Kiến thức quản trị Huyền thoại kinh doanh Hàn Quốc: Thoái thác kiểu “làm sao phụ...

Huyền thoại kinh doanh Hàn Quốc: Thoái thác kiểu “làm sao phụ nữ làm được” là cách thức khiến nỗ lực bình đẳng giới “đổ xuống sông xuống bể”

16
Cựu chủ tịch tập đoàn Daewoo Hàn Quốc Kim Woo Choong từng chia sẻ ông hi vọng rằng phụ nữ sẽ tự nhận thức được lý do mà họ đang bị kìm hãm. Định kiến xã hội chỉ là một phần nhỏ.


Ảnh minh họa

Công ty đầu tiên thuê mướn phụ nữ đã có chồng

Trong hồi ký của mình, ông Kim Woo Choong đã chỉ ra một thực trạng đau lòng ở Hàn Quốc , đó là phụ nữ dù có được một nền học vấn như nam giới nhưng không thể áp dụng hết năng lực của mình. Nó được biểu hiện qua việc số sinh viên nữ đã tốt nghiệp. Thậm chí, đã có một nữ cử nhân luật vì không tìm được việc làm trong nhiều năm đã quyết định tự tử.

“Người ta nói thế giới đã thay đổi nhưng thành kiến đối với phụ nữ vẫn còn rất mạnh ở Hàn Quốc”, ông Kim viết.

Nhận thấy đây là sự mất mát không chỉ cho cá nhân mà còn cho cả quốc gia, tập đoàn Daewoo đã quyết định nhận phụ nữ vào làm. Tại thời điểm đó, Daewoo là công ty đầu tiên thuê mướn phụ nữ đã có chồng và nhận nữ sinh viên đã tốt nghiệp.

“Một số chị đã giữ các chức vụ quản lý và thậm chí chúng tôi còn có 12 chị làm việc cho những dự án xây dựng ở Libi”, cựu chủ tịch của Daewoo cho hay.

Mong muốn bình quyền, đừng tự phân biệt đàn ông hay phụ nữ

Ông Kim Woo Choong từng có những chia sẻ rất thẳng thắn liên quan đến vấn đề bình đẳng nam nữ. Thừa nhận định kiến xã hội là vòng cung kìm kẹp sự nghiệp phụ nữ nhưng ông cũng chỉ ra sự bất bình đẳng cũng là do tự phụ nữ gây ra.

“Tôi quan sát thấy rằng phụ nữ không chấp nhận trách nhiệm xã hội theo kiểu như nam giới. Phần lớn phụ nữ cho rằng sau khi tốt nghiệp đại học xong thì sẽ làm việc trong 2, 3 năm rồi thôi không làm việc nữa khi lập gia đình mà đôi khi thậm chí họ không nhận thức được điều này. Họ coi công việc chỉ là trạm xe buýt trên đường tới cuối cùng đó là hôn nhân. Và kết quả là họ thực sự không làm việc hăng say, vất vả”, ông Kim cho hay.

Theo đó, có sự khác nhau hoàn toàn về thái độ làm việc giữa nam và nữ. Trong khi nam giới nhận thức họ sẽ làm việc suốt đời thì phụ nữ chỉ dự tính sẽ nghỉ việc trong 2 – 3 năm. 2 hay 3 năm ấy, nhà tuyển dụng sẽ mất 6 tháng cho quá trình tập sự của nhân viên và gần hết quãng thời gian sau để họ có thể làm việc thành thạo.

“Đến lúc đó phụ nữ lại chuẩn bị nghỉ việc để lập gia đình. Vậy làm sao có thể trông chờ công ty đón nhận?”, ông Kim nhấn mạnh.

Vào năm 1984 Daewoo tiếp nhận cả nữ sinh viên tốt nghiệp. Đích thân ông Kim Woo Choong đã phỏng vấn và hỏi xem họ sẽ tiếp tục công việc sau khi lập gia đình hay không. 99% nói rằng họ sẽ tiếp tục. Nhưng 5 năm sau chỉ còn một nửa trong số 200 nữ sinh tốt nghiệp tiếp tục làm việc.

50% đó thực ra là rất khả quan so với thời điểm tiếp nhận năm 1972 và 1977.

Đối với việc bình đẳng giữa nam và nữ, ông Kim thường cảm thấy rằng chính phụ nữ thường muốn thể hiện sự phân biệt đó. Những câu thoái thác kiểu “Nhưng tôi là phụ nữ” và “làm sao phụ nữ làm được” làm người ta tin rằng thực sự chính các bạn không muốn có sự bình quyền.

Ông cũng chỉ ra trong xã hội vẫn còn rất nhiều phụ nữ đang tìm kiếm ai đó để sai khiến họ. Tệ hơn nữa là có những cô gái tốn cả bốn năm ở đại học tìm kiếm cho được một người chồng thích hợp – một ông chủ.

Cựu chủ tịch Daewoo cho rằng thật đáng buồn nếu cô gái sử dụng tất những điểm tốt của mình làm phương tiện để tìm bắt được một người chồng thích hợp vào lúc mình đáng lý ra phải tự phác hoạ và chuẩn bị cho chính cuộc đời mình.

“Thái độ như vậy có dẫn tới sự bình đẳng nam nữ hay không? Nên nhớ rằng bạn chính là chủ của mình. Dù là nam hay nữ mỗi người trong chúng ta được sinh ra với cá tính riêng lẻ của mình và nền tảng của cá tính đó là: “Tôi là chủ của chính tôi”. Chồng bạn, cha mẹ, con cái không thể làm cái việc ấy cho bạn. Dĩ nhiên nói dễ hơn là một người công nhân làm những gì người ta bảo nhưng một ông chủ phải tìm ra công việc cho mình. Trách nhiệm của chính mình”, ông Kim Woo Choong nhấn mạnh.

Một lời khuyên khác của ông Kim là phụ nữ nên tiếp tục học hỏi và phát triển cá nhân ngay cả khi tốt nghiệp hay lập gia đình. Bởi lẽ, nếu bạn thật sự muốn nhận được sự đối xử bình đẳng với nam giới thì bạn phải chủ động phát triển công việc của mình và chịu trách nhiệm về nó.

Theo Trí Thức Trẻ