Đào tạo Đừng nên hỏi : Sếp ơi ! Em nên làm thế nào?

Đừng nên hỏi : Sếp ơi ! Em nên làm thế nào?

13
Nhiều nhân viên vốn được đánh giá là thông minh và có năng lực vẫn thường cầu cứu cấp trên của mình bằng những câu hỏi kiểu như “theo anh, em nên làm gì?” hay “em phải làm như thế nào…?’

Để vươn tới vị trí hiện tại, dù bạn là người thông minh với nền tảng học vấn vững chắc cùng vốn kinh nghiệm tương đối trong lĩnh vực của mình hay một người trẻ tuổi, đầy hoài bão và có khả năng giải quyết vấn đề tốt thì việc hỏi những câu kiểu như “tôi nên làm như thế nào…” là điều tối kỵ.

Nếu bạn mới vào nghề, chẳng có gì sai trái khi bạn cảm thấy bỡ ngỡ và lúng túng với mọi việc. Bất kỳ ai vào bất kỳ thời điểm nào cũng có thể trải qua những phút lúng túng do thiếu thông tin như thế. Tuy nhiên, vượt qua những tình huống khó khăn đó như thế nào lại phụ thuộc vào cách xử lý của mỗi người.

Khi bạn không chắc mình cần làm gì và làm như thế nào, đừng chỉ im lặng và ngay lập tức cầu cứu người khác giúp đỡ.

Thay vì thế, hãy cứ bắt đầu với những gì bạn biết và tin rằng mình nên làm, vạch ra định hướng theo chủ đích của mình (có lập luận cho định hướng đó) sau đó đưa ra đề xuất và lắng nghe góp ý từ cấp trên. Hãy xem điều này có ý nghĩa thế nào qua ví dụ sau đây:

Câu chuyện dưới đây về Jonathan – một nhân viên phân tích trẻ tuổi tại công ty tài chính. Jonathan có nhiệm vụ lập dự toán tài chính cho một công ty mới khởi nghiệp nhưng anh khá lúng túng. Jonathan không có đủ thông tin để đưa ra dự đoán về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cận biên của doanh nghiệp này. Điều này dễ khiến Jonathan cảm thấy bế tắc và mau chóng cầu cứu cấp trên.

Nếu là cấp trên của Jonathan, tôi sẽ không muốn là người cầm tay chỉ việc cho nhân viên Tôi muốn nhân viên sẽ chủ động đưa ra ý kiến của họ. Tôi muốn họ tự tìm hiểu vấn đề và trình bày phương án giải quyết vấn đề đó sau khi đã có nghiên cứu về nó. Tôi muốn họ đưa ra lập luận về một phương án cụ thể hoặc đưa ra một loạt các giả thiết, sau đó lắng nghe tôi nhận xét về tính đúng đắn của phương án đề ra.

Tôi chờ đợi Jonathan sẽ nói với tôi như sau:

“Em muốn trình bày về dự toán tài chính cho dự án của Zeller. Chúng ta không có đầy đủ thông tin từ phía Zeller để đưa ra dự đoán về tỷ lệ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cận biên.

Tuy nhiên, dựa trên dữ liệu về một số công ty có quy mô tương đương trong ngành, em cho rằng chúng ta nên để tỷ lệ tăng trưởng là 4%/ năm và lợi nhuận cận biên 25%/ năm. Không biết ý anh thế nào?

Nếu Jonathan đúng, tôi sẽ nhất trí với ý kiến anh ấy đưa ra. Anh ta quả đã chứng minh được mình cừ thế nào.

Nếu Jonathan sai, ít ra anh ta cũng có dịp thế hiện chính kiến có được từ quá trình tìm hiểu sâu về vấn đề và đưa ra những kết luận của bản thân.

Nếu như vậy, tôi sẽ nhận xét:

Jonathan à, thực chất tôi nghĩ 4% là hơi thấp. Dựa trên nỗ lực phát triển sản phẩm của công ty này, tôi nghĩ chúng ta có quyền kỳ vọng một con số ấn tượng hơn chẳng hạn như 7% và giữ mức lợi nhuận cận biên ở mức 22%.

Jonathan cảm thấy gì sau khi tôi nhận xét như vậy. Anh ấy liệu có bẽ bàng khi bị tôi phản bác đối ý kiến ? Hoàn toàn không, Phân tích của Jonathan chưa chính xác nhưng ít ra phân tích đó có giá trị bởi nó được đưa ra từ quá trình đào sâu suy nghĩ.

Mặc dù không đồng ý với Jonathan nhưng tôi ghi nhận dẫu sao anh ta đã có thái độ tích cực để tìm ra giải pháp. Chính ý kiến của anh ta cũng giúp tôi dễ đưa ra phản hồi và những lời khuyên cần thiết.

 Thay vì phải tính toán lại những con số ban đầu, tôi chỉ cần bổ sung đánh giá về thông tin đưa ra theo nhận định của mình và giúp nhân viên tìm ra hướng giải quyết tối ưu hơn. Như vậy, nhân viên đã cùng tôi tìm ra câu trả lời đúng.

Thế nhưng, dưới đây mới chính xác là những gì Jonathan đã nói với tôi

“Sếp à, em cần anh hỗ trợ để hoàn thành bản dự toán tài chính của Zeller. Em không có đủ thông tin cần thiết và không biết phải dựa vào cơ sở nào để đưa ra dự đoán về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cận biên.”

Qua cuộc nói chuyện trên, tôi nghĩ gì về anh chàng nhân viên này? Anh ta có phải là người thông minh? Tôi không chắc. Anh ta có phải là người lười biếng? Có thể. Anh ta có phải là người biết cách giải quyết vấn đề? Câu trả lời đã rõ.

Tôi sẽ đánh giá cao một người biết đưa ra chính kiến và đóng góp ý kiến của bản thân thay vì một người không thể đưa ra một nhận xét nào và chỉ luôn cầu viện người khác giúp đỡ. Vì vậy, đừng im lặng.

Đừng ngồi yên một chỗ. Hãy đào sâu suy nghĩ về vấn đề bạn đang gặp phải, tự xác định những gì cần làm, nếu thấy những điều đó là cần thiết thì hãy tiến hành. Người mắc sai lầm không đáng trách. Chỉ những ai không làm gì mới thực sự đáng trách.

Theo quantritructuyen