Tuyển dụng Ứng xử thế nào nếu người phỏng vấn khiếm nhã?

Ứng xử thế nào nếu người phỏng vấn khiếm nhã?

7
Có những điều bạn không muốn nhắc đến như cuộc sống gia đình sau ly hôn, chuyện làm bà mẹ đơn thân hay những scandal về tình ái… Bạn không muốn động đến chủ đề này cũng như khuấy động lòng tự trọng của bạn. Nhưng người phỏng vấn lại tỏ ra khiếm nhã.
Chắc chắn bạn sẽ không thoải mái, thậm chí bực tức vì cách cư xử của người phỏng vấn. Tuy nhiên, đôi khi, đó cũng là cách họ dùng để thử ứng viên về tính kiên trì, mềm mỏng rất cần cho một số vị trí thường xuyên làm việc với khách hàng, đối tác. Vì thế, gặp tình huống này, bạn đừng vội bực mình. Những bí quyết sau sẽ giúp bạn cảm thấy tự tin, thoải mái hơn khi đối diện với những người phỏng vấn thiếu lịch thiệp.
Để ý đến mục tiêu khác
Nên nhớ, bạn đến đây không phải vì người phỏng vấn, họ không phải là tất cả, không quyết định hoàn toàn quá trình xin việc của bạn. Vì thế, bạn không cần quá lưu ý đến thái độ của họ khi phỏng vấn.
Người phỏng vấn không đại diện cho toàn bộ công ty, cũng không liên quan nhiều đến công việc bạn làm sau này. Bạn không nên phản ứng dữ dội vì biết đâu, cách cư xử khiếm nhã đó cũng là một phần bắt buộc trong quá trình tuyển dụng của họ. Thay vì bực bội, bạn hãy cố gắng giữ thái độ lịch sự, chia sẻ với họ những điều có thể. Tất nhiên, đây là việc không đơn giản nhưng chỉ có cách này mới đưa cuộc phỏng vấn đến kết quả tốt nhất.
Lờ đi những nhận xét khiếm nhã
Bạn không cần quá chú ý đến những điều không mấy hay ho mà nhà tuyển dụng dành cho bạn, bạn cứ việc phớt lờ và tập trung nói về bản thân, từ kỹ năng, kinh nghiệm đến mong muốn công việc thế nào…
Nếu người phỏng vấn có những cư xử quá mức, bạn hãy khéo léo để họ nhận ra cách cư xử ấy có vấn đề để họ ngượng mà thay đổi hành vi.
Chuyển nội dung vấn đề
Đây cũng là một cách giúp bạn đối phó hiệu quả với những lời nói khiếm nhã từ người phỏng vấn. Bạn cứ đưa ra câu hỏi, càng “hóc búa” càng tốt, để người phỏng vấn tập trung trả lời và không còn thời gian cho những câu hỏi không nên có nữa.
Giữ tâm trạng vui vẻ
Đừng để những lời nhận xét không hay của người phỏng vấn làm bạn rối bời vì tức giận bởi như thế là bạn đã bị gục ngã trước miệng lưỡi người đối diện. Vì thế, hãy cố gắng giữ tâm trạng vui vẻ, coi lời nói của họ chỉ như “gió thoảng qua” và chẳng có lý do gì để bạn phải ấm ức. Mỗi người có tính cách cũng như tác phong làm việc riêng, bạn không việc gì phải bực bội vì những câu nói khiếm nhã.
Biết điểm dừng
Đôi khi, một điểm dừng hợp lý cũng là phương sách giúp bạn giữ cho cuộc phỏng vấn an toàn, đúng mực. Hãy cảm ơn người phỏng vấn đã dành thời gian cho bạn, lịch sự xin phép họ rời khỏi cuộc phỏng vấn mà không cần chú ý đến cách họ cư xử.
Với những người này, tuyệt đối đừng kéo dài thời gian bằng những câu hỏi tự mình đặt ra, kể cả bạn vẫn còn băn khoăn đi chăng nữa.

Theo Tienphong