Kiến thức quản trị Titanic – Những bài học về nghệ thuật lãnh đạo

Titanic – Những bài học về nghệ thuật lãnh đạo

16

“Chúng tôi đã đâm phải một tảng băng lớn… con tàu đang chìm rất nhanh… hãy trợ giúp chúng tôi nhanh nhất có thể”, đó là những thông tin cuối cùng của con tàu Titanic huyền thoại vào một đêm giá lạnh năm 1912. Con tàu bị hư hỏng nặng nề và chìm dần xuống đáy biển.

Tại sao con tàu lớn nhất và hiện đại nhất thế kỷ này có thể chìm? Những ai đã nghiên cứu về con tàu Titanic hay ít nhất đã xem bộ phim cùng tên có thể biết lý do tại sao. Nó không hoàn toàn do đâm phải tảng băng lớn. Nó do một vài nguyên nhân khác nữa. Và một lý do đằng sau không kém phần quan trọng là sự lãnh đạo kém cỏi.

Con tàu Titanic hiện vẫn nằm yên dưới biển, nhưng chúng ta có thể làm sống lại những sự thực về nó. Những bài học được rút ra sẽ giúp các công ty ngày nay có những hướng đi kinh doanh đúng đắn và cải thiện đáng kể khả năng lãnh đạo của các nhà quản lý.

Lãnh đạo luôn là người đứng mũi chịu sào – Nhà lãnh đạo mang nhiều ý nghĩa hơn một bù nhìn bằng gỗ. Lãnh đạo không phải là một vị trí, một chức danh công việc, hay trong trường hợp con tàu Titanic, đơn thuần là một người thuyền trưởng.

Lãnh đạo cũng không chỉ đồng nghĩa với sức mạnh, với cái tôi cá nhân và lấy niềm kiêu hãnh làm trọng tâm. Lãnh đạo là một nghệ thuật và khoa học. Lãnh đạo luôn là sự hiện diện, tiếp xúc, động viên, trò chuyện, kiểm tra, loại bỏ các rào cản, đào tạo, chuẩn bị, truyền đạt và đứng đầu ở trên một góc độ nhất định nào đó. Quản lý là một nghĩa vụ 8 giờ/ngày và 5 ngày/tuần, còn lãnh đạo là một trách nhiệm 24 giờ/ngày và 7 ngày/tuần.

Titanic là hành trình cuối cùng trước khi về hưu của thuyền trưởng E.J. Smithp. Ông đang hướng tới một cuộc sống thoải mái. Tất cả những gì ông phải làm đó là đến New York. Chỉ có thượng đế mới biết được tại sao ông lại không đếm xỉa đến sự thực, tại sao ông lại bỏ qua bảy cảnh báo có băng trôi từ đội ngũ thuỷ thủ và các con tàu khác.

Trách nhiệm không thể uỷ thác. Người lãnh đạo phải chịu trách nhiệm trước mọi công việc mà công ty làm, cho dù thành công hay thất bại. Trong thảm hoạ tàu Titanic, thuyền trưởng Smithp đã chìm xuống cùng con tàu.

Lớn nhất không phải là tốt nhất – Công ty càng trở nên to lớn bao nhiêu, sự cứng nhắc cũng lớn lên bấy nhiêu. Sẽ xuất hiện nhiều hơn các khó khăn và trở ngại để vượt qua và thay đổi.

Không chỉ có vậy, yếu tố quan liêu cũng nảy sinh tại nơi mà các quy tắc, luật lệ, chính sách, thủ tục và “Tôi cần một cái gật đầu để ra quyết định” trở thành chuẩn mực. Các hoạt động kinh doanh ngày nay phải nhanh chóng điều chỉnh hướng đi của mình. Có đến 30 giây để con tàu Titanic tránh khỏi tảng băng, song mọi thứ đã quá muộn.

Thứ bậc chưa hẳn đã tốt – Thứ bậc là tốt đối với công việc quản lý và kiểm soát, nhưng không tốt cho sự thay đổi và sáng tạo. Việc sắp xếp thứ bậc mọi người sẽ hạn chế rất nhiều tiềm năng. Ngày nay, các công ty thường sắp xếp thứ bậc và phân loại mọi người – đôi khi rất vô ý thức. Tuy nhiên, kết quả đều tương tự nhau. Trong trường hợp tàu Titanic, chính việc xếp thứ bậc những người được lên xuồng cứu hộ đã gây ra nhiều sự hỗn độn, bực tức.

Bạn hãy tự hỏi: khi con tàu chìm, ai sẽ là người đầu tiên lên xuồng cứu hộ? Ai nhận được tiền công, tiền thưởng, quyền chọn cổ phiếu hay các khách sạn đẹp. Hãy xoá bỏ ranh giới giữa các thứ bậc và khiến mọi người cảm thấy họ đang chèo lái con tàu theo cùng một định hướng cho cùng một mục đích. Hãy khiến mọi người cảm thấy ngang hàng.

Chân lý thay đổi – Trước khi ra khơi, mọi người đều cho rằng Titanic không thể chìm. Do quá tự tin vào chân lý này, số lượng xuống cứu hộ trên con tàu là rất ít, chỉ đủ cho một nửa số hành khách.

Những suy nghĩ khiến đem lại thành công cho chúng ta vào ngày hôm qua rất có thể là những điều khiến chúng ta thất bại vào ngày mai. Do vậy, trong lãnh đạo, điều quan trọng là phải suy nghĩ thấu đáo và lường trước đầy đủ những tình huống có thể xảy ra.

Công nghệ không bao giờ có thể thay thế được sự lãnh đạo – Không ít người nói rằng: “Sự nguy hiểm không phải ở chỗ máy tính sẽ thay thế con người. Mà nguy hiểm thực thụ là khi chúng ta bắt đầu hành động như những chiếc máy tính”.

Khi công nghệ thất bại, sự lãnh đạo phải thắng thế. Nhiều năm trước chuyến hành trình của tàu Titanic, thuyền trưởng E.J. Smith đã nói: “Tôi không thể hình dung được bất cứ điều kiện nào khiến con tàu này có thể chìm. Công nghệ đóng tàu hiện đại đã giành phần thắng trước tự nhiên”. Nhưng rồi kết quả thế nào hẳn chúng ta đã rõ.

Nhiều công ty ngày nay đã thay thế các nhà lãnh đạo của họ bằng càng chuyên gia kỹ thuật, thay thế bộ não của con người bằng những chíp máy tính. Vậy khi thảm hoạ xảy ra, ai sẽ là người dẫn dắt và liệu công nghệ của bạn có kéo bạn xuống sâu dưới đáy biển không?

Lãnh đạo luôn là đào tạo – Khi đuôi con tàu Titanic được nâng lên khỏi mặt nước, rất nhiều thuỷ thuỷ và hành khách vẫn đang loay hoay với các chiếc xuồng cứu hộ. Không có bất cứ kỷ luật nào, bất cứ sự diễn tập nào và do đó các thuỷ thủ đương nhiên không thể thực thi tốt trách nhiệm của mình. Các xuồng cứu hộ được tháo ra không đúng cách nên vẫn còn rất nhiều xuồng không được tận dụng. Mọi nhà lãnh đạo kinh doanh ngày nay phải đồng thời là những nhà đào tạo, những thày giáo, chứ không chỉ giao phó hết cho phòng đào tạo.

Lãnh đạo phải nhìn được xuống dưới bề mặt – Những nguy hiểm lớn nhất cũng như những cơ hội lớn nhất thường nằm ở phía dưới mặt nổi. Đại dương vào năm 1912 như một cái cốc thuỷ tinh vỡ, rất nguy hiểm. Phần lớn nhất của tảng băng trôi nằm ở dưới mặt nước biển và không thể nhìn thấy. Như một lưỡi sao sắc nhọn, nó tạo ra một vết thủng rất lớn trên con tàu Titanic. Do nằm phía dưới nên các thuỷ thủ và lái tàu là những người cảm nhận và thấy được nguy hiểm đầu tiên.

Nước tràn vào phía dưới bong tàu và lan mạnh ra mọi nơi. Những người thấy được điều này là những người ở phía dưới. Hơn thế nữa, họ luôn là những người có được các ý tưởng và giải pháp tốt nhất cho vấn đề. Trong quản lý kinh doanh ngày nay, hãy tìm kiếm các ý tưởng, vấn đề và giải pháp ở những nhân vật tiền tuyến. Hãy thực hiện nó trước khi bạn đâm vào tảng băng.

Lãnh đạo cần có tầm nhìn tốt – Thành công có thể khiến công ty gặp nhiều rắc rối. Một “thuyền trưởng” tốt cần luôn giám sát và đề phòng cao độ nhất mọi xu hướng thay đổi, mọi nhu cầu thay đổi, các cơn bão và những tảng băng lớn.

Sam Walton đã nhận ra các nhu cầu trong khi Sears không được như vậy. Máy tính Apple nhìn thấy các nhu cầu trước IBM. Tầm nhìn về những máy Sony Walkman hiện hữu trong tâm trí Akio Morita trước RCA. Hay Mary Kay Ashe nhìn thấy những gì người khác không thấy được. Để có được bức tranh? Bạn hãy ra ngoài kia và tìm kiếm những sự thay đổi tiếp theo.

Hy vọng rằng chúng ta rút ra được các bài học quý giá từ thảm họa Titanic và từ đó vẽ lại hải trình theo hướng đi thích hợp. Đừng mắc phải các sai lầm tương tự để tránh xa thảm hoạ Titanic ngay từ trong bản thân chúng ta.

Theo Bwportal/Trần Phương Minh (Theo Business Know-how)