Tin tức lưu trữ Định hướng phát triển sản phẩm MISA trong năm 2018

Định hướng phát triển sản phẩm MISA trong năm 2018

264
Đi tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, MISA đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các sản phẩm, tạo ra những “con người số” có khả năng phân tích và xử lý dữ liệu và giao tiếp bằng ngôn ngữ tự nhiên với con người, bao gồm Giám đốc tài chính số trong phần mềm AMIS.VN; Nhân viên phục vụ order số trong phần mềm CUKCUK.VN; Trợ lý nhập điểm số trong phần mềm QLTH.VN; Trợ lý nhân sự số trong phần mềm QLCB.VN.

Phó Chủ tịch HĐQT Nguyễn Xuân Hoàng

Năm 2018, với tinh thần Nhanh hơn – Thông minh – Hiệu quả hơn, MISA sẽ tiếp tục phát triển những sản phẩm thông minh hơn, giúp khách hàng xử lý công việc nhanh hơn và mang lại hiệu quả cũng như sự trải nghiệm tuyệt vời cho người sử dụng.
1. Tính năng thông minh
Năm 2018, MISA tiếp tục nâng cấp sản phẩm, tạo ra nhiều những tính năng thông minh hơn để ngày càng phát triển và mang đến nhiều giá trị cho xã hội, bao gồm những tính năng sau:
Nhập liệu thông minh
MISA sẽ ứng dụng công nghệ nhận dạng hình ảnh và học máy (machine learning) giúp cho việc nhập dữ liệu nhanh chóng hơn. Ví dụ hóa đơn, chứng từ chỉ cần dùng điện thoại chụp ảnh hoặc scan, phần mềm kế toán sẽ tự phân tích thông tin để chuyển thành hóa đơn, chứng từ vào máy tính mà không phải nhập dữ liệu bằng tay.
Với các thông tin khách hàng hoặc nhà cung cấp, người dùng chỉ cần nhập mã số thuế hoặc một thông tin định danh đặc biệt của doanh nghiệp, hệ thống sẽ tự kết nối với danh bạ trên Internet để điền các thông tin của chủ thể này. Ngoài ra, hệ thống cũng sẽ tự cập nhật thông tin của chủ thể này khi có thay đổi.
Với các nội dung khác, quá trình nhập dữ liệu hàng ngày trên phần mềm sẽ được cơ chế học máy ghi nhận lại như nhập thông tin gì, thói quen nhập thông tin gì trước, thông tin gì sau…, để từ đó khi nhập một chứng từ mới, phần mềm sẽ tự động nhận diện và gợi ý lặp lại phương cách đó, người dùng chỉ việc xác nhận và chỉnh sửa một vài thông tin là xong.
Xử lý nghiệp vụ thông minh

MISA sẽ tận dụng tối đa các công nghệ 4.0 để giúp xử lý các nghiệp vụ hàng ngày của khách hàng một cách thông minh hơn, tối ưu hơn qua một số ví dụ sau đây.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tự động phân loại và định khoản giao dịch.
Các phần mềm kế toán hoặc Sổ thu chi kết nối với ngân hàng hoặc kho bạc có thể giúp tự động tải về sao kê các giao dịch đã thực hiện. Cơ chế học máy sẽ giúp phần mềm tự phân loại, định khoản hoặc điền các thông tin còn thiếu để chuyển các giao dịch này thành các chứng từ kế toán, hay giao dịch thu, chi mà không cần sự can thiệp của người dùng.
Ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big Data) để giúp doanh nghiệp nhanh chóng định giá khi mua, bán hàng.
Doanh nghiệp mỗi khi cần mua một mặt hàng, làm sao biết nhà cung cấp nào bán giá tốt nhất, hay khi cần bán một mặt hàng thì làm sao biết đặt giá bao nhiêu để có lợi nhuận tốt mà vẫn cạnh tranh? Việc tìm kiếm thông tin thường sẽ mất rất nhiều thời gian trong hàng triệu nhà cung cấp hàng hóa trên toàn thế giới. Sử dụng công nghệ tìm kiếm, thu thập và phân tích, xử lý dữ liệu lớn, MISA sẽ giúp doanh nghiệp nhanh chóng xác định được giá bán hay giá mua trung bình của thị trường hoặc giá tốt nhất của một mặt hàng để từ đó ra quyết định trong việc chọn nhà cung cấp hay định giá bán cho mặt hàng một cách tối ưu.
Ứng dụng công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Big Data) giúp phân tích, đánh giá khách hàng trong CRM.
Trong hàng ngàn khách hàng tiềm năng mà nhân viên kinh doanh mới thu thập được, đâu là khách hàng tiềm năng nhất? Phần mềm Bán hàng AMIS CRM sẽ tự động thu thập thêm thông tin của từng khách hàng tiềm năng trên kho dữ liệu sẵn có hoặc từ Internet, mạng xã hội… sau đó sẽ cho điểm và xếp hạng khách hàng theo tiềm năng từ cao đến thấp, ví dụ quy mô doanh nghiệp lớn, liên hệ có chức vụ/ vị trí quan trọng sẽ được cho điểm cao hơn doanh nghiệp nhỏ. Nhân viên kinh doanh sẽ ưu tiên chào bán cho những khách hàng có tiềm năng được xếp hạng cao, mang lại hiệu quả trong quá trình bán hàng.
Ứng dụng công nghệ Internet Vạn vật (Internet of Thing – IoT) để quản lý hàng hóa. 

Mỗi kiện hàng hóa sẽ được gắn một con chip nhỏ có khả năng gửi các thông tin như vị trí, nhiệt độ, độ ẩm môi trường… về trung tâm xử lý. Phần mềm dựa vào thông tin này sẽ giúp người quản lý kho biết được hàng hóa cần tìm nằm ở đâu, có còn trong kho hay không, cũng như biết được môi trường bảo quản có phù hợp không. Ngoài ra, dựa vào vị trí của kho và địa điểm (location) cần chuyển hàng đi, phần mềm sẽ giúp người dùng lựa chọn hàng hóa từ kho nào là tối ưu nhất khi cần chuyển cho khách hàng.
Phân tích và đưa ra lời khuyên về tình hình sức khỏe doanh nghiệp
Không chỉ đưa ra các chỉ số tài chính, phần mềm của MISA sẽ sử dụng các mô hình phân tích thống kê ứng dụng trí tuệ nhân tạo để đưa ra những dự báo về tình hình tài chính và kinh doanh của công ty trong tương lai gần, từ đó giúp chủ doanh nghiệp có thể thực hiện ngay các biện pháp phòng ngừa giúp ngăn chặn rủi ro.
2. Kết nối thông minh
Kết nối các khách hàng đang sử dụng phần mềm của MISA
Với hơn 155.000 khách hàng là các cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, nhà hàng, quán café, cửa hàng thời trang và hàng triệu người dùng cá nhân đang sử dụng các sản phẩm, MISA sẽ tạo ra một mạng lưới giúp kết nối tất cả các khách hàng lại với nhau. Mạng lưới này sẽ giúp khách hàng dễ dàng trao đổi thông tin hoặc sử dụng dịch vụ của nhau, trở thành bạn hàng của nhau một cách tin cậy. Ví dụ, doanh nghiệp bán hàng hóa gửi hóa đơn, chứng từ cho khách hàng cũng sử dụng phần mềm MISA trong mạng lưới, hóa đơn chứng từ sẽ tự động chuyển vào phần mềm MISA mà không cần phải nhập lại thông tin. Điều này giúp người sử dụng tiết kiệm thời gian hơn trong quá trình trao đổi, giao dịch.
Kết nối khách hàng MISA với các nhà cung cấp dịch vụ bên ngoài
Mạng lưới kết nối với các nhà cung cấp dịch vụ nhằm giúp các đơn vị trong mạng lưới có thể tìm kiếm và sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp nhanh chóng và thuận lợi nhất. Ví dụ các ngân hàng sẽ cung cấp các gói tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong mạng lưới với lãi suất tốt, doanh nghiệp nào có nhu cầu thì chỉ cần cung cấp chỉ số tín dụng (Credit Score) do phần mềm MISA tính toán dựa vào số liệu kế toán hay kết quả kinh doanh nhà hàng/cửa hàng, ngân hàng đánh giá thấy chỉ số này đạt yêu cầu là sẽ cho doanh nghiệp vay vốn. Việc vay vốn bình thường ở bên ngoài sẽ rất mất nhiều thời gian, tuy nhiên với hình thức này doanh nghiệp chỉ cần vài giờ là đã có thể vay được vốn.
Kết nối với các cơ quan thuế, bảo hiểm xã hội
Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp khi quyết toán thuế, bị cơ quan thuế loại bỏ các hóa đơn do nhà cung cấp đã sai phạm và bỏ trốn. Phần mềm MISA sẽ kết nối với cơ quan thuế để tự động tra cứu các thông tin này, nhằm giúp cảnh báo cho kế toán các trường hợp như nhập hóa đơn đầu vào của doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, bỏ trốn; hay thông tin doanh nghiệp trên hóa đơn bị sai so với đăng ký kinh doanh…
Kết nối thực khách với nhà hàng
Ưng dụng mobile app 5Food là mạng xã hội kết nối nhà hàng – thực khách giúp các nhà hàng, quán cafe sử dụng CukCuk dễ dàng quảng bá và thu hút khách đến với nhà hàng của mình. Trong năm 2018, MISA sẽ phát triển thêm nhiều tính năng thông minh nữa như sử dụng cơ chế gợi ý (Recommendation) để gợi ý cho người dùng những nhà hàng, quán ăn mới có món ăn, đồ uống phù hợp với sở thích của thực khách sử dụng 5Food.
Kết nối cửa hàng thời trang với các kênh bán hàng (omnichannel)
Phần mềm cửa hàng thời trang Mshopkeepper sẽ được trang bị giải pháp bán hàng đa kênh (omnichannel), giúp cửa hàng có thể quảng bá sản phẩm trên đồng thời nhiều kênh như Website, mạng xã hội Facebook, Zalo, các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee… Mọi thông tin khách hàng hỏi mua sản phẩm, đặt hàng… sẽ được đổ về một nơi duy nhất trên phần mềm nên chủ cửa hàng có thể dễ dàng nắm bắt, tương tác, chăm sóc khách hàng một cách nhanh chóng, kịp thời cũng như xử lý tất cả đơn hàng, quản lý hàng tồn, hàng xuất và thông tin khách hàng trên tất cả các kênh bán hàng.
Kết nối phần mềm của MISA với các phần mềm của nhà cung cấp khác
MISA sẽ cung cấp những công cụ lập trình (API) để giúp cho các nhà phát triển các phần mềm khác trên thị trường như phần mềm quản lý khách sạn, quản lý bán hàng, các hệ thống ERP… có thể kết nối với các phần mềm của MISA để trao đổi dữ liệu một cách thuận tiện. Việc kết nối sẽ tạo ra một hệ sinh thái phần mềm có quan hệ tương hỗ, cùng thúc đẩy gia tăng số lượng khách hàng của tất cả các bên.
3. Hỗ trợ thông minh
MISA sẽ trang bị các nhân viên tư vấn thông minh sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (Chatbot) nhằm hỗ trợ khách hàng sử dụng sản phẩm ngay trong phần mềm mà không phải liên hệ với nhân viên tư vấn hỗ trợ của MISA. Chatbot có khả năng giao tiếp với người dùng bằng ngôn ngữ tự nhiên, sử dụng kho tri thức khổng lồ của MISA nên có thể giải đáp được hầu hết các khó khăn, thắc mắc của người dùng trong quá trình sử dụng phần mềm.
Với khát vọng luôn tiên phong ứng dụng các công nghệ tiến bộ nhất của nhân loại, MISA luôn nỗ lực học hỏi và thay đổi không ngừng nhằm mang đến cho khách hàng những sản phẩm và dịch vụ phần mềm hiệu quả nhất với những trải nghiệm tốt nhất./.