Chiến lược Trước khi định bỏ học để khởi nghiệp như Mark Zuckerberg hay...

Trước khi định bỏ học để khởi nghiệp như Mark Zuckerberg hay Bill Gates, bạn cần hiểu rõ khái niệm kinh tế này

5
“Chi phí cơ hội” của việc bỏ học và đi kiếm tiền là gì ? Có thể chính là việc bạn đã bỏ lỡ những cơ hội kiếm được nhiều tiền hơn với chính tấm bằng Đại Học của mình


Ảnh minh họa

Kinh tế học không chỉ bó hẹp trong giảng đường hay ngân hàng. Môn khoa học này tồn tại ở khắp mọi nơi và ảnh hưởng tới mọi thứ chúng ta làm hoặc nhìn thấy trên phim ảnh cũng như đời thực. Nó có thể giúp ta lý giải những “bí ẩn” lý thú trong cuộc sống như Vì sao ngăn mát tủ lạnh có đèn nhưng ngăn đá thì không hay,…

Chuỗi bài #Why vào thứ 2-4-6 hàng tuần để giúp bạn thấy kinh tế học không khô khan như bạn nghĩ. Nội dung bài viết được truyền cảm hứng từ cuốn sách “Nhà tự nhiên kinh tế” của tác giả Robert H. Frank.

Chắc hẳn bạn đã từng bao giờ nghe đến câu nói nổi tiếng: “There is no such thing as a free lunch” – Tạm dịch có nghĩa là chẳng có bữa trưa nào là miễn phí cả – đâu đó vài lần.

Đó là câu nói từ đời sống, nhưng xét trong kinh tế học câu nói này cũng hoàn toàn đúng luôn. Hơn thế, nó còn là một ví dụ điển hình cho một thuật ngữ kinh điển trong kinh tế học mang tên “chi phí cơ hội” (opportuinity cost).

Ví dụ như bạn được một ai đó tốt bụng mời đi ăn phở. “Mời” ở đây có nghĩa là bạn sẽ được ăn một bữa phở mà hoàn toàn là “free”. Như vậy, bạn chắc chắn sẽ không phải trả tiền phở và người bạn đó chắc chắn cũng sẽ không đòi hỏi gì từ bạn khi quyết định mời bạn một bữa ăn miễn phí.

Nghe mọi thứ tưởng chừng đơn giản quá, bạn sẽ chẳng mất gì mả vẫn được ăn phở miễn phí. Thực ra, theo quan điểm của các nhà kinh tế thì ở đây, vẫn có một khoản chi phí mà bạn đã phải bỏ ra.

Thứ nhất, nếu bạn bỏ ra một tiếng để đi ăn phở miễn phí, tức là bạn đã mất đi một tiếng mà bạn đã có thể dùng làm việc khác. Ví dụ, nếu bạn làm một công việc có lương 10.000 đồng/giờ thì bát phở miễn phí đó có chi phí cơ hội là 10.000 đồng.

Hoặc giả sử như người yêu bạn định rủ bạn đi ăn nem chua rán vào cùng giờ bạn được mời đi ăn phở thì chi phí của bát phở chính là việc bạn không thể đi ăn nem chua rán cùng người yêu

Chi phí ẩn đằng sau mỗi sự lựa chọn này chính là chi phí cơ hội (opportunity cost).

Định nghĩa của chi phí cơ hội, theo các nhà kinh tế, chính là sự lựa chọn tốt nhất đã bị bỏ qua. Cụ thể, nếu bạn có 3 sự lựa chọn A, B, C. Lựa chọn A và B đều hấp dẫn như nhau, lựa chọn C thì kém hơn hai lựa chọn này một chút. Như vậy, nếu bạn chọn A thì chi phí cơ hội của A sẽ chính là B (vì B hấp dẫn hơn C).

Tuy nhiên, chi phí cơ hội thường vẫn bị coi là “ảo”, chủ yếu là do tính khó đong đếm được của nó. Lấy ví dụ ở bên trên, liệu bạn có thể đánh giá xem một bát phở miễn phí có giá trị cao hơn hay một bữa ăn nem chua rán với người yêu thì sẽ có giá trị cao hơn ?

Một đặc điểm quan trọng nữa của loại chi phí này là nhiều khi bạn sẽ trả nó, không phải ngay lập tức thời điểm hiện tại mà là mãi tới tận trong tương lai. Điều đó cũng tựa như là nhiều khi một lựa chọn bạn chọn vào lúc này, bạn nghĩ nó là tốt, những thực ra rút cục nó lại mang đến những hậu quả khôn lường trong tương lai vậy.

Thử tưởng tượng một ngày đẹp trời, bạn được truyền cảm hứng từ những Mark Zuckerberg hay Steve Jobs để rồi bỏ học và đi làm kiếm tiền luôn, hẳn bạn sẽ cho ra rằng chi phí cơ hội mình phải chịu hóa ra là số âm.

Thậm chí, tính toán theo kiểu AQ thì hóa ra đó còn là khoản lãi to vì bạn không những không phải trả tiền học mà thậm chí bạn còn có thể kiếm ra tiền ngay ở lứa tuổi còn là sinh viên.

Thế nhưng ngay trong lúc quyết định bỏ Đại Học và đi làm để “cày tiền” đó, nhìn nhận theo quan điểm của “chi phí cơ hội” thì bạn có thể đã đang bỏ lỡ cơ hội kiếm được nhiều tiền hơn trong tương lai nhờ vào chính tầm bằng Đại Học thu được.

Sự thực là ngoài thị trường tuyển dụng, có nhiều công ty sẽ chỉ cho bạn cho bạn qua vòng xét hồ sơ nếu bạn có bằng Đại Học. Tương tự, nhiều chương trình học tập cấp độ cao hơn như Thạc sĩ, Tiến sĩ với những cơ hội tốt hơn cũng sẽ chỉ cho những người đã từng là cử nhân tham gia.

Tất nhiên, ở đây, ý tưởng của “chi phí cơ hội” tuyệt nhiên không phải là xem thường giá trị của những người như Mark Zuckerberg hay Seteve Jobs đã tạo ra cho thế giới này. Thế nhưng thử hỏi liệu rằng trên thế giới này có được bao nhiêu người giống như những số ít thiên tài trên ?

Tóm lại, một thuật ngữ chi phí cơ hội này thôi nhưng đủ để cho bạn thấy rằng với mỗi việc mà bạn đang làm hàng ngày thì đều có một chi phí cơ hội đứng sau nó, đó chính là thời gian và công sức bạn có thể dành vào những việc khác. Thế nên, hãy lựa chọn những việc mình làm một cách thông minh, tránh để sự phí hoài xảy ra trong cuộc đời ngắn ngủi này.

Theo Trí Thức Trẻ