Kiến thức quản trị Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Doanh nghiệp không chỉ cần hoa...

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Doanh nghiệp không chỉ cần hoa hồng

20
Tinh thần đã có sẵn nhưng doanh nghiệp không chỉ cần hoa hồng mà còn cần cả bánh mỳ.


Ảnh minh họa

“Bánh mỳ cho doanh nghiệp là gỡ bỏ bớt các điều kiện kinh doanh, giảm chi phí kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp phải thể hiện bằng các con số”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trao đổi với báo chí nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, 13/10.

Ông đánh giá như thế nào về đề xuất cắt giảm hơn 600 điều kiện kinh doanh của Bộ Công thương vừa qua?

Trước đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra yêu cầu phải cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng vẫn có sự nghi ngờ về việc thực thi của các bộ, ngành. Nhưng khi Bộ Công thương thực hiện thì nghi ngờ kia đã dần được loại bỏ. Nếu Chính phủ quyết tâm gỡ bỏ 40-50% điều kiện trong chương trình hành động thì là điều tuyệt vời. Bỏ bớt được điều kiện kinh doanh sẽ tạo được động lực mới, cởi trói cho doanh nghiệp phát triển. Bộ Công thương là cơ quan đang quản nhiều điều kiện kinh doanh nhất mà đi đầu trong việc cắt giảm thì có nghĩa là các bộ ngành khác, cơ quan khác cũng có thể làm được. Tất nhiên, người dân, doanh nghiệp phải giám sát và cũng tránh tình trạng điều kiện kinh doanh “đầu thai kiếp khác”, cắt đầu này, nảy nở đầu kia như trước đây. VCCI sẽ tiếp tục rà soát cùng với các doanh nghiệp, hiệp hội… nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật. Với tinh thần mới, sáng kiến của VCCI và cộng đồng doanh nghiệp hy vọng sẽ có đóng góp tốt hơn cho công cuộc cải cách.

Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc tạo môi trường kinh doanh, ông cũng nói nhiều đến nỗ lực của bản thân doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay?

Chính phủ chỉ định hướng, hỗ trợ, còn thành bại là việc của doanh nhân, doanh nghiệp. Hội nhập là việc của doanh nghiệp, doanh nhân. Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã tiếp cận được các chuẩn mực toàn cầu, theo hướng phát triển bền vững. Nhưng không phải chỉ doanh nghiệp lớn mới cần đi theo mô hình đó mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và các doanh nghiệp siêu nhỏ cũng phải đi theo hướng này để lớn lên. Trong thời điểm hiện nay nếu không đạt được tiêu chuẩn toàn cầu và yếu tố bền vững thì doanh nghiệp sẽ sụp đổ trong tương lai. Còn các SME và doanh nghiệp siêu nhỏ nếu đạt được chuẩn mực quốc tế sẽ có cơ hội lớn mạnh. Phát triển theo hướng bền vững chính là giấy thông hành của doanh nghiệp để tiếp cận thị trường thế giới.

Hiện nay, vốn có phải vấn đề khó khăn với SME và doanh nghiệp siêu nhỏ không?

Tiếp cận tài chính với SME đang là vấn đề quan trọng. SME còn rất khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng do không có tài sản thế chấp trong khi nguyên tắc cho vay của các ngân hàng lại dựa phần lớn vào tài sản bảo đảm. Chính vì vậy, Chính phủ đang khuyến khích hình thức cho vay tín chấp, cho vay theo chuỗi, theo mạng lưới… để giúp SME giải quyết khó khăn tài chính.

Một trong những nội dung thảo luận của chúng tôi tại Hội nghị thượng đỉnh APEC lần này cũng là làm thế nào tạo điều kiện cho SME tiếp cận nguồn lực tài chính, đặc biệt tài chính vi mô. Chính phủ cũng đã có chủ trương thúc đẩy mô hình này bên cạnh hệ thống ngân hàng khuyến khích các SME và doanh nghiệp siêu nhỏ vay thông qua nhiều hình thức. Vừa qua, Chính phủ cũng thúc đẩy các ngân hàng tăng cường tín dụng cho khối SME và tìm cách hạ thấp lãi suất cho vay… Tất cả động thái này để thúc đẩy phát triển SME thời gian tới.

Hội nhập không thể chỉ có doanh nghiệp lớn mà phải bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ, theo ông làm thế nào để quốc tế hoá các doanh nghiệp nhỏ?

Trước kia chỉ có mấy chục doanh nghiệp ngoại thương kinh doanh hoạt động xuất nhập khẩu nhưng nay ta đã có hàng ngàn doanh nghiệp. Tương lai của nền kinh tế là hàng triệu doanh nghiệp nhỏ tham gia vào nền kinh tế thế giới với trợ giúp của mạng internet thì chỉ một doanh nghiệp nhỏ ngồi ở Tây Bắc hay Tây Nguyên có thể cung ứng hàng ra thế giới. Thương mại điện tử đang là nền tảng để SME lớn lên và có được lợi thế thâm nhập thị trường toàn cầu.

Sắp tới, trong hội nghị APEC, chúng tôi sẽ thảo luận làm sao quốc tế hoá các SME và doanh nghiệp siêu nhỏ. Muốn thế, các SME và doanh nghiệp siêu nhỏ phải vươn tới chuẩn mực quốc tế, có sự độc đáo của doanh nghiệp Việt Nam, gắn với lợi thế nổi trội của Việt Nam như du lịch, nông nghiệp. Tất nhiên, thách thức của quá trình này không nhỏ, đòi hỏi sáng tạo, đổi mới và nỗ lực vượt bậc của doanh nghiệp trong tái cấu trúc để nâng cao chuẩn mực của mình.

Tại sao chúng ta đã cố gắng nhưng lại chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, thưa ông?

Chúng ta đã có những doanh nghiệp lớn như Viettel, Bảo Việt… nhưng thời gian vừa rồi tăng trưởng của đa số các doanh nghiệp nói chung chủ yếu theo chiều rộng, về mặt số lượng, dựa nhiều vào tài nguyên và lao động giá rẻ nên khó có doanh nghiệp chất lượng thực sự. Số lượng doanh nghiệp được thế giới ghi nhận, tôn vinh, xếp hạng còn quá ít, nên bên cạnh phát triển SME thì cũng cần thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp lớn nhưng phải theo phương thức cạnh tranh và theo xu hướng của cuộc cách mạng lần thứ 4, nâng cao trình độ quản trị, công nghệ chứ không phải là những doanh nghiệp lớn dựa trên cơ sở khai thác tài nguyên hay lao động giá rẻ. Khi doanh nghiệp lớn theo hướng đó thì cũng có nghĩa là giúp nền kinh tế Việt Nam lớn lên. Còn cứ chạy theo chiều rộng thì doanh nghiệp lớn lên nhưng nền kinh tế không lớn lên được, về dài hạn không thể cạnh tranh, không duy trì được tăng trưởng.

Cảm ơn ông!

Ông Trịnh Minh Giang, Chủ tịch Nhóm công tác khởi nghiệp sáng tạo của Diễn đàn Kinh tế tư nhân (VPSF):

Vai trò doanh nghiệp tư nhân đã cao hơn rất nhiều

Rất dễ nhận thấy có một làn sóng thay đổi nhận thức quản lý để đưa ra các chính sách phù hợp hơn. Trước đây không có chuyện doanh nghiệp tư nhân ngồi cùng Chính phủ, bộ ngành bàn về chính sách nhưng bây giờ đã khác. Vai trò doanh nghiệp tư nhân đã cao hơn rất nhiều. Một thuận lợi khác nữa là các hạ tầng liên quan đến công nghệ đang vượt qua các giới hạn mà trước đây mọi người không hình dung được, chẳng hạn, đường truyền, lưu trữ, quản lý dữ liệu và quyền sử dụng các thành quả công nghệ đã có. Trước đây, start-up muốn làm thử nghiệm rất khó vì chưa có hạ tầng. Còn hiện nay, với chi phí không lớn, mọi người đều có thể sử dụng hạ tầng này, thậm chí, có thể sử dụng hệ thống dịch vụ, trí tuệ nhân tạo của các công ty công nghệ lớn.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam vẫn còn thiếu chính sách hỗ trợ, công cụ để bảo vệ các nhà đầu tư. Ở nước ngoài có các hình thức đầu tư như khoản vay chuyển đổi, trái phiếu chuyển đổi. Thay vì việc đầu tư thì họ có thể cho vay. Đến thời điểm tốt thì có thể tiến hành chuyển đổi. Việt Nam tới nay vẫn chưa có những hướng dẫn cụ thể về việc doanh nghiệp mới khởi nghiệp được phép phát hành trái phiếu hoặc phát hành khoản vay như thế. Bên cạnh đó cũng chưa có cơ chế cho phép ngân hàng hỗ trợ các công ty khởi nghiệp sáng tạo. Còn một bất cập nữa liên quan tới chính sách cho các công ty tổ chức không gian làm việc cho các start-up. Hiện, các công ty này phải hoạt động theo cơ chế một doanh nghiệp bất động sản tức là phải có vốn pháp định 20 tỷ. Với số vốn lớn như vậy nên sẽ hạn chế các công ty có thể tổ chức được không gian làm việc chung. Với mô hình đang rất cần hỗ trợ thì lại có điều kiện khó khăn như vậy nên rất cần Chính phủ xem xét, nghiên cứu.

Duy Đăng (Ghi)

Theo baogiaothong