Tuyển dụng Thu nhập ngoài lớn và nhiều cơ hội khác khiến nhiều người...

Thu nhập ngoài lớn và nhiều cơ hội khác khiến nhiều người vẫn muốn xin làm Nhà nước

0

Lương thấp nhưng nhiều người vẫn muốn vào Nhà nước là vì thu nhập ngoài lương rất lớn và còn nhiều cơ hội khác…


Ảnh minh họa
Người ta lâu nay vẫn nhắc đến một nghịch lý “Bảo là tiền lương chết đói” nhưng đa số cán bộ, công chức vẫn sống đàng hoàng; kêu là tiền lương quá thấp nhưng để vào được biên chế lại cực kỳ khó khăn và không ít trường hợp phải chạy chọt, tốn kém tiền chục triệu, trăm triệu mới vào được cơ quan Nhà nước.

Giải thích nghịch lý này, TS Đặng Đức Đạm – Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục nghề nghiệp, nguyên Phó trưởng ban Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính Phủ – Văn phòng Chính phủ- cho rằng: Sở dĩ, người ta muốn vào Nhà nước là vì thu nhập ngoài lương rất lớn; Nhiều khoản thu nhập chưa đưa vào lương (nhà ở, xe cộ, điện thoại…) Lợi thế không phải vật chất (cơ hội học tập, uy tín)…

Ông Nguyễn Trọng Điều – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nguyên là Trưởng ban Biên tập Đề án cải cách tiền lương năm 2004, cho rằng, xem xét tiền lương phải đi từ năng suất lao động, hiện nay đang rất thấp. Riêng đối với khu vực công, đội ngũ công chức, viên chức rất đông, năng suất lao động lại thấp. Đó là cái chúng ta phải tính đến. Một lý do nữa là chúng ta quản lý thu nhập chưa tốt cho nên tuy lương thấp nhưng thu nhập ngoài lương cao, nên người ta mới đổ dồn vào thi công chức. Ngoài tiền lương, còn có thu nhập khác.

Thang bảng lương trong các cơ quan hành chính sự nghiệp có cùng chung sàn lương với lương tối thiểu được hay không? Trả lời câu hỏi này, ông Điều cho rằng, cách chúng ta giải quyết như hiện nay thì lương tối thiểu của công chức và doanh nghiệp có khác nhau. Lý do là hệ thống công vụ không thật hoàn chỉnh, nền kinh tế chưa phải là thị trường hoàn hảo nên khu vực doanh nghiệp và Nhà nước là khác nhau. Chúng ta chưa hoạch định được một cách đầy đủ nên lương công chức thấp thế chứ thấp nữa họ vẫn vào.

Ông Điều khẳng định, tiền lương khu vực hành chính công liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó có việc tổng biên chế quá lớn và năng suất lao động lại không cao. Nếu ta tính lương tối thiểu theo giờ thì “công chức sẽ lôi thôi đấy”. Bởi có nhiều công chức có năng suất làm việc thấp. Do trình độ của nền hành chính nước mình như thế thì phải tìm cách khắc phục.

“Phải nâng cao năng suất lao động. Khi làm việc có năng suất thì chỉ cần ít người. Cần hoạch định được là với khối lượng công việc như thế của công chức để phục vụ người dân thì cần bao nhiêu người và người đó có trình độ, chất lượng như thế nào để xứng đáng. Bây giờ cứ kéo cả làng vào làm công chức thì không được” – ông Điều nói.

Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 7,5 triệu người hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách Nhà nước (chiếm khoảng 8,3% dân số). Trong khi đó, tỷ lệ này ở Trung Quốc chỉ chừng 2,8%. Tinh giản biên chế từ lâu đã được đặt ra như một yêu cầu cấp bách nhưng càng hô hào, càng thực hiện thì bộ máy lại càng phình to, cồng kềnh. Nguyên nhân của tình trạng này, theo Bộ Nội vụ, là do nể nang, ngại va chạm, thậm chí có cả “này khác”.

Thực tế, từ địa phương cho tới các cơ quan ban ngành ở trung ương thì dạng “cha truyền con nối”, “con ông cháu cha” chiếm tỷ lệ không nhỏ trong biên chế. Vào biên chế thường có 2 dạng chính: Thứ nhất, tìm nơi màu mỡ, béo bở để đục khoét; thứ hai, vào để chắc chăn, có cuộc sống bình bình song yên ả, “mưa không tới mặt, nắng không tới đầu”. Loại thứ hai có thể là số đông nhưng gây bức xúc và làm nguy hại cho đất nước, cho xã hội, người dân là loại thứ nhất. Chính những vấn nạn từ sự nhũng nhiễu, quan lieu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi cho tới chạy chỗ làm, chạy chức, chạy quyền… đều từ cái gốc này mà ra.

Bộ máy nhà nước đã phình to hơn lúc nào hết, mà hiệu lực, hiệu quả quản lý lại ngày càng xuống cấp. Nhưng liệu những người không làm được việc có bị loại ra khỏi bộ máy? Nguyên Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình đã tỏ ra bất lực khi ông nói trước Quốc hội rằng, ông đã “âm thầm” đi khắp 63 tỉnh thành trong cả nước để kiểm tra, đốc thúc khâu tổ chức cán bộ trong hệ thống nhưng tiếc thay những nỗ lực đó bất thành.

Thống kê từ Bộ Nội vụ, ở cấp trung ương có 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 8 cơ quan trực thuộc Chính phủ. Số lượng cấp phó “mọc lên tới mức báo động: có vụ có 30 người thì có 24 người là vụ trưởng, hàm vụ trưởng, vụ phó, hàm vụ phó, còn lại số rất ít là chuyên viên… Bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả chính là nguyên nhân lãng phí.

Giải quyết bài toán lương và tăng lương trong các cơ quan Nhà nước hiện nay mà chỉ “loay hoay” tìm cách thiết kế lại hệ thống tiền lương thì không có lối ra. Vì thế, ngoài việc phải đi vào những vấn đề của bản thân hệ thống tiền lương thì còn phải làm rốt ráo cả những vấn đề vượt khỏi tầm của hệ thống tiền lương công chức nhà nước nhưng có ý nghĩa quyết định đến thành bại của công cuộc. Chứ như hiện nay, xây dựng xong hệ thống thang bảng lương phù hợp rồi lại nhìn vào túi ngân sách thấy không đáp ưng được thì lại “gọt” bớt đi.

Theo VOV