Con người Tất tần tật những thông tin ẩn sâu về thói trì hoãn...

Tất tần tật những thông tin ẩn sâu về thói trì hoãn mà ai cũng cần phải thay đổi

17
Nếu bạn nhận thấy rằng mình có thói quen hay trì hoãn lại những nhiệm vụ quan trọng hết lần này đến lần khác, thì bạn có thể yên tâm rằng có rất nhiều người mắc phải thói quen không tốt này.


Ảnh minh họa

Thói trì hoãn chắc hẳn là một thói xấu mà ai cũng muốn sửa ngay lập tức. Đây được coi là một trong những kẻ thù lớn nhất đối với thành công và hạnh phúc của bạn bởi nó ngăn cản bạn dấn thân và hành động vì mục tiêu đã định. Hay nói cách khác, thói quen TRÌ HOÃN chính là công thức cho sự THẤT BẠI.

Trên thực tế, mỗi người trì hoãn công việc theo nhiều mức độ – nhưng một vài người cố để sự trì hoãn này ảnh hưởng thành một thói quen xấu, làm cản trở sự thăng tiến cũng như phá vỡ sự nghiệp của họ. Chìa khóa để kiểm soát thói quen xấu này là bạn phải nhận thức được khi nào mình bắt đầu chần chừ với công việc, và tại sao lại như vậy, sau đó tận dụng những bước dưới đây để bắt đầu quản lý thời gian và vượt qua thói quen hay trì hoãn.

Chắc hẳn đây không phải là một chủ đề mới trên các phương tiện báo chí truyền thông. Đọc thì có vẻ thấy thói xấu này dễ sửa đổi nhưng chắc không có mấy ai áp dụng luôn và ngay. Bài báo này sẽ phân tích ngọn ngành thói xấu này và bắt đầu bằng biểu đồ biểu thị quá trình trì hoãn như sau:

Chắc chắn có rất nhiều người sau một ngày dài làm việc luôn muốn trở về nhà và hoàn thành xong một việc quan trọng nào đó để không phải kéo dài thêm chuỗi ngày mệt mỏi nữa. Tâm trí thúc giục phải làm xong việc ấy ngày hôm nay nhưng tay lại chực ấn vào facebook và nhấn nút F5 liên tục xem hôm nay dân mạng review phim bom tấn này thế nào hay cô nhân viên mới vào tối nay có đi chơi với ai không. Và cứ như thế, cả buổi tối chẳng làm được gì ngoài lướt facebook, còn công việc cần hoàn thành thì thôi “để mai tính”.

Vậy là bạn lại một lần nữa đánh cắp thời gian của chính mình, thói trì hoãn rồi cũng sẽ có ngày thành bệnh ăn sâu không chữa được. Nhìn vào biểu đồ kia nhé, cột màu đỏ bao gồm tất cả những cảm xúc tiêu cực liên quan đến việc tập trung làm một việc có ích. Những thứ như thiếu ngủ, đầu óc mệt mỏi, bị phân tâm bởi những vấn đề cá nhân hay lo sợ rằng các đồng nghiệp chê cười, mỉa mai ý tưởng mới của mình trong buổi thuyết trình sắp tới đây.

Cột màu xanh bao gồm tất cả những cảm xúc tích cực liên quan đến quá trình hoàn thành một việc có ích. Những cảm xúc như niềm vui thú sáng tạo, nhẹ nhõm khi biết rằng đã viết xong một bài luận, cười khúc khích khi những câu đùa tự nhiên hiện ra trong đầu, niềm vui sướng giản đơn khi có thể giúp đỡ người khác bằng một vài lời khuyên, và những thứ tương tự.

Bạn có thể thấy rõ rằng, cột đỏ – tập hợp của những cảm xúc tiêu cực – cao hơn cột xanh – tập hợp của những cảm xúc tích cực. Biểu mẫu phía trên rất đơn giản nhưng lại giải thích được tại sao ta thường không làm những gì nên làm. Bạn không bao giờ đề nghị tăng lương. Bạn không bao giờ ngỏ lời với người bạn thích. Bạn luôn quên gọi cho mẹ. Những cảm xúc tiêu cực lấn át những cảm xúc tích cực, và vì vậy ta né tránh điều khiến ta không thoải mái, ngay cả khi điều đó khiến cuộc sống của ta trở nên tệ hơn.

Thường thì phải chờ đến đêm trước ngày deadline, đến khi có người la ó với bạn rằng nguy cơ thất bại rất gần kề, thì phương trình mới đảo chiều, áp lực trở nên quá lớn và những cảm xúc tích cực để làm việc cần làm mới lấn át được những cảm xúc tiêu cực. Không làm khiến ta khó chịu hơn là có làm, và đó là lúc mọi chuyện được hoàn tất.

Một là tạo nên một thứ thường gọi là “tình thế không thể quay đầu”. Về căn bản nó có nghĩa là bạn tạo ra một tình thế khiến việc không làm điều gì đó trở nên khó khăn hơn là có làm. Ví dụ, nếu bạn muốn giảm cân, bạn có thể mua một vé tập gym trong 1 năm. Bởi vì xót số tiền đã bỏ ra nên chắc chắn dù có phải vác xác đi tập gym thì bạn cũng sẽ cố gắng dùng hết “quyền hạn” của tấm vé ấy.

Hai là nếu bạn muốn làm gì – bất kỳ điều gì – thì hãy bắt đầu với phần đơn giản nhất của điều đó. Tác giả Mark Manson gọi đây là “Nguyên lý làm một điều gì đó”. Quay trở lại với ví dụ tập gym. Chỉ cần bảo bản thân mặc bộ đồ gym. Đơn giản thôi. Rồi một khi đã mặc đồ gym rồi, bạn sẽ cảm thấy thật ngu ngốc nếu mình không tập thể dục. Vậy nên bạn tập thể dục.

“Nguyên lý làm một điều gì đó” lợi dụng việc hành động vừa là căn nguyên của động lực vừa là kết quả của động lực. Và một khi bạn làm một hành động nhỏ, đơn giản, bên trong bạn sẽ tạo đà, khiến cho những việc còn lại trở nên đơn giản hơn.

Tuy nhiên, đó chỉ như những biện pháp “sơ cứu” thôi. Chúng sẽ giúp bạn qua ngày, những không thể giải quyết sự lười biếng cả đời. Bởi vì nếu bạn cũng như đa số mọi người, bạn luôn trì hoãn hết lần này đến lần khác. Không có điểm dừng. Và đó là vì có một vấn đề thâm sâu hơn đằng sau điều này.

Nguyên nhân gốc rễ của sự trì hoãn
Vấn đề là như thế này. Nếu là một chuyện ngu ngốc và nhàm chán như là đi đổ rác, ta đều biết tại sao ta trì hoãn. Rác rất bẩn lại còn bốc mùi nữa. Cầm bịch rác mang ra ngoài khiến ta khó chịu. Ta lười. Và những lý do tương tự.

Thường thì phải đến khi rác chất đầy nhà và lan tỏa một mùi khủng khiếp của rau củ thối rữa khắp nơi, ta mới cảm thấy có đủ động lực để làm một điều gì đó. Cụ thể trong trường hợp này thì phải nhanh chóng vứt rác ngay nếu không muốn cả quần áo, đầu tóc bị mùi rau củ thối ám quanh người.

Nhưng còn những việc quan trọng và đôi khi là việc cá nhân mà ta trì hoãn thì sao? Xin việc mới. Gọi thợ sửa điều hòa. Chia tay bạn trai. Bắt đầu việc kinh doanh trên mạng. Viết luận án thạc sĩ.

Đây là những sự việc gây căng thẳng cho cảm xúc một cách sâu sắc. Và vì thế, ta làm mọi cách để né tránh chúng, trì hoãn vô thời hạn dù ta biết đó là những điều tốt nhất cho ta. Loại trì hoãn này – “Ô, một ngày nào đó tôi sẽ quay lại và làm sau cũng được” – cứ lặp đi lặp lại và hành hạ ta, nhưng hai cột xanh đỏ lại không bao giờ cân bằng để ta có thể thực sự bắt tay vào làm việc.

Đây là do việc đằng sau sự trì hoãn kinh tồi tệ nhất của ta là nỗi sợ thâm sâu không chịu rời đi. Có thể là sợ thất bại. Có thể là sợ thành công. Có thể là sợ bị tổn thương. Hoặc có thể là sợ làm tổn thương người khác. Nhưng luôn có một nỗi sợ đằng sau loại trì hoãn này.

Chắc hẳn là bạn có nghe nói về Định luật Parkinson: “Công việc nảy sinh thêm để lấp đầy thời gian được ấn định cho nó” (work expands so as to fill up the time available for its completion). Vậy nên dù bạn có hai tuần hay hai ngày để hoàn thành dự án, bạn luôn cảm thấy bạn cần phải dành toàn bộ thời gian bạn có để làm.

Còn trong Định luật Murphy kinh điển thì “Điều gì có thể trở nên xấu đi, sẽ trở nên xấu đi” (Whatever can go wrong, will go wrong).

Riêng với tác giả Mark Manson, anh cũng có một định luật riêng muốn mọi người áp dụng thử xem sao:

Một thứ càng đe dọa đến danh tính của bạn, bạn sẽ càng né tránh nó.

Có nghĩa là một thứ càng đe dọa đến cách bạn nhìn nhận bản thân, cách bạn tin vào bản thân, bạn sẽ càng trì hoãn việc bắt tay vào làm nó.

Điều cần chú ý nhất về Định luật Manson là nó có thể áp dụng với cả những điều tốt lẫn xấu trong cuộc sống. Làm ra được một triệu đô la có thể đe dọa danh tính của bạn cũng nhiều như việc mất toàn bộ tiền. Trở thành ngôi sao nhạc rock có thể đe dọa danh tính của bạn cũng nhiều như việc mất đi công việc. Đó là lý do người ta lại sợ thành công – cùng một lý do với sợ thất bại – nó đe dọa con người họ và những gì họ biết ở hiện tại.

Đó là những quyết định quan trọng mà ta luôn bỏ qua vì chúng đe dọa cách ta nhìn nhận và cảm nhận về bản thân. Manson có một người bạn, suốt một khoảng thời gian dài, anh ta nói về việc sẽ đăng tải các tác phẩm của mình trên mạng và từ đó bắt đầu sự nghiệp họa sĩ chuyên nghiệp (hoặc ít nhất là bán chuyên). Anh ta nói về điều đó hàng năm trời. Anh ta tiết kiệm tiền. Anh ta còn tạo một số website và đăng tải tác phẩm của mình.

Nhưng anh ta không bao giờ bắt đầu vì luôn có vài lí do. Độ phân giải của các tác phẩm không đủ tốt. Hoặc anh ta vừa vẽ một bức đẹp hơn. Hoặc anh ta không thể sắp xếp để dành đầy đủ thời gian cho việc này. Mấy năm trôi qua và anh ta không bao giờ thực hiện được mong muốn của mình vì dù luôn mơ ước, việc trở thành một nghệ sĩ sẽ đe dọa danh tính không phải nghệ sĩ.

Khi ta luôn có một niềm tin về con người của chúng ta thì ta sẽ bảo vệ những niềm tin này. Thường thì, điều khó làm nhất trong cuộc sống đều có những trở ngại tâm lý. Dù là dành thời gian để học và cải thiện điểm số, hay im lặng và viết về ý tưởng mà bạn vẫn luôn nói với người khác, ta né tránh những điều này vì theo một cách nào đó chúng mâu thuẫn với những niềm tin về bản thân mà ta có.

Niềm tin luôn được ưu tiên. Cho đến khi ta thay đổi cách ta nhìn nhận bản thân, thay đổi những gì ta tin và không tin ở bản thân, ta không thể chấp nhận những quyết định và hành vi mà ta dành quá nhiều thời gian để né tránh.

Phật giáo nhấn mạnh việc từ bỏ quan niệm rằng chúng ta thật sự tồn tại. Điều đó có nghĩa là, xét trên phương diện tâm lý học, quan niệm “bạn” là ai được xây dựng xuyên suốt cuộc đời với rất nhiều những điều ngẫu nhiên. Phật giáo cho rằng điều này thật ra đang đánh lừa bạn và tốt nhất bạn nên từ bỏ nó.

Nghe có vẻ khó tin, nhưng điều này đem lại một số lợi ích tâm lý. Khi ta từ bỏ những điều ta nói về bản thân, với bản thân, ta giải thoát bản thân để thật sự hành động (và thất bại) và trưởng thành.

Khi người vợ thừa nhận, “Có lẽ em không phải người vợ tốt hay không giỏi trong các mối quan hệ,” thì cô ấy tự nhiên sẽ hành động thoải mái và kết thúc cuộc hôn nhân đổ vỡ. Cô ấy không còn phải bảo vệ danh tính nữa.

Khi một nhân viên giám định bảo hiểm thừa nhận, “Có lẽ ước mơ và công việc của mình không có gì độc đáo hay đặc biệt cả,” thì anh ta sẽ thoải mái thực hiện những điều mình ấp ủ và xem chuyện gì sẽ xảy đến.

Đôi khi, chúng ta thường hay làm quá những vấn đề của bản thân mà không dám đi tìm gốc rễ của vấn đề ấy. Thực chất là cả bản thân chúng ta và những vấn đề chúng ta gặp hầu như chẳng có gì đặc biệt cả.

Hãy cắt nghĩa lại bản thân theo một cách bình thường và phóng khoáng. Hãy từ bỏ một số quan niệm lớn lao và tốt đẹp về bản thân: rằng bạn thông minh xuất chúng, hoặc có tài đặc biệt, hoặc có sức quyến rũ, hoặc bị đối xử tàn nhẫn mà người khác không thể tưởng tượng được.

Tức là, chọn cách nhìn nhận bản thân không phải là một ngôi sao đang lên hay thiên tài sắp nổi. Chọn cách nhìn nhận bản thân không phải một nạn nhân đáng thương hay một sự thất bại tồi tệ. Thay vào đó, hãy nhìn nhận bản thân là những điều đơn giản: một học sinh, một người yêu, một người bạn, một người sáng tạo.

Cắt nghĩa bản thân theo cách đơn giản và tầm thường nhất có thể. Vì bạn chọn danh tính càng hẹp và hiếm, thì bạn càng dễ bị những thứ khác đe dọa. Và đe dọa sẽ dẫn đến né tránh, sợ hãi, và trì hoãn những việc quan trọng.

Theo Trí Thức Trẻ