Kiến thức quản trị Start-up đừng xem nhẹ việc bảo vệ sở hữu trí tuệ!

Start-up đừng xem nhẹ việc bảo vệ sở hữu trí tuệ!

7
Nhiều nhóm khởi nghiệp (start-up) trẻ khi mới bắt đầu hình thành ý tưởng thì chỉ tập trung thành lập doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư mà chưa nghĩ đến việc đăng ký bảo vệ sở hữu trí tuệ hoặc ngại đăng ký vì nhiều lý do. Từ đó, không ít những vấn đề liên quan phát sinh từ đây.


Ảnh minh họa

Còn “thờ ơ” với việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ

Các doanh nghiệp start-up hiện đang phát triển ngày càng mạnh mẽ trên khắp cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Tuy nhiên, hầu như các doanh nghiệp này mới chỉ tập trung đến phát triển sản phẩm, kêu gọi vốn mà chưa chú trọng nhiều đến vấn đề sở hữu trí tuệ.

Anh Phạm Minh Công, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất Thương mại Thiết bị tự động SE, doanh nghiệp start-up với công nghệ sản xuất máng ăn cho heo tự động đã giành giải Ba toàn quốc Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp Sinh viên 2017. Anh chia sẻ: Khi mới hình thành ý tưởng ban đầu, anh chỉ tập trung xây dựng đội nhóm, phát triển sản phẩm và quảng bá rộng rãi trên thị trường mà quên mất mình vẫn chưa xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm. Rất may sản phẩm của anh vẫn chưa có ai nhanh tay đăng ký trước và hiện tại anh đang đẩy nhanh hoàn thiện đăng ký sở hữu trí tuệ cho sản phẩm này.

Không được may mắn như trường hơp của anh Công, một doanh nghiệp start-up khác tại Đà Nẵng (xin giấu tên) hình thành ý tưởng với phần mềm phục vụ pha chế, gọi món tại các cửa hàng ăn uống, nhà hàng. Ý tưởng khởi nghiệp này đã giành nhiều giải cao tại các cuộc thi về khởi nghiệp được tổ chức tại thành phố Đà Nẵng. Tuy nhiên, sau khi đã hoàn thiện sản phẩm, kêu gọi đầu tư và thành lập doanh nghiệp, nhóm mới ngỡ ngàng nhận ra là sản phẩm của mình cũng đã được một nhóm khác làm lại giống y hệt và được đăng tải nhiều trên báo chí. Lúc này, cả nhóm phải chạy khắp nơi tìm các đơn vị tư vấn để hỗ trợ xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Anh T.V.M, thành viên của doanh nghiệp này chia sẻ: “Trước khi thành lập doanh nghiệp, các thành viên sáng lập đã nghĩ đến việc đăng ký sở hữu trí tuệ nhưng vì có quá nhiều việc bận rộn phải làm cộng thêm nguồn vốn còn hạn hẹp nên cũng đành gác chuyện hồ sơ đăng ký qua một bên. Đến lúc ý tưởng bị “đánh cắp”, tất cả các thành viên đều không biết phải xử trí làm sao vì ai cũng còn quá trẻ và chưa có nhiều kinh nghiệm nên đành phải đi khắp nơi tìm cách “giải nguy”. Nhờ sự giúp đỡ của các đơn vị chuyên tư vấn sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp của anh đã nhanh tay xác lập quyền sở hữu cho sản phẩm của mình trước khi sản phẩm “nhái” kia được đăng ký.”

Nhận biết được tầm quan trọng của việc đăng ký sở hữu trí tuệ, anh Nguyễn Văn Minh Đức, Giám đốc Công ty TNHH Hekate, doanh nghiệp start-up với công cụ chatbot sử dụng trí thông minh nhân tạo đã sớm có ý định làm thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm của mình. Tuy nhiên, trong quá trình đăng ký, nhóm đã gặp nhiều vấn đề và thủ tục khá rắc rối khiến các thành viên nản chí. Anh Minh Đức chia sẻ: “Lúc ấy nhóm mình đã có ý định sẽ đến Singapore để khởi nghiệp vì ở nước này việc hoàn thiện thủ tục pháp lý, đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ và kêu gọi vốn đầu tư sẽ dễ dàng hơn. Rất may nhờ sự động viên, giúp đỡ của bạn bè và những anh chị đi trước ở các doanh nghiệp khác chia sẻ kinh nghiệm mà cả nhóm đã có thêm động lực cố gắng hoàn thiện hồ sơ để đăng ký thành công.”

Phải tự bảo vệ mình

Bà Ngô Phương Trà, Phụ trách Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng chia sẻ: Rất nhiều doanh nghiệp hiện nay bắt đầu khởi nghiệp bằng một tài sản trí tuệ cùng với một nguồn vốn tài chính nhỏ. Tuy nhiên, không như các loại tài sản hữu hình khác, quyền sở hữu trí tuệ là một tài sản vô hình mà việc xác lập quyền là điều kiện tiên quyết để hình thành nên quyền sở hữu đối với nó. Vì vậy, nếu bạn có một tài sản trí tuệ, ví dụ như một nhãn hiệu, nhưng không đăng ký bảo hộ thì việc ai đó sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự trong hoạt động kinh doanh của họ không thể gọi là hành vi “ăn cắp” (dù là cố ý hay vô tình) bởi vì tài sản đó không thuộc sở hữu của bạn. Thậm chí, bạn có nguy cơ trở thành “kẻ ăn cắp” nếu quyền sở hữu nhãn hiệu đó đã được xác lập cho người khác.

Để tìm hiểu rõ hơn thông tin cũng như cách thức thực hiện hồ sơ và tiến hành thủ tục xác lập quyền sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp tại Đà Nẵng và các tỉnh lân cận có thể dễ dàng tìm kiếm trên website của Cục Sở hữu trí tuệ (www.noip.gov.vn) hoặc trực tiếp đến gặp chuyên viên tư vấn tại Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng. “Văn phòng luôn sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt các start-up trên địa bàn trong việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra chúng tôi rất chú trọng tổ chức các chương trình đào tạo, tọa đàm cho doanh nghiệp để họ nắm bắt thông tin và nhận thức tốt hơn vấn đề sở hữu trí tuệ, tránh không để xảy ra những tranh chấp không đáng có đối với vấn đề này”, bà Phương Trà cho biết thêm.

Là nhà sáng lập doanh nghiệp start-up mỹ phẩm thiên nhiên Arya Tara, chị Đỗ Lê Kim Huệ chia sẻ về hành trình đăng ký bảo hộ thương hiệu của mình. Chị Huệ cho biết, quá trình đăng ký có thể kéo dài từ 1-3 năm nên tốt nhất là bắt đầu thủ tục càng sớm càng tốt. “Trước đó, nên tra cứu trong hồ sơ của Cục Sở hữu trí tuệ xem thương hiệu của mình đã được sử dụng hay chưa. Một số doanh nghiệp nước ngoài còn đăng ký bảo hộ toàn cầu nên mình phải xem kỹ cả trong và ngoài nước”, chị Huệ nói.

Việc xác lập quyền đối với mỗi đối tượng sở hữu trí tuệ có thể khác nhau, nhưng các doanh nghiệp start-up cần phải biết rằng việc này cũng quan trọng như phát triển sản phẩm hay kêu gọi vốn đầu tư. Khi khởi nghiệp ngay từ những ngày đầu tiên, các doanh nghiệp cần phải chú trọng về vấn đề sở hữu trí tuệ để hợp pháp hóa và tự bảo vệ thành quả lao động của mình.

Theo ICTnews