Chiến lược Thị trường nông thôn, tiềm năng lớn cho hàng tiêu dùng

Thị trường nông thôn, tiềm năng lớn cho hàng tiêu dùng

77

Ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) tại 6 thành phố lớn của Việt Nam (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Cần Thơ, Nha Trang và Đà Nẵng) đã chững lại trong quý III/2016 với mức tăng trưởng 4,3% so với cùng kỳ năm 2015.  


Ảnh minh họa

Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ mức tăng trưởng sản lượng với 3,5%, theo báo cáo Market Pulse mới được công bố bởi Nielsen Việt Nam, công ty toàn cầu về nghiên cứu và đo lường hiệu quả hoạt động. Tương tự, tại thị trường nông thôn, ngành hàng này cũng không còn duy trì tốc độ phát triển mạnh như những năm trước.

Đó là với ngành hàng FMCG, còn đánh giá chung về thị trường nông thôn, bà Vũ Kim Hạnh – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) cho rằng, thị trường nông thôn chiếm đến 70% dân số cả nước, chiếm hơn 50% GDP.

Người dân khu vực nông thôn có nhu cầu mua sắm cao gấp 3 lần so với thành thị. Đây chính là tiềm năng lớn để các doanh nghiệp khai thác.

Cùng nhận định này, ông Nguyễn Anh Dũng – Giám đốc, Trưởng Bộ phận Đo lường bán lẻ của Nielsen Việt Nam cũng cho rằng, đã đến lúc các nhà sản xuất phải bước ra khỏi vùng an toàn (6 thành phố lớn) để nắm bắt các cơ hội phát triển thị trường và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển lâu dài. Nông thôn, vùng đất chưa được khai thác nhiều nhưng đầy tiềm năng sẽ là khu vực mà các nhà sản xuất cần phải tấn công.

Theo lý giải của ông Dũng, cộng đồng nông thôn Việt Nam hiện chiếm 68% của hơn 90 triệu dân và khu vực này đóng góp vào 51% doanh số bán hàng tiêu dùng nhanh. Người dân nông thôn hiện nay đang ưu tiên đầu tư vào giáo dục, và đang có sự tăng trưởng thu nhập vào khoảng 44% trong 3 năm qua.

Các chuyên gia nghiên cứu thị trường cho rằng, người tiêu dùng nông thôn rất đơn giản, chỉ cần hàng hóa của doanh nghiệp nào đến trước sẽ được lựa chọn. Tuy nhiên, về chọn lựa thương hiệu, người tiêu dùng nông thôn khi mua hàng thường chịu ảnh hưởng từ các ý kiến và kiến nghị của gia đình, bạn bè, cùng với sự tác động từ các khuyến nghị của nhà bán lẻ.

Khảo sát của Nielsen Việt Nam cho thấy, có 9 trong 10 (90%) nhà bán lẻ giới thiệu sản phẩm cho người mua hàng, và trung bình đạt được tỷ lệ gần 1 trong 3 người mua sản phẩm được đề nghị bởi các nhà bán lẻ (31% khách hàng mua sản phẩm được đề nghị bởi các nhà bán lẻ).

Với 27,5 triệu người mua sắm ghé các cửa hàng bán lẻ mỗi ngày, khuyến nghị của nhà bán lẻ có thể là một hình thức quan trọng nhằm nâng sức mạnh của một thương hiệu.

Thách thức của thị trường nông thôn là do có địa bàn trải rộng, nhiều khách hàng nhỏ, sức mua không đều ở những khu vực khác nhau. Vì thế, muốn “bám chắc” thị trường này cần phải đầu tư nhân lực, xây dựng hệ thống phân phối rộng.

Điều quan trọng không kém mà doanh nghiệp cần chú trọng đó là không được để “đứt hàng”, sản phẩm phải xuất hiện thường xuyên tại các cửa hàng để tạo sự “ghi nhớ trong tâm trí khách hàng”.

Nghiên cứu rất kỹ về thị trường này, ông Dũng khuyên nhà sản xuất phải có sự hiểu biết thấu đáo về người tiêu dùng nông thôn và có các lộ trình thích hợp để giành lấy thị trường tiềm năng này.

Đặc biệt, “kết nối và giữ lại” những người ủng hộ thương hiệu của bạn để tận dụng sức mạnh của lời nói, phải dùng các nhà bán lẻ làm đại sứ thương hiệu. Các nhà sản xuất, cung cấp dịch vụ cũng nên dựa vào sức mạnh của truyền hình đại chúng trong khi vẫn tập trung vào kênh truyền thông kỹ thuật số để kết nối với người tiêu dùng trẻ tuổi”, ông Dũng nói.

Theo DNSG