Tuyển dụng Cách trả lời câu hỏi điểm yếu của bạn là gì trong...

Cách trả lời câu hỏi điểm yếu của bạn là gì trong phỏng vấn xin việc

20
Một nhà tuyển dụng hàng đầu vừa chia sẻ rằng chỉ có một cách tốt để trả lời cho câu hỏi về điểm yếu lớn nhất của bạn, vốn thường được gặp trong phỏng vấn tuyển dụng.


Ảnh minh họa

Theo trang Quartz, câu trả lời của Ambra Benjamin, nhà tuyển dụng kỹ sư cho hãng Facebook, xuất hiện lần đầu trên trang hỏi đáp Quora. Trong một buổi phỏng vấn xin việc, liệu câu “Điểm yếu lớn nhất của bạn là gì?” có phải là cơ hội hoàn hảo để khoe khoang? Dưới đây là phần trả lời của Ambra Benjamin.

Tôi sẽ bắt đầu bằng cách nói rằng: Đây là câu hỏi kinh khủng, nhưng sẽ là một trong những câu bạn gặp phải trong sự nghiệp của mình. Vì thế, tốt hơn hết là bạn nên chuẩn bị lời đáp.
Câu này thực tế không hề thú vị. Nó vô cùng nhàm chán. Hãy nghĩ đến cảnh nó phổ biến đến mức nào và nhà tuyển dụng phải nghe bao nhiêu lần những câu trả lời như “Tôi có thể quá mức cầu toàn”. Ngay cả khi gõ ra những dòng trên, tôi cũng đã tự thấy mình hơi “nổ” một chút. Một cách trả lời khác cho câu khuyết điểm lớn nhất là “Tôi nhận quá nhiều trách nhiệm và không thể giao phó nó lại”.
Tôi muốn nói rõ rằng không biết cách giao phó trách nhiệm và là một người cầu toàn chắc chắn là điểm yếu. Thất bại trong chuyện phân chia trách nhiệm có thể khiến công việc không được hoàn tất, dẫn đến chuyện thiếu khả năng ưu tiên nhiệm vụ hay trở thành một thành viên làm việc nhóm. Cầu toàn có thể khiến bạn suy nhược, là nguyên nhân của sự trì hoãn đáng kể. Cả hai câu trên đều không phải là lời đáp bạn nên đưa ra khi được hỏi về điểm yếu. Đây là lý do: “Bạn luôn phải bắt đầu từ mục tiêu cuối cùng khi đánh giá câu trả lời của mình trong một buổi phỏng vấn. Người phỏng vấn hỏi bạn câu này để nhận được tín hiệu có giá trị về sự tự nhận thức của bạn”.
Hiểu điểm yếu của mình là quan trọng. Nếu nhắc đến khuyết điểm, không có gì thể hiện sự thiếu tự nhận thức hơn là kiểu “nổ ngược”. Có thể, cầu toàn thực sự là điểm yếu lớn nhất của bạn. Bỏ qua nó, đến với điểm yếu thứ nhì, thậm chí là thứ ba. Chuyện này dễ thôi. Cá nhân tôi có thể nghĩ ra cả danh sách những điều mà tôi có thể cải thiện. Hãy thể hiện cho nhà tuyển dụng rằng bạn nhận thức được bạn đang làm gì, đưa câu trả lời phù hợp để họ bắt được tín hiệu. Nếu bạn không thể nghĩ ra được vài thiếu sót của bản thân trong vài giây, vậy thì chính xác bạn đang làm gì để cải thiện chính mình?
Ai cũng có khuyết điểm. Một số điểm yếu chúng ta nhận ra, một số lại không. Đôi khi tôi ước rằng các ứng viên xin việc sẽ vượt qua được nỗi sợ hãi về cái nhìn xấu để chia sẻ điểm yếu thực sự trong buổi phỏng vấn với sự tự tin. Không ai bắt bạn thừa nhận rằng bạn chẳng bao giờ hoàn tất được công việc đúng hạn. Điều đó có thể làm bạn tuột cơ hội được tuyển dụng. Song biết điểm mạnh và điểm yếu cho thấy rằng bạn có tự nhận thức về bản thân, đang trên đà phát triển để trở thành nhân viên tốt hoặc chuyên gia trong lĩnh vực của mình.
Khi ứng viên dùng câu hỏi này để chèn vào yếu tố khoe nhẹ, tôi thấy nó rất giả. Thực sự mà nói, tôi sẽ rất thận trọng khi làm việc cho một nhà tuyển dụng nào đó không nhận tôi vào làm chỉ vì tôi thành thật chia sẻ khuyết điểm của mình. Tôi không chắc đó là công việc mà tôi muốn có.

Theo Báo Thanh Niên