Con người Hãy thử lắng nghe trong môi trường làm việc đa văn hóa

Hãy thử lắng nghe trong môi trường làm việc đa văn hóa

8
Có khi làm quen với một người nào đó nhưng rồi bạn lại quên tên họ? Không riêng gì bạn, các nhà nghiên cứu cho biết, một người bình thường chỉ nhớ từ 25 – 50% những gì họ nghe được.

Không phải do trí nhớ kém mà đúng hơn là hầu hết trong chúng ta không chịu lắng nghe. Ngày nay, sự đa dạng văn hóa trong các công ty đa quốc gia càng làm cho chúng ta ít biết lắng nghe hơn.

Tuy nhiên, trong môi trường như vậy, để tối đa hóa hiệu suất công việc, cần phải học cách lắng nghe.

Biết cách lắng nghe nghĩa là không nghe một cách thụ động giống như ông chồng phải miễn cưỡng nghe bà vợ nhiều lời.

Giao tiếp trong môi trường đa văn hóa đòi hỏi bạn phải biết lắng nghe, không chỉ nghe lời nói mà còn nắm bắt được ý nghĩa thực sự của nó. Chỉ với cách đó bạn mới nâng cao hiệu quả công việc mà không xảy ra xung đột hay hiểu lầm.

Janet Reid, một chuyên gia về đa văn hóa gọi đó là “sự lắng nghe trong đồng cảm”, lắng nghe để kết nối những cảm xúc và suy nghĩ.

Để làm được điều đó, bạn không chỉ luyện cho đôi tai biết lắng nghe mà còn phải trang bị nền tảng đa văn hóa. Bạn cần phản ứng chậm lại khi nghe và lắng nghe trong nhịp điệu nền văn hóa của người nói.

Khác với người châu Á thường hội thoại trong trạng thái yên tĩnh và đầy vẻ tôn kính, Reid gọi phong cách của người phương Tây là “sự bùng nổ trong hội thoại”.

Người ta đã tổ chức những lớp học cách lắng nghe những người từ các nền văn hóa khác nhau. Vẻ đẹp của nó chính là cách thức khéo léo trong tư duy. Lắng nghe một cách khéo léo là điều tuyệt vời cho môi trường đa văn hóa.

Khi một người lắng nghe không cẩn thận thì thường dẫn tới các giả định sai lầm về đối phương, và từ đó gây ra hiểu lầm và xung đột. Vì vậy, cần phải sẵn sàng lắng nghe để hiểu được quan điểm của người khác.

Lắng nghe trong môi trường làm việc đa văn hóa là kỹ năng giao tiếp rất khó rèn luyện với cả ông chủ lẫn nhân viên, nhưng đó là điều cần thiết để bạn thành công hơn trong công việc.

Theo HBR