Chiến lược Đầu tư bảo vệ môi trường: Doanh nghiệp đang cần thêm đòn...

Đầu tư bảo vệ môi trường: Doanh nghiệp đang cần thêm đòn bẩy

21
Mặc dù, trong giai đoạn 2006-2011, vốn đầu tư phát triển trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã tăng khoảng 2 lần, từ 1.429 tỉ đồng năm 2006 lên 2.954,3 tỉ đồng vào năm 2011, tuy nhiên, xử lý ô nhiễm môi trường vẫn là bài toán khó đối với cả xã hội, nhất là khi DN tham gia đầu tư vào lĩnh vực này còn khiêm tốn… Vấn đề này càng trở nên “nóng” hơn nhân ngày Môi trường thế giới 5/6.
Hiện trên địa bàn cả nước, lượng nước thải các loại chưa được xử lý lên tới 1,5 tỉ m3, trong đó nước thải các khu đô thị và khu công nghiệp khoảng 1 tỉ m3. Mỗi ngày trên địa bàn Hà Nội thải hơn 260.000 m3 nước thải công nghiệp. Mội ngày hệ thống sông Đồng Nai phải tiếp nhận khoảng 1,5 triệu m3 nước thải công nghiệp…
Ô nhiễm tràn lan
Mặc dù tình trạng ô nhiễm nguy hại như vậy, song công nghệ tái chế chất thải của VN chủ yếu vẫn lạc hậu, thủ công nên hiệu quả còn thấp, tình trạng sản xuất thiết bị công nghệ ở tình trạng đơn chiếc, chưa có sản xuất chế tạo hàng loạt, chưa hình thành ngành công nghiệp môi trường ở VN.
Theo thống kê của Bộ Tài nguyên môi trường, hiện có khoảng 30% cơ sở sản xuất công nghiệp (chủ yếu là các cơ sở sản xuất vừa và lớn) có trạm xử lý nước thải nhưng hầu hết cơ sở vận hành chưa đạt tiêu chuẩn hoặc không vận hành thường xuyên. 90% DN trong tổng số 500 DN sản xuất giấy trong cả nước không có hệ thống xử lý nước thải hoặc có nhưng không đạt yêu cầu. Đến cuối năm 2011, cả nước có 283 KCN, trong đó 65%/180 KCN đang hoạt động chưa có hệ thống xử lý chất thải
Đặc biệt, mức độ về rác thải gây ô nhiễm môi trường đang ở mức báo động, tổng lượng chất thải rắn phát sinh ở các đô thị khoảng gần 30.000 tấn/ ngày nhưng tỉ lệ thu gom và xử lý chỉ đạt 83%. Ở nông thôn là hơn 30.000 tấn/ ngày nhưng tỉ lệ thu gom chỉ đạt 50-60% có nơi chỉ 20-30%. Điều đáng nói là công nghệ xử lý chất thải rắn ở VN chủ yếu vẫn là công nghệ chôn lấp (80-85%) nhưng chôn lấp hợp vệ sinh chỉ đạt khoảng 15-20%. Hiện có 20 dự án xử lý rác thành các sản phẩm tái chế nhưng quy mô nhỏ và khó tiêu thụ sản phẩm. tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị được xử lý, tái chế chỉ đạt 15%.
Theo ông Đặng Văn Lợi – Phó Cục trưởng Cục kiểm soát ô nhiễm (Tổng cục Môi trường), chất thải y tế hiện được xem là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm, song điều đáng nói là việc xử lý chất thải này hiện chưa tốt nên tình trạng gây ô nhiễm nguy hại ngày một nặng. Cụ thể, hiện ngành y tế có hơn 11.600 cơ sở khám chữa bệnh với tổng lượng chất thải rắn phát sinh khoảng 350 tấn/ngày, trong đó có hơn 40 tấn/ngày là chất thải rắn y tế nguy hại. Trong khi đó, chỉ có 35% bệnh viện có lò đốt chất thải y tế nhưng công suất xử lý khí thải còn gặp rất nhiều khó khăn. Mới chỉ có 1/3 số chất thải y tế được đốt bằng lò đốt, số còn lại được tiêu huỷ bằng nhiều hình thức như: thiêu đốt ngoài trời(15,3%), đốt bằng lò thủ công(13,9%), chôn trong khuôn viên bệnh viện(33,3%) còn lại thải trực tiếp ra bãi rác chung.
Mỗi ngày, nước thải các khu đô thị và khu công nghiệp khoảng 1 tỉ m3.
Bên cạnh đó, do ngành công nghiệp đang phát triển mạnh nên lượng khí thải “đóng góp” cho môi trường cũng không “kém chị kém em”. Hiện nay, ô nhiễm không khí do khí thải công nghiệp gây ra chủ yếu là bụi, SO2, NO2, CO… hầu hết vượt giới hạn cho phép. Trong đó, một số nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng vượt tiêu chuẩn từ 20 đến 435 lần; Công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, các nhà máy luyện kim vượt từ 5-125 lần, các nhà máy cơ khí đóng tàu vượt từ 10-15 lần, công nghiệp dệt may vượt từ 3-5 lần…
Cơ hội cho DN 
Ước tính, nhu cầu đầu tư cho bảo vệ môi trường ở 16 ngành và lĩnh vực kinh tế ở VN như: dệt may, giấy, thép, hoá chất, điện lực, thuỷ sản, khu công nghiệp… có thể lên tới hơn 7,6 tỉ USD. Trong đó, thép là 800 triệu USD, dệt may là 326 triệu USD…
Theo quy hoạch xử lý chất thải rắn ba vùng kinh tế trọng điểm với 7 khu xử lý chất thải rắn sẽ được xây dựng từ nay tới năm 2020 với tổng vốn đầu tư khoảng 600 triệu USD; Tại “Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường đến 2015, tầm nhìn 2025” cũng nêu rõ, nhà nước sẽ hỗ trợ thông qua tín dụng để phát triển ngành công nghiệp môi trường, khuyến khích các tổ chức trong và ngoài nước đầu tư phát triển ngành công nghiệp này… Rõ ràng, với những ưu đãi của Nhà nước cũng như sự sẵn sàng về mặt công nghệ, nguồn vốn… sẽ là cơ hội tốt cho các DN có ý định đầu tư vào lĩnh vực nhiều ý nghĩa này. Tuy nhiên, cần phá dỡ các “rào cản” cho DN đầu tư vào lĩnh vực này như: nhận thức TNXH của DN, việc tiếp cận nguồn vốn còn khó khăn…

Theo DDDN