Đãi ngộ Những lợi ích tuyệt vời khi sếp lắng nghe nhân viên

Những lợi ích tuyệt vời khi sếp lắng nghe nhân viên

15
Các nhà quản lý cần phải làm chủ nghệ thuật “truy vấn một cách tôn trọng”, tức là đưa ra câu hỏi rồi lắng nghe nhân viên trả lời.


Ảnh minh họa

Một lời khuyên luôn được các chuyên gia đưa ra trong các giáo trình quản trị doanh nghiệp chính là “Hãy lắng nghe nhân viên”. Một nghiên cứu mới của Đại học Kinh doanh UNSW tiếp tục chứng minh tầm quan trọng của hành động này.

Will Felps, Phó Hiệu trưởng Viện Quản trị thuộc Đại học Kinh doanh UNSW đã thuê một nam diễn viên vào dự các cuộc họp nhóm tại nhiều công ty. Anh này giả vờ cư xử như một gã tồi, gây hấn và phá bĩnh mọi cuộc họp. Và quả thực, trong đa số trường hợp, hiệu suất và động lực cả cả nhóm bị tụt thê thảm.

Riêng một cuộc họp nhóm là ngoại lệ, khi cả đội vẫn thể hiện xuất sắc khó tin. Felps đã điều tra “bí mật” thành công của họ. Đó là vì nhóm đó có một thủ lĩnh tài năng. Người này đã hỏi rất nhiều câu hỏi mở để thu hút sự quan tâm của mọi người, khiến họ không còn để ý đến kẻ phá bĩnh kia nữa. Người này cũng rất giỏi lắng nghe ý kiến và quan điểm của cả đội sau khi mình nêu ra câu hỏi. Chính năng lực “biết lắng nghe” của anh ta đã cứu cả nhóm.

Kỹ thuật bị lãng quên

Nêu câu hỏi là một kỹ thuật giao tiếp hiệu quả, nhưng lại thường bị các nhà lãnh đạo coi thường hoặc bỏ quên. Theo Giáo sư Niels van Quaquebeke của Đại học Kühne (Đức), định nghĩa của “truy vấn một cách tôn trọng” là đưa ra các câu hỏi một cách gợi mở, sau đó lắng nghe chăm chú phản hồi của người đối thoại.

“Cả kỹ năng hỏi lẫn lắng nghe đều giúp ích rất nhiều trong việc điều hành, ở tất cả các cấp độ. Chúng sẽ giúp bạn đưa ra quyết định tốt hơn, có được sự gắn kết và trung thành từ nhân viên, tạo được động lực cho họ”.

Cụ thể, “truy vấn tôn trọng” giúp bạn nghe được nhiều quan điểm, góc nhìn khác nhau. Bạn có thể đánh giá toàn diện vấn đề, từ đó đưa ra các quyết định hợp lý, hài hòa, khách quan.

Theo nhiều nghiên cứu, nhân viên luôn muốn có tiếng nói trong quá trình ra quyết định của tổ chức. Các học giả tin rằng miễn là cảm thấy ý kiến của mình được lắng nghe và tôn trọng, nhân viên luôn có xu hướng ủng hộ quyết định cuối cùng, kể cả khi nó đi ngược với quan điểm ban đầu của họ.

Gây dựng một êkip gắn kết và thành công

Và cuối cùng, vì sao truy vấn tôn trọng lại tạo động lực cho nhân viên? Câu trả lời liên quan đến lý thuyết “tự xác định” của giới học giả.

Thường thì các nhân viên dễ cảm thấy hài lòng khi được hỏi và lắng nghe, bởi họ cảm thấy sếp đánh giá cao ý kiến của mình, và rằng họ là các thành viên quan trọng trong nhóm.

Theo các thuật ngữ của thuyết tự xác định, chúng ta cần những điều này để cảm thấy có động lực với công việc. Chúng ta cần cảm thấy mình “thuộc về” môi trường này, mình có liên hệ chặt chẽ với những người khác và có quyền tự do bày tỏ quan điểm.

Những trở ngại

Tuy vậy, cũng có một số trở ngại khiến nhà lãnh đạo không thực sự mặn mà với “truy vấn tôn trọng”.

Cái tôi chính là trở ngại dễ nhận thấy nhất. Hầu hết mọi người đều có cái nhìn chủ quan của mình và khó tiếp nhận quan điểm của người khác. Một tỷ lệ không nhỏ người lãnh đạo là những người kiêu hãnh, luôn cho rằng mình thông minh hơn nhân viên, nên việc lắng nghe ý kiến nhân viên là thừa thãi.

Một lý do thứ hai khiến nhiều nhà lãnh đạo thờ ơ với truy vấn tôn trọng chính là mô hình lãnh đạo kiểu cũ: theo đó, nhiệm vụ của nhà lãnh đạo là… chỉ đạo. Họ cho rằng làm sếp thì phải liên tục chỉ đạo nhân viên và đưa ra câu trả lời cho mọi vấn đề. Song trên thực tế, những nhà lãnh đạo giỏi luôn là người kết hợp được sự truy vấn với dân chủ.

Trở ngại thứ ba là khi bị stress, căng thẳng, chúng ta thường không sẵn lòng lắng nghe các giải pháp thay thế. Stress khiến chúng ta muốn đưa ra quyết định hoặc giải pháp chóng vánh. Thật không may, làm sếp là một công việc căng thẳng, với áp lực về deadline và vô số vấn đề phức tạp khác. Những người mới làm sếp, không có nhiều kinh nghiệm quản trị càng đặc biệt dễ bị căng thẳng.

Có thể nói, với đa số lãnh đạo, bản năng tự nhiên của họ là không thích truy vấn tôn trọng. Tuy nhiên, với tính kỷ luật, thói quen và thực hành, bạn có thể biến nó trở thành tính cách tự nhiên, ông Phelps nhấn mạnh.

Khi nhân viên của bạn nêu một câu hỏi, hãy cố gắng hỏi một câu đơn giản: “Anh/cô nghĩ sao về vấn đề này?”.

Chỉ một hành động đó sẽ cùng lúc mang lại 3 lợi ích. Thứ nhất, bạn cần biết nhân viên của mình nghĩ gì. Hai, họ bắt đầu độc lập hơn về quan điểm và ít lệ thuộc vào sếp hơn. Thứ ba, bạn sẽ có thời gian suy nghĩ về vấn đề đó trước khi trả lời nhân viên.

Theo Nhịp sống kinh tế