Chiến lược “Mọi người đều nói dối”, nhưng Google biết sự thật

“Mọi người đều nói dối”, nhưng Google biết sự thật

42
Nếu như Google biết rõ về chúng ta hơn cả bạn bè, gia đình và nửa kia, điều đó cũng đồng nghĩa Goolge có một vị trí liên đới xa hơn là nhiệm vụ liệt kê danh sách những nhà hàng ngon nhất trong thành phố.


Ảnh minh họa

Dường như chúng ta đang nhập vào thanh công cụ tìm kiếm những nỗi sợ sâu thẳm nhất, thầm kín nhất. Không giống với những nhân vật đã được “tự kiểm duyệt” và là hình ảnh đáng khao khát trên mạng xã hội, các thông tin tìm kiếm qua Google mang lại một cửa sổ bước vào thế giới tâm lý của con người.

“Tôi nghĩ rằng nói với Google những gì mà bạn không thể nói với ai khác là điều gì đó giống như việc xả bớt gánh nặng tâm lý”, Seth Stephens-Davidowitz nói. Ông là tác giả của quyển sách đang bán chạy mới xuất bản hồi tháng 5/2017: Everybody Lies: Big Data, New Data, and What the Internet Can Tell Us About Who We Really Are (Mọi người đều nói dối: Dữ liệu lớn, dữ liệu mới và những gì mà internet có thể cho chúng ta biết rằng chúng ta thật sự là ai).

Seth Stephens-Davidowitz là một nhà khoa học dữ liệu từng làm việc cho Google, nhà kinh tế học được đào tạo ở Đại học Harvard và có bằng cử nhân tâm lý của Đại học Stanford – một nhà khoa học dữ liệu bị hấp dẫn bởi những câu hỏi lớn hơn của cuộc đời.

Những gì chúng ta nói với người khác và cả với chính mình khác với cách chúng ta hành động khi tìm kiếm trên Google – đó chính là những gì được bộc lộ khi chúng ta cảm thấy không có ai đang nhìn mình. Nhưng, dĩ nhiên là có ai đó đang nhìn, Google đã để cho các nhà nghiên cứu và các bên quan tâm tiếp cận dữ liệu này (không nhằm xác định tính cách của người tìm kiếm). Với những người như Stephens-Davidowitz, đây là một “mỏ vàng” dữ liệu.

Một trong những điều mà kho dữ liệu chân thật này nói lên là giữa “bản ngã” Facebook và bản ngã “Goolge” tồn tại một khác biệt đáng chú ý. Facebook là nơi công chúng nhìn vào, nơi “thành kiến mong muốn xã hội” can dự vào và ảnh hưởng đến những niềm tin được biểu lộ của chúng ta. Những thông tin tìm kiếm trên Google, ngược lại, giải phóng chúng ta khỏi sự quản thúc của những kỳ vọng xã hội – để nói lên “cái tôi” chân thật hơn và có lẽ ít được mong đợi hơn.

Nếu như trên mạng xã hội, các ông chồng thường được miêu tả là “tuyệt vời nhất” hoặc “người bạn tốt nhất của tôi”, thì qua tìm kiếm Google lại tập trung vào những cụm từ tiêu cực hơn như “kẻ ngớ ngẩn” hay “gây bực dọc”. “Tôi nghĩ khá là thú vị khi biết rằng chúng ta có nhiều nhân dạng. Thường thì chúng ta chỉ thấy được một trong những nhân dạng này, là nhân dạng bề ngoài”, nhà khoa học từng nghiên cứu dữ liệu tìm kiếm qua Google trong 5 năm nói.

“Tôi nghĩ rằng có những kịch bản mà trong đó một người không thể nói điều gì đó với bạn đời của mình, nhưng lại có thể nói với Google”, ông cho hay. Công cụ tìm kiếm qua Google đã trở thành một nhà tâm lý trị liệu không phán xét. Với Stephens-Davidowitz, thói quen tìm kiếm qua Google của chúng ta làm ông nhớ tới việc xưng tội trong đạo Công giáo. Từ những gì mọi người đang tìm kiếm, bạn thấy được những gì họ thật sự suy nghĩ, thật sự muốn và thật sự khao khát. Không chỉ thế, “rất nhiều suy nghĩ rập khuôn, rất nhiều điều chúng ta nghĩ về thế giới đều nhầm to”.

Cách đây 5 năm, có một câu chuyện lan truyền trên mạng là nhà bán lẻ Target biết được rằng một thiếu nữ trung học đang mang thai trước khi cha của cô biết chuyện này. Cha của cô gái ấy chỉ biết chuyện khi nhận được những phiếu giảm giá liên quan đến mang thai từ Target! Vấn đề đặt ra là nếu như Google biết rõ về chúng ta hơn cả bạn bè, gia đình và nửa kia của chúng ta, điều đó cũng chỉ ra một trách nhiệm ngầm có. Là một chuyên gia trị liệu tâm lý không chính thức hay “phòng xưng tội”, Goolge có một vị trí liên đới xa hơn là nhiệm vụ liệt kê danh sách những nhà hàng ngon nhất trong một thành phố.

Quyền lực lớn cũng có nghĩa là trách nhiệm lớn. Phân tích dự đoán, đặc biệt là trong lĩnh vực sức khỏe, đã làm dấy lên mối quan tâm về cách sử dụng kho dữ liệu đồ sộ này. “Bạn có thể chẩn đoán bệnh, chống lại sự thù ghét, hoặc giúp đỡ trẻ đang bị lạm dụng. Có những khía cạnh đen tối hơn đang tiềm tàng”.

“Tôi không nghĩ dữ liệu lớn là tốt hay xấu”, Stephens-Davidowitz nói, “Dữ liệu lớn thì đầy sức mạnh và ảnh hưởng”.

“Kinh tế học hài hước về thuốc kích thích cơ bắp – quyển sách này thể hiện cách mà dữ liệu lớn có thể mang lại lời đáp mới mẻ, đầy ngạc nhiên cho những câu hỏi thú vị và quan trọng. Seth Stephens-Davidowitz làm cho phân tích dữ liệu trở nên sống động với phong cách dí dỏm, sắc nét và là một giới thiệu tuyệt vời về cách mà dữ liệu lớn đang định hướng ngành khoa học xã hội” – Raj Chetty, giáo sư kinh tế của Đại học Stanford.

Theo DNSG