Kiến thức quản trị Chuỗi doanh nghiệp – Phương pháp thông minh

Chuỗi doanh nghiệp – Phương pháp thông minh

12
Với thế mạnh về chuỗi kinh doanh thực phẩm từ sản xuất thức ăn chăn nuôi, giết mổ, chế biến đến cung ứng thông qua hệ thống phân phối siêu thị, cửa hàng, chợ…, Satra và Dofico đã bắt tay nhau với tham vọng tạo nên sức mạnh để cạnh tranh với các doanh nghiệp (DN) nước ngoài. 
Củng cố sức mạnh chuỗi doanh nghiệp
Ngày 25/10, Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) và Tổng Công ty Công nghiệp Thực phẩm Đồng Nai (Dofico) cùng với 2 đơn vị thành viên là Công ty TNHH Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) và Công ty Cổ phần Việt Pháp (Proconco) đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược thiết lập chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Sự kiện này còn được xem là sự hợp lực sức mạnh của các DN trong nước để cạnh tranh với đối thủ DN nước ngoài.
Theo các chuyên gia, trong thời điểm hiện nay, hợp tác, liên kết để phát huy sức mạnh là vấn đề sống còn của DN. Đặc biệt là DN trong lĩnh vực thực phẩm chế biến với các mô hình chuỗi, mô hình “Từ trang trại đến bàn ăn”… đang cạnh tranh quyết liệt. Sự hợp tác giữa Satra và Dofico, giữa Vissan và Proconco là để tận dụng sức mạnh của các bên để cạnh tranh với các DN nước ngoài.
Nếu như Vissan được xem là thương hiệu mạnh trong lĩnh vực chế biến thực phẩm với lò giết mổ cùng dây chuyền sản xuất hiện đại và hệ thống phân phối với hàng trăm cửa hàng, thì Proconco có nhà máy chế biến thức ăn cung cấp ra thị trường 1,2 triệu sản phẩm/năm.
Sức mạnh của hai bên sẽ hợp thành và phát triển chuỗi cung ứng thịt heo an toàn từ sản xuất thức ăn, sản xuất con giống, chăn nuôi, thu mua, giết mổ, chế biến, phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Để hiện thực hóa hợp tác, trước mắt, hai bên sẽ nghiên cứu để thành lập công ty hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi. Công ty này sẽ cung cấp cho thị trường những sản phẩm chế biến có truy xuất nguồn gốc.
Bà Lê Minh Trang, Tổng giám đốc Satra, cho rằng: “Việc hợp tác liên kết giữa Satra và Dofico, Vissan và Proconco đã khởi đầu cho một mục tiêu chung là khai thác và phát huy thế mạnh của các bên để xây dựng, phát triển chuỗi liên kết từ thức ăn chăn nuôi – hệ thống trang trại – giết mổ, chế biến – cung ứng sản phẩm thịt heo chất lượng cao; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế với năng suất cao bằng máy móc thiết bị hiện đại, đem lại hiệu quả cao nhất cho các bên tham gia”.

Hình thành các chuỗi địa phương
Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan, cho rằng, trong những năm qua, ngành chăn nuôi Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nâng tỷ lệ sử dụng thịt gia súc, gia cầm năm 2010 của người Việt Nam đạt 31,5 kg/người/năm, cao hơn mức bình quân chung của châu Á (31,3 kg/người/năm).
Mở đầu cho sự hợp tác này, hai đơn thành viên và liên kết của Satra và Dofico là Công ty TNHH một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) – trực thuộc Satra và Công ty cổ phần Việt Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) – đơn vị liên kết của Dofico đã ký kết hợp tác hình thành mô hình chuỗi liên kết khép kín trong ngành chăn nuôi heo. Tỷ lệ góp vốn thành lập chung sẽ được hai bên bàn bạc cụ thể trong hợp đồng hợp tác kinh doanh. Theo thỏa thuận này, hai bên sẽ hợp tác từ thu mua, sơ chế nông sản; sản xuất thức ăn chăn nuôi; sản xuất con giống; chăn nuôi thương phẩm; thu mua, giết mổ, chế biến; phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh, nâng cao năng suất.
Không những thế, chất lượng đàn giống cũng từng bước được cải thiện cùng với nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn với công nghệ tiên tiến đã được đầu tư xây dựng.
Một số DN đã đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến và hệ thống phân phối hiện đại, đáp ứng các yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, đạt tiêu chuẩn HACCP…
Tuy nhiên, số lượng những nhà máy sản xuất theo kiểu “trọn gói” từ chăn nuôi cho đến giết mổ và cung ứng sản phẩm trực tiếp đến người tiêu dùng chưa nhiều.
Điều đáng buồn hơn là nguồn nguyên liệu heo hơi cung ứng cho thị trường phụ thuộc vào các DN nước ngoài.
Trên thực tế, hiện nay, Vissan cũng đã tổ chức việc chăn nuôi nhưng số lượng vẫn còn khiếm tốn. Là DN đứng đầu ngành thực phẩm chế biến nhưng lại phụ thuộc rất nhiều vào nguyên liệu đầu vào.
Vì vậy, Vissan luôn bị động trong việc giữ giá bán mỗi khi thị trường heo hơi có biến cố. Do đó, với sự hợp tác này, Vissan hy vọng sẽ chủ động nguồn nguyên liệu nhằm bình ổn thị trường.
Theo thỏa thuận giữa hai bên, công ty liên doanh giữa Vissan và Proconco sẽ thực hiện việc chăn nuôi để đến năm 2012 cung ứng ra thị trường 25.000 heo giống, 500.000 heo thương phẩm. Đến năm 2020, số lượng này sẽ nâng lên 50.000 heo giống, 1 triệu heo thương phẩm cho thị trường.
Mặc dù số lượng heo vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, nhưng theo bà Nguyễn Thị Lệ Hồng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Dofico, với số lượng đầu heo tự nuôi này cũng có thể giúp các đơn vị giảm lệ thuộc vào bên ngoài…
Đánh giá sự kiện hợp tác này, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng, hiện nay, TP.HCM là thị trường tiêu thụ lớn nhất nước và cũng là nguồn cung ứng sản phẩm hàng hóa cho cả nước và xuất khẩu.
Trong khi đó, Đồng Nai là trung tâm sản xuất nông nghiệp và là vùng chăn nuôi lớn của cả nước, là nơi cung cấp nguồn nguồn nguyên liệu rất lớn cho ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.
Do đó, việc kết hợp lợi thế của hai địa phương chủ lực trong vùng với nhau sẽ có tác động lớn đến sự phát triển chung. Lãnh đạo 2 tỉnh, thành phố sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các DN triển khai thực hiện các dự án đầu tư, kinh doanh trên địa bàn để cùng phát triển.

Theo DNSG