Chiến lược Lãi suất và thích ứng của doanh nghiệp

Lãi suất và thích ứng của doanh nghiệp

10
Lãi suất đã giảm ở mức khá “lý tưởng”, giá xăng dầu cũng giảm, nhưng chứng khoán chưa tỏ ra thực sự hào hứng. Dòng tiền vẫn vào – ra nhưng khá thận trọng và nhiều nhà đầu tư vẫn bảo lưu chiến lược giao dịch “đánh nhanh, rút gọn” trong bối cảnh xu hướng thị trường còn chưa rõ nét.
Sau bốn lần giảm lãi suất, mức lãi suất tiền gửi đã dừng ở mức 9%. Thông thường, đây là một lợi thế với chứng khoán bởi kênh tiết kiệm đã không còn sức hấp dẫn.
Nhiều người đã và đang đau đầu để tìm một kênh đầu tư khác có mức sinh lời đáng kể hơn. Diễn biến của thị trường cho thấy, mặc dù đã trở nên hấp dẫn hơn trong bối cảnh chung của các kênh đầu tư khác đều không khởi sắc nhưng chứng khoán vẫn chưa hấp dẫn được dòng tiền. 
Lý do căn bản là sự khó khăn trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết vẫn đang hiện hữu. Điều này cũng dẫn đến sự rủi ro cho các nhà đầu tư khi đầu tư trung và dài hạn.
Khi nhà đầu tư chưa đủ niềm tin để nắm giữ cổ phiếu thì thị trường không thể tăng trưởng bởi trạng thái dễ chao đảo của dòng tiền. Nhiều chuyên gia kinh tế đã cho rằng, những vấn đề như hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước, hiệu quả đầu tư công là những vấn đề có tính chất dài hạn.
Khi chưa có giải pháp hữu hiệu cho những vấn đề này thì những quyết định như giảm lãi suất cũng sẽ chỉ đủ sức “thổi” chứng khoán trong một vài phiên. Theo đánh giá của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), sẽ cần thêm thời gian để lấp “khoảng trống” giữa hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp.
Việc đặt ra các mức trần lãi suất trong bối cảnh hiện tại chỉ mang tính định hướng chứ không thể khiến cả hai bên hy sinh lợi ích của mình để tìm một điểm cân bằng ngay trong ngắn hạn. Mặt khác, cũng cần lưu ý, mức tổng cầu của nền kinh tế sẽ quyết định yếu tố đầu ra của doanh nghiệp và đây mới là yếu tố then chốt để đưa nền kinh tế ra khỏi giai đoạn suy giảm.
BVSC cho rằng, nền kinh tế sẽ cần thêm thời gian tự điều chỉnh và vận hành theo đúng quy luật thị trường thì các yếu tố khó khăn mới dần được giải quyết, thị trường chứng khoán từ đó cũng có thể xác lập lại xu thế tăng bền vững.
Dường như quá tập trung vào diễn biến của lãi suất, một thông tin có ý nghĩa quan trọng, mang ý nghĩa dài hạn, đã không giành được nhiều sự chú ý của giới đầu tư, đó là thông báo của hãng xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor’s nâng triển vọng của Việt Nam từ tiêu cực lên mức ổn định, đồng thời giữ nguyên xếp hạng BB – đối với tín dụng dài hạn và xếp hạng B đối với tín dụng ngắn hạn.
Với động thái này, Standard & Poor’s đánh giá các rủi ro về kinh tế vĩ mô và ổn định tài chính đối với Việt Nam đã giảm xuống. Những chỉ số chủ chốt như tăng trưởng tín dụng, dự trữ ngoại hối và lãi suất VND đã được cải thiện trong 18 tháng qua.
Sau một tháng 5 khá vất vả, thị trường đã có dấu hiệu ổn định hơn. Trong tuần đầu tháng 6, giá trị giao dịch trên cả hai sàn đã được cải thiện, chỉ số VN-Index tăng nhẹ.
Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng, sự tăng giá của các phiên giao dịch vừa quan không đáng tin, chỉ là sự hưng phấn nhất thời. Việc các mã cổ phiếu có vốn hóa lớn tăng mạnh một cách khá vội vàng cho cảm nhận về sự hiện diện của một “bàn tay vô hình”.
Vấn đề cốt yếu vẫn ở thanh khoản, xu hướng cải thiện cần được tiếp tục duy trì để nâng đỡ cho thị trường. Hai nhóm ngành được đánh giá là sẽ hưởng lợi khi mặt bằng lãi suất giảm đó là ngân hàng và vật liệu xây dựng.
Ngành được hưởng lợi đầu tiên là ngân hàng bởi lãi suất thấp sẽ giúp đẩy nhanh tín dụng, chênh lệch lãi suất cho vay và huy động được nới rộng giúp lợi nhuận gia tăng. Ngành vật liệu xây dựng cũng là một trong những nhóm ngành được hưởng lợi nhiều khi lãi suất giảm, vì mức nợ vay/vốn chủ sở hữu khá cao.
Đồng thời, khả năng phục hồi đối với doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng có thể đến vào nửa cuối năm 2012, đồng hành với khả năng sôi động trở lại của thị trường bất động sản và các công trình đầu tư công. Phiên giao dịch đầu tuần, ngày 11/6, một số cổ phiếu được giới đầu cơ ưa thích và có hơi hướng được hưởng lợi từ sự thay đổi của chính sách tài chính, tiền tệ đã tăng mạnh như HSG, HBC, CII, CDC…
Khối ngoại phiên này đã mua trở lại thay cho việc bán ròng trong cả tuần trước. Mặc dù vậy, VN-Index vẫn giảm điểm nhẹ do sự tác động của các cổ phiếu lớn.
Diễn biến giao dịch cho người ta cảm nhận rằng giới đầu tư vẫn còn dè dặt. Đóng cửa, VN-Index giảm nhẹ xuống còn 432,5 điểm với khối lượng và giá trị giao dịch ở mức “thường” khi có tới 15 triệu cổ phiếu giao dịch bằng phương thức thỏa thuận trong tổng số 68,1 triệu cổ phiếu trao tay trong phiên này.

Theo DNSG