua việc đối xử bình đẳng đầy thiện chí với người khác, không phân biệt bằng cấp, trong đó động viên khuyến khích để con người làm việc và sống tích cực hơn là một yếu tố đặc biệt quan trọng. Nhân viên cũng sẽ nể cấp trên hơn nếu cấp trên không phải là người “nịnh trên nạt dưới”, “thượng đội hạ đạp” và càng làm việc tận tụy hơn nếu cảm động vì cấp trên có thiện chí với mình.
Có một quản lý làm việc tốt, năng nổ, nhiệt tình nhưng nóng tính, thường hay la mắng nhân viên. Hơn nữa, một số nhân viên lâu năm còn biết rằng trước khi thăng tiến, người này có phần quỵ lụy cấp trên. Chính điều đó làm cho vị thế của nhà quản trị này không chắc chắn trong lòng nhân viên, góp phần làm gia tăng bất mãn giữa nhân viên và cấp trên mỗi khi có mâu thuẫn.
Có một doanh nghiệp lớn hoạt động trong một ngành đặc thù được đa số lao động trong ngành mong được về đầu quân. Đến khi có một chuyện “động trời” xẩy ra, có thể là một nhân viên giỏi sau nhiều năm cống hiến quyết định nghỉ việc vì một câu nói xúc phạm giữa đông người của quản lý trực tiếp, thì lập tức sự hấp dẫn của doanh nghiệp này giảm rõ.
Trái lại, có không ít nhân viên vẫn ở lại làm việc cho một doanh nghiệp trả lương không cao, dù được các đơn vị đối thủ mời mọc với mức lương cao hơn rất nhiều. Lý do đơn giản được chính người trong cuộc tâm sự: “Vì không muốn phụ kỳ vọng của tổ chức dành cho mình”.
Đó là đôi ba trong số nhiều lý do để cư xử nhân bản với đồng nghiệp là một tiêu chí quan trọng để đánh giá năng lực của cấp quản lý từ bậc trung trở lên tại các đơn vị có hệ thống quản trị nguồn nhân lực chuyên nghiệp. Những doanh nghiệp như thế thường có những bộ từ điển về năng lực cho nhân sự trong các lĩnh vực, cũng như cách thức chọn lựa tiêu chí năng lực cho từng vị trí, tùy thuộc vào đặc thù mô hình kinh doanh và chiến lược từng thời điểm.
Phong cách cư xử không hoàn toàn tùy thuộc tính cách cá nhân của con người. Kinh nghiệm cũng như kỹ năng, kiến thức trong giao tiếp thương mại có ảnh hưởng tích cực đến điều này mà cốt lõi có lẽ nằm ở châm ngôn “Hãy đặt mình vào vị thế người khác”.
Lại có ý kiến phản biện: “Vì sao cần cư xử tốt trong nội bộ hơn bên ngoài, trong khi chính sự giao tiếp với bên ngoài mới góp phần thể hiện hình ảnh của thương hiệu?”. Giải thích của một chuyên gia là giới chủ không cần thiết phải quan tâm chi tiết các mối quan hệ và sự ứng xử mang tính chất cá nhân của nhân viên, trừ khi họ mang danh nghĩa của doanh nghiệp. Trong khi đó chính những mối quan hệ nội bộ là yếu tố quan trọng để thúc đẩy hoặc khiến kìm hãm kết quản công việc của tổ chức.
Trong một khía cạnh khác, việc duy trì tốt các mối quan hệ giữa những đồng nghiệp tương đương cấp bậc (đặc biệt đối với cương bị lãnh đạo) là một nhân tố quan trọng của thành công, thành công của cá nhân lẫn thành công của tập thể.
Ở lát cắt cao hơn, đối với vai trò lãnh đạo cao cấp của doanh nghiệp, loại trừ những cuộc ganh đua quyền lực và mâu thuẫn khó hàn gắn giữa các cấp quản lý, việc duy trì cơ chế cạnh tranh lành mạnh là điều tối cần thiết. Nếu không, tiến độ công việc và hiệu suất làm việc sẽ bị những sức ỳ do mâu thuẫn nội bộ kìm hãm lại. Điều này tuy thuộc phạm trù văn hóa doanh nghiệp nhưng vẫn cần những công cụ quản lý chuyên nghiệp để gia giảm, ‘nêm nếm” các “gia vị” để tạo thành một “bữa tiệc” văn hóa doanh nghiệp hấp dẫn giúp các nhân viên phát huy cao độ năng lực của mình.