Con người Công sở: Một không gian chuyên nghiệp… tiếng ồn

Công sở: Một không gian chuyên nghiệp… tiếng ồn

6
Công sở là một môi trường chuyên nghiệp với tiếng ồn? Góc làm việc riêng nho nhỏ, một chiếc máy tính màn hình LCD nối mạng, phòng dải thảm mát lạnh, sạch sẽ. Môi trường công sở chuyên nghiệp tuyệt vời nhưng khiến ai mới đến đều tá hoả….
Trước khi trở thành một “phụ nữ công sở”, tôi đã kịp trải nghiệm mấy công việc liền. Một thời gian là giáo viên đứng lớp, một thời gian là chuyên viên của một tổ chức (tổ chức phi chính phủ). Cả hai công việc đều thuần túy “công việc”.

Lúc làm giáo viên, mỗi buổi đứng lớp 1 tiếng 30 phút, ngoài một ít thời gian trò chuyện thư giãn với học sinh thì cả cô cả trò chỉ tập trung vào bảng, vào phấn, vào những bài hội thoại. Các câu hỏi có triền miên, bất tận nhưng chẳng mấy khi đi chệch ra khỏi nội dung bài học và tất nhiên cả lớp cùng tham gia.

Chuyên viên phi chính phủ cũng chẳng khác là mấy. Có khác là tôi không ở một vị trí cố định, mà rong ruổi khắp vùng này vùng kia, trao đổi-ghi chép, ghi chép-trao đổi, làm việc độc lập và các câu chuyện với bà con đều đạt được mục đích thông tin.

Cả hai công việc đều khiến tôi quen với lối tự thu xếp công việc của mình, không phải nhờ cậy ai, không cần phải quá quan tâm đến những thứ “ngoài rìa”, và dứt khỏi công việc thì mới đến xả hơi, cùng bạn bè, đồng nghiệp đi ăn chơi, buôn chuyện trên trời dưới biển, chuyện vui khi đi dạy hay đi gặp bà con, chuyện gia đình, hẹn hò…

Không gian “chuyên nghiệp… tiếng ồn”

Chưa bao giờ tôi có một góc làm việc riêng nho nhỏ, bàn có vách ngăn ba phía trang trí tuỳ ý, một chiếc máy tính màn hình LCD nối mạng, một chiếc tủ 3 ngăn có khoá gọn ghẽ để đồ dùng cá nhân. Phòng trải thảm, mát lạnh, nhân viên vệ sinh đi lại lau dọn. Môi trường công sở chuyên nghiệp khiến tôi tràn đầy hứng khởi.

Thế nhưng, chưa kịp vui sướng với góc nhỏ xinh thì tôi đã bị choáng váng bởi biết bao nhiêu là tiếng ồn và hoạt cảnh diễn ra mỗi ngày mỗi giờ trong căn phòng năm chục mét vuông.

Hết buôn chuyện công việc, gia đình… lại bình phẩm váy áo, phim chuyện đến cả học hành, tâm lý của con cái…

                                          

Họp giao ban một tiếng xong là tới 9h, đặt tài liệu được xuống bàn là ai cũng như trút bớt gánh nặng. Những tưởng mọi người sẽ tập trung vào bàn làm việc ngay, nhưng bắt đầu là khen áo mới, quần mới, mua ở đâu, ở đó có gì hợp với chị này em kia, rồi hẹn hôm nào đi xem nhé.

Chỗ khác thì kể chuyện “hoạt động tối qua”, từ giờ vàng phim Việt tới phim Hàn lúc mười rưỡi tối, rồi chồng con, nhan sắc. Ví dụ một người bắt đầu bằng chuyện đứa con sơ sinh của mình “đêm qua thức dậy ba lần, con cứ ọ ọe chẳng hiểu là đói hay đau bụng, làm bố mẹ thức luôn đến sáng”, những người khác sẽ phát triển tiếp tới mẫu giáo, tiểu học, rồi tâm lý trẻ tuổi dậy thì, rồi áp lực thi cử, yêu đương… Sau đó tới cả các bệnh giáo dục trầm kha của nước nhà…

Cứ thế, lao xao náo nức dễ đến cả tiếng đồng hồ, và cả ngày cứ một lát lại rộn lên như vậy. Góc này rì rầm, góc kia rì rầm, giờ mà cả tầng trật tự tập trung vào công việc khó lòng nói là được khoảng 1/4 ngày.

Ồn ào trở thành… văn hoá

Thực tế nghe chuyện cũng vui tai, nhưng khiến tôi rất khó tập trung. Những email có tài liệu đính kèm dài hàng cây số cần đọc kỹ, khi phải viết báo cáo, xử lý tài liệu, hay khi điện thoại hỏi han tình hình tiến độ công việc… thì những thứ lao xao bên tai khiến tôi không thể nhếch mép cười.

Tôi cũng không biết góp ý thế nào, văn hoá ở đây đã thế bao lâu, sao mà vì một nhân viên mới mà thay đổi. Nghĩ cho cùng, ở nhà bức xúc là thế, cũng phải đến đây chị em mới xả xì-trét được.

8h sáng có mặt ở công ty đến 5h chiều, trừ gia đình, vợ chồng, con cái ra, công sở đáng coi là “ngôi nhà thứ hai”, nơi những “chị em văn phòng” như tôi nương náu cả ngày. Việc chuyện qua chuyện lại, trao đổi này kia ngoài công việc, chia sẻ rằng khi này cáu giận, khi kia bực tức, cũng là chuyện không thể tránh khỏi.

Vả lại, đã coi là chốn “nương náu” ngoài gia đình, thế thì bao nhiêu những tâm trạng vui buồn chắc chẳng ai giấu nổi, cũng không muốn giấu làm gì, chẳng có gì hay hơn là “bày ra” giữa chị em, để mọi người cùng nghe, lắm khi là cùng “suy tính” để xem có diệu kế nào giải quyết những tình huống khó khăn.

Phải chăng công sở ở đâu cũng như vậy?

Lặng lẽ “phân tích” tình hình như thế, tôi cũng chẳng thấy phật lòng nhiều, cũng có khi này khi khác, một ngày nào đó, chính tôi sẽ phải tìm đến để san sẻ với số đông.

Vị cứu tinh “headphone”

Nhưng dù gì, công việc thì vẫn phải hoàn thành, cách tốt nhất là tôi học cách “sống chung” với nó. Tường không cách âm, mấy tấm vách cao ngang đầu chỉ đủ che mặt mũi tôi thôi chứ không ngăn tiếng ồn vào được…

Nghĩ chán chê chưa ra thì tôi nhìn thấy cái phone treo lủng lẳng ở cánh tủ. “Cứu tinh” là đây. Nạp thật đầy vào máy đủ loại nhạc, toàn những album dài hàng tiếng đồng hồ, toàn những thứ êm như ru, đúng sở thích, nghe lâu không bị mệt quá mà lại không làm mất tập trung nhiều.

Thế là sáng đến nơi, họp hành, chào hỏi mọi người xong, tôi lại nép vào cái góc nhỏ của mình, áp đôi phone vào, chọn một album cho hợp với tâm trạng. Cứ thế, tôi chìm vào tiếng nhạc và bắt đầu lách cách mở mail, lặng lẽ đọc, chăm chú ghi chép, công việc cứ thế trôi đi…

Thi thoảng bỏ phone ra xả hơi, tôi lắng nghe chút chuyện xung quanh, tiếng chị em cười rinh rích. Tôi cũng tham gia vài câu, rồi hỏi han người này người kia dăm ba câu khe khẽ. Thế là tôi vẫn thoải mái, mà mọi người cũng cũng không phải khó chịu vì tôi xa cách, một mình một kiểu.

Tôi cũng không biết khi nào có thể quen hoàn toàn với việc này, có kịp trước khi tôi tìm một công việc khác hay không. Nhưng có một điều hoang mang tôi không thể không nói ra, đó là: Các công sở khác liệu có khác gì chỗ tôi đang làm đây không?

Theo AFamily/Theo_24h